Tàu sân bay Trung Quốc chỉ hữu danh vô thực

Thứ sáu, ngày 07/09/2012 07:28 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Varyag hiện tại mới là thứ “đồ chơi” hay là thứ “đồ lạc xoong” TQ mua về dỡ tung các bộ phận xem chế tạo ra sao để mà bắt chước...
Bình luận 0

Trong khi các nhà hoạt động nhân quyền Nhật Bản chen nhau đặt chân lên hòn đảo tranh chấp với Trung Quốc (TQ) trong biển Hoa Đông hồi tháng này thì một trong những nhà bình luận quân sự diều hâu nhất của TQ lại đưa phản ứng với những lời lẽ dè dặt.

Thiếu tướng về hưu La Chí Tường đề nghị đặt tên tàu sân bay mới của TQ là Điếu Ngư, theo tên hòn đảo tranh chấp. Điều này sẽ chứng tỏ chủ quyền của TQ đối với hòn đảo mà phía Nhật Bản gọi là Senkaku.

Với một người nổi tiếng hiếu chiến, đây là một trong những phản ứng “mềm” nhất mà La chủ trương qua một loạt tranh cãi đã làm xấu đi quan hệ giữa TQ với nước láng giềng trong những tháng gần đây. Điển hình hơn cả là cảnh báo của tướng La hồi tháng 4.2012 rằng hải quân TQ sẽ “giáng trả mạnh” nếu bị khiêu khích trong một tranh cãi với Philippines về bãi cạn Scarborough ở biển Đông.

img
Máy bay chiến đấu J-15 của Trung Quốc, một phiên bản từ SU-33 của Nga

Tàu sân bay Varyag còn thiếu nhiều thứ?

Một trong những lý do có thể khiến tướng La kiềm chế, theo các nhà phân tích quân sự, là ông ta biết phải đến cuối thập niên này TQ mới có thể thật sự triển khai tàu sân bay mới tại những hòn đảo tranh chấp hoặc bất cứ điểm bất ổn với TQ nào trên biển.

Mặc dù dư luận TQ trước đây được phổ biến rằng tàu sân bay, con tàu từ thời kỳ Xô viết có tên Varyag mới mua lại của Ukraine, sẽ nhanh chóng trở thành soái hạm của hải quân hùng mạnh, các chuyên gia quốc phòng nói nó thiếu máy bay chiến đấu, điện tử, mọi hỗ trợ huấn luyện và hậu cần cần thiết để trở thành con tàu sẵn sàng lâm chiến. Carlo Kopp, một chuyên gia cố vấn độc lập thuộc Không quân Úc, nói: “Có thể phải mất từ 3 đến 5 năm nữa, Varyag mới đi vào hoạt động”.

Tàu sân bay thường được biết dưới tên gốc Varyag đã được sửa lại, vừa mới trở về cảng Đại Liên thuộc mạn đông bắc TQ vào ngày 31.8, sau 10 chuyến chạy thử ngoài biển, theo những tin tức từ giới truyền thông chính thức của TQ.

Một số nhà nghiên cứu quân sự TQ trước đó từng ước đoán tàu sẽ phục vụ trong lực lượng hải quân nội trong năm nay. Tuy nhiên, các sĩ quan cao cấp trong quân đội TQ đã dẹp bỏ những kỳ vọng này, nói rõ tàu sân bay trọng tải 60.000 tấn còn lâu mới sẵn sàng hoạt động và cần trải qua một lịch mở rộng cho kế hoạch thử nghiệm và rèn luyện. Đại tá Lâm Bài thuộc Cục Vũ trang tổng quát được dẫn lời trên trang web chính thức của chính phủ sau khi Varyag trở lại cảng: “Vạn lý Trường thành không xây trong một ngày”.

Tàu sân bay chỉ để Trung Quốc “dọa” người?

Hải quân Mỹ có đến 11 hạm đội, mỗi hạm đội với soái hạm là một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân cho phép Mỹ kiểm soát những khu vực rộng mênh mông trên bề mặt trái đất và cả trong không gian. Chỉ một nhóm nhỏ mấy nước khác có tàu sân bay là Anh, Pháp, Nga, Ý và Ấn Độ.

img
Tàu sân bay Varyag vừa cập cảng Đại Liên sau 10 chuyến chạy thử

Li Jie, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu hải quân TQ, nhận xét: “Những tàu sân bay là không thể so sánh và không thể thay bằng các loại vũ khí khác. Nếu một nước muốn trở thành siêu cường, nước ấy phải phát triển tàu sân bay”.

Với suy nghĩ đó, TQ đã mua Varyag từ năm 1998. Dù chưa tận dụng được tối đa nhưng nó cũng giúp đáng kể cho việc tuyên truyền với dư luận trong nước về viễn cảnh TQ đang trở thành một cường quốc hải quân hàng đầu thế giới, về khả năng tranh chấp nóng tại biển Đông và biển Hoa Đông của Bắc Kinh. Và Bắc Kinh muốn gửi thông điệp đến các nước tranh chấp: Hãy coi chừng.

Varyag cần hoàn thiện thêm những gì?

Nhưng trước sau gì thì TQ cũng sẽ phải nâng cao khả năng thực của hải quân bằng những tàu sân bay, chứ không thể “hữu danh vô thực” mãi thế được. Họ đang ráo riết làm việc này.

Một thách thức chính mà TQ đối mặt là xây dựng một hạm đội máy bay có cánh và trực thăng được triển khai từ trên sàn tàu sân bay. Họ đang triển khai một loại máy bay tiêm kích mới có tên J-15. Đây là một phiên bản của máy bay chiến đấu SU-33 của Nga, loại máy bay rất ưu việt khi cất cánh từ tàu sân bay.

TQ cũng cần triển khai một chiến lược và học thuyết nhằm bảo vệ tàu sân bay khi nó làm nhiệm vụ ở xa bờ biển TQ. Các tàu sân bay Mỹ thường được bảo vệ bởi hệ thống chiến hạm vệ tinh và các tàu ngầm tấn công chạy bằng hạt nhân.

Varyag còn rất nhiều thứ cần hoàn thiện. Trên đường hoàn thiện Varyag, TQ cần có thêm những kiến thức mới về tàu sân bay để có thể tự mình sản xuất tàu sân bay. Những bài viết không chính thức của quân đội TQ trên blog và trên mạng nói TQ lên kế hoạch tự xây dựng những tàu sân bay mới tại căn cứ đóng tàu Giang Nam, gần Thượng Hải, bắt đầu từ năm 2015.

Rõ ràng Varyag hiện tại mới là thứ “đồ chơi” hay là thứ “đồ lạc xoong” TQ mua về dỡ tung các bộ phận xem chế tạo ra sao để mà bắt chước thôi. Các nước láng giềng với TQ không cần sợ Varyag lắm.

Theo Thế giới & Hội Nhập

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem