Mỗi tàu ngầm hạt nhân Akula có giá tới 2,4 tỉ USD (tỉ giá ngày nay).
Trong môi trường chiến đấu giả định, tàu ngầm Mỹ có nhiệm vụ phát hiện tàu ngầm Nga trước và sau đó tiêu diệt đối phương bằng ngư lôi dẫn đường. Nhưng chiến lược đó đã phá sản vì một tàu ngầm xuất hiện vào giữa những năm 1980, đó là tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Akula, theo National Interest.
Đến hơn 30 năm sau, tàu ngầm lớp Akula vẫn là thứ vũ khí săn ngầm đáng sợ trong hạm đội Nga, hoạt động êm ái đến mức các tàu ngầm uy lực nhất của Mỹ vẫn chưa thể sánh bằng, tác giả Sébastien Roblin nhận định.
Tình báo Mỹ những năm 1970 phát hiện hải quân Liên Xô đang nghiêm túc theo đuổi dự án chế tạo tàu ngầm hoạt động siêu yên tĩnh. Quá trình đóng tàu ngầm Đề án 971 lớp Akula (nghĩa là Cá mập) bắt đầu từ năm 1983. Thiết kế mới tận dụng các ứng dụng tiên tiến nhất của Thụy Điển và Nhật Bản lúc bấy giờ, giúp các kỹ sư Liên Xô tạo ra động cơ chân vịt hoạt động gần như không tiếng ồn.
Tàu ngầm Akula có lượng giãn nước 13.000 tấn khi lặn. Thân tàu bọc thép dày gấp đôi, giúp chịu thiệt hại tốt hơn. Ngay cả các lỗ thông giúp nước tràn vào thân tàu cũng có nắp che để hạn chế tiếng ồn. Con tàu dài 111 mét dạng hình giọt nước với lớp phủ bề mặt không phản xạ sóng radar. Thủy thủ đoàn trên tàu khoảng 70 người, có thể duy trì lặn sâu dưới đáy biển suốt 100 ngày cho đến khi cần đồ tiếp tế.
Tàu ngầm hạt nhân Akula của Nga luôn tạo mối đe dọa thường trực với Mỹ.
Tàu được trang bị động cơ hạt nhân tạo ra 190MW điện, đạt tốc độ tối đa 60 km/giờ khi lặn, vận hành ở độ sâu 480 mét, sâu hơn 200 mét so với tàu ngầm lớp Los Angeles của Mỹ.
Điều khiến hải quân Mỹ lo ngại là tàu ngầm lớp Akula có khả năng hoạt động yên tĩnh tương đương tàu lớp Los Angeles, thậm chí các cảm biến trên tàu còn ưu việt hơn tàu ngầm Mỹ. Điều này khiến các tàu ngầm hạt nhân Mỹ đánh mất ưu thế trên biển.
Sở hữu tính năng vượt trội như vậy nên các tàu ngầm lớp Akula chuyên được giao nhiệm vụ săn tàu ngầm Mỹ, đặc biệt là các tàu ngầm mang theo tên lửa đạn đạo như tàu ngầm lớp Ohio.
Ngoài 4 ống phóng ngư lôi tiêu chuẩn 533mm, tàu có thêm 4 ống phóng ngư lôi cỡ lớn 650mm, với 40 quả ngư lôi và tên lửa chống hạm, hoặc mìn. Ngày nay các tàu lớp Akua được nâng cấp để mang theo tên lửa hành trình Kalibr.
Tàu cũng có năng lực phòng không hạn chế với 3 tên lửa Igla-M, chỉ sử dụng được khi nổi trên mặt nước.
Nhà máy đóng tàu Liên Xô từng hạ thủy được tới 7 tàu ngầm Akula trong khi phía Mỹ mới loay hoay đóng xong một tàu lớp Seawolf. Liên Xô đáp trả bằng tàu ngầm Akula phiên bản nâng cấp, hạ thủy ngay trước thời điểm năm 1991, với việc bổ sung thêm 6 ống phóng tên lửa và tăng khả năng hoạt động yên tĩnh.
Tàu ngầm lớp Los Angeles của Mỹ đánh mất ưu thế khi Akula xuất hiện.
Tàu ngầm lớp Seawolf của Mỹ có thể duy trì khả năng hoạt động yên tĩnh ở tốc độ cao hơn tàu ngầm Nga, nhưng cho đến nay, Mỹ mới có 3 tàu ngầm loại này.
Theo giới quan sát, Nga hiện có 10-11 tàu ngầm Akula nhưng chỉ 3-4 chiếc là trong tình trạng hoạt động tốt, số còn lại đang chờ sửa chữa, nâng cấp và một chiếc đang cho Ấn Độ thuê có thời hạn.
Các tàu ngầm Akula đôi khi vẫn thường áp sát lãnh hải Mỹ ở bờ Đông mà người Mỹ không hề hay biết. Nhiều khi con tàu cố tình để lộ vị trí như sự kiện năm 2009, theo National Interest.
Trong vài thập kỷ tới, tàu ngầm lớp Akula vẫn có chỗ đứng không thể thay thế trong hạm đội tàu ngầm Nga. Phiên bản tàu ngầm lớp Yasen thay thế cho Akula hiện mới có một chiếc được Nga hạ thủy trong kế hoạch đóng tổng cộng 10 chiếc.
Cho đến lúc đó, Akula vẫn là tàu ngầm hạt nhân hoạt động yên tĩnh nhất, phù hợp nhất trong môi trường tác chiến chống tàu ngầm.
Một vụ va chạm nghiêm trọng giữa hai tàu ngầm hạt nhân Mỹ và Liên Xô ngoài khơi bờ biển Anh trong giai đoạn cao trào Chiến...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.