Tàu tên lửa Skjold: Đỉnh cao công nghệ của Hải quân Na Uy

Thứ sáu, ngày 03/05/2013 19:16 PM (GMT+7)
Dân Việt - Hôm qua, Hải quân Hoàng gia Na Uy vừa tiếp nhận chiếc tàu thứ sáu và cũng là cuối cùng trong lớp tàu tên lửa tấn công cao tốc Skjold.
Bình luận 0

Liên danh Skjold Prime gồm 2 nhà thầu Na Uy là Umoe Mandal và Kongsberg Defence & Aerospace cùng tập đoàn DCNS của Pháp, đã nhận được hợp đồng chế tạo 6 tàu tên lửa tấn công cao tốc này cho Hải quân Hoàng gia Na Uy. Những chiếc đầu tiên đã được khởi đóng vào năm 2007, bàn giao năm 2010 và bây giờ là chiếc cuối cùng trong lớp Skjold mang phiên hiệu P-965. 

img
Pháo hạm Oto Melara 76mm Super Rapid trang bị trên Skjold, đang khai hỏa. Với tầm bắn 16 km và tốc độ 120 phát/phút, nó có thể chi viện cho cả một tiểu đoàn đổ bộ.

Dù chỉ là lớp tàu tấn công hạng nhẹ (corvette) nhưng Skjold được xem như niềm tự hào của công nghiệp đóng tàu Na Uy với những tính năng độc nhất vô nhị. Cho tới nay, Skjold vẫn là lớp tàu vũ trang có tốc độ nhanh nhất thế giới, với kỷ lục nó đang nắm giữ là 63 hải lý/giờ (117km/giờ). 

Để có được điều này, ngoài thiết kế của một tàu đệm khí hai thân, Skjold còn dựa vào sức mạnh đến từ 2 động cơ gas turbine 12.117 KW/chiếc và 2 động cơ diesel 1.490 KW/chiếc. Ngoài ra, hình dáng bên ngoài của tàu cũng được thiết kế theo dạng khí động học hoàn hảo cũng như vật liệu tiên tiến (chủ yếu là sợi thủy tinh và carbon composite).

img
Chiếc Skjold đầu tiên P-960 đã lập kỷ lục thế giới cho các tàu chiến khi chạy tới tốc độ 117 km/giờ.

Tàu dài 50 mét, rộng 14,73 mét và lượng giãn nước là 270 tấn. Nhưng điểm độc đáo của tàu Skjold là nhờ thiết kế hai thân đệm khí nên tàu cực kỳ linh hoạt: độ mớn nước dao động từ 0,9 đến 2,3 mét, tùy vào tốc độ. Nhờ đó, tàu có thể hoạt động tại cả những vùng nước rất nông, luồn lách dễ dàng trong những vịnh nhỏ, hẹp để bất ngờ tung ra đòn tấn công. 

Skjold là chiếc tàu tàng hình có độ bộc lộ radar cực thấp cùng khả năng tự động hóa rất cao. Với thủy thủ đoàn vỏn vẹn 16 người, nhưng nó có thể đáp ứng tất cả mọi nhiệm vụ chiến đấu nhờ hệ thống chỉ huy tác chiến Senit 2000 và dàn vũ khí mạnh không kém một chiếc tàu hộ tống nào. 

img
Tên lửa Naval Strike rời bệ phóng trên tàu.

Ngoài pháo hạm bắn siêu nhanh Oto Melara 76mm Super Rapid, những chiếc Skjold còn đặc biệt đáng sợ khi được bố trí 8 tên lửa đối hạm siêu cận âm Naval Strike.

Đây là loại tên lửa do tập đoàn Kongsberg Defence & Aerospace sản xuất, có tính năng tương đương Harpoon của Mỹ hay Exocet của Pháp, nhưng trang bị công nghệ đầu dò tiên tiến hơn (kết hợp giữa định vị vệ tinh, radar ảnh nhiệt, sóng radio, tự dẫn hồng ngoại và khả năng bay theo bản đồ địa hình). 

img
Với đầu dò tiên tiến, tên lửa Naval Strike có đường bay cực kỳ đa dạng, trong đó, giai đoạn cuối nó bay cách mặt nước chỉ từ 5-10 m.

Với tầm bắn 185 km và đầu nổ 125kg, tên lửa Naval Strike có thể đánh chìm những chiến hạm nặng tới 5.000 tấn chỉ với một phát bắn. Hiện nay, Hải quân Mỹ cũng đang đàm phán với Na Uy để trang bị tên lửa Naval Strike cho những chiếc tiêm kích F35 của mình.

Trong khi đó, Kongsberg cũng tiếp tục nghiên cứu để nâng tầm bắn của Naval Strike lên 280 km đồng thời chuyển hóa nó thành tên lửa đa nhiệm (bao hồm cả nhiệm vụ tấn công mặt đất như tên lửa hành trình Tomahawk). 

img
Tên lửa Naval Strike phiên bản phóng từ máy bay đang được Hải quân Mỹ tính lắp cho các chiến đấu cơ F-35.

Với hệ thống tên lửa Naval Strike cùng khả năng cực kỳ cơ động, tàu tấn công lớp Skjold đang được xem như những chiến hạm lý tưởng nhất cho nhiệm vụ bảo vệ lãnh hải, tuần tiễu đặc biệt với những quốc gia có nhiều vịnh và đảo nhỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem