Tàu tuần duyên đấu vòi rồng trên biển

Thứ tư, ngày 26/09/2012 08:28 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 25.9, các tàu tuần duyên của Nhật Bản và Đài Loan đã có màn đối đầu bằng vòi rồng, sau khi hàng chục tàu cá Đài Loan tiến đến vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku (Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư).
Bình luận 0

Đây là diễn biến leo thang mới nhất trong vụ tranh chấp chủ quyền trên vùng biển Hoa Đông.

Các tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) đã sử dụng vòi rồng để đuổi khoảng 40 tàu cá cùng 8 tàu tuần duyên của Đài Loan ra khỏi vùng biển mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền. Theo người phát ngôn của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật, đây là vụ xâm nhập lãnh hải Nhật lớn nhất từ Thế chiến II đến nay.

Vụ xâm nhập lớn gần đây nhất là vào năm 1996, khi 41 tàu chở các nhà hoạt động từ Hongkong và Đài Loan tiến vào vùng biển quanh quần đảo nhằm khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này.

img
Tàu Nhật Bản và Đài Loan cùng phun vòi rồng vào nhau.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura cho biết, JCG đã sử dụng vòi rồng và các biện pháp khác nhằm buộc các tàu Đài Loan thay đổi hải trình. Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Fujimura nhấn mạnh: "Chúng tôi mới gửi văn bản phản đối cho phía Đài Loan. Theo lập trường của chúng tôi, vấn đề này cần phải được giải quyết căn cứ vào bối cảnh quan hệ song phương tốt đẹp giữa Nhật Bản và Đài Loan. Chúng tôi mong muốn dàn xếp vấn đề này một cách êm đẹp".

Trong khi đó, Đài Truyền hình NHK của Nhật Bản đã quay cảnh một tàu của JCG phun nước vào một tàu cá của Đài Loan và một tàu tuần tra của Đài Loan dùng vòi rồng phun trả tàu Nhật Bản.

Đài Loan tiết lộ, các sĩ quan trên một số tàu tuần duyên của họ là những cá nhân ưu tú được vũ trang đầy đủ. Tuần duyên Nhật Bản cho biết, toàn bộ các tàu Đài Loan đã rời khỏi khu vực được Tokyo xem là lãnh hải sau đó ít giờ. Người đứng đầu Cơ quan Tuần duyên Đài Loan Vương Tiến Vượng phát biểu: “Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để bảo vệ ngư dân. Chúng tôi không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để phản công nếu Nhật làm thế”.

Luật về lực lượng bảo vệ bờ biển được sửa đổi bắt đầu có hiệu lực ngày 25.9, cho phép JCG bắt giữ người đổ bộ trái phép lên đảo. Lực lượng bảo vệ bờ biển sẽ phối hợp với cảnh sát tỉnh Okinawa đưa nhân viên lên đảo trước, nếu ngư dân Đài Loan đổ bộ lên đảo sẽ bị bắt giữ do vi phạm luật quản lý nhập cảnh và dân tị nạn.

Ngày 25.9, Trung Quốc đã công bố Sách Trắng về quần đảo Điếu Ngư, trong đó khẳng định các tài liệu lịch sử cho thấy quần đảo này được phát hiện lần đầu tiên, được đặt tên và khai thác bởi Trung Quốc.

Liên quan đến vấn đề tranh chấp đảo Senkaku, ngày 25.9, Đài NHK dẫn lời các quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, Chính phủ Nhật Bản đã trình Liên Hợp Quốc (LHQ) văn bản phản đối bản đồ hải giới quần đảo Senkaku trên Biển Hoa Đông mà Trung Quốc mới đệ trình hồi đầu tháng. Trong văn bản trên, Nhật Bản đã khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Senkaku cũng như các đảo phụ cận của quần đảo này.

Trước đó ngày 13.9, Đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ Lý Bảo Đông đã gặp Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và đệ trình bản sao hải đồ, trong đó Chính phủ Trung Quốc đặt tên và tuyên bố chủ quyền đối với 17 điểm cơ sở quanh quần đảo Điếu Ngư.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem