Tàu vũ trụ Voyager 1 rời vùng nhật quyển năm 2012 và Voyager 2 mới rời khu vực này hồi tháng trước.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) từng phóng nhiều tàu mang bản đồ Trái đất vào vũ trụ, một trong số đó là Voyager 2, khởi hành năm 1977.
NASA hôm 10.12 tuyên bố Voyager 2 đã vào đến vùng không gian liên sao, điểm cuối cùng của Hệ Mặt trời, cách Trái đất 18 tỉ km. Đây là khu vực cuối cùng còn chịu ảnh hưởng từ Mặt trời.
“Lần này mọi chuyện tốt đẹp hơn. Các thiết bị trên Voyager 2 vẫn còn hoạt động tốt”, chuyên gia NASA, Nicky Fox nói. Tàu Voyager 1 trước đó cũng từng đi qua ranh giới này nhưng không thể truyền thông tin về chi tiết như Voyager 2.
“Việc Voyager tiếp tục gửi dữ liệu từ bên rìa Hệ Mặt trời hứa hẹn giúp chúng ta biết đến một khu vực mà con người chưa từng có cơ hội khám phá”, Fox nói thêm.
Mặc dù rời vùng nhật quyển, nhưng tàu vũ trụ Voyager 2 vẫn còn mất một khoảng thời gian dài nữa mới thực sự thoát khỏi Hệ Mặt trời, NASA tuyên bố. Đó là bởi vì những vật thể trong vùng không gian này vẫn chịu sự tác động từ Mặt trời, dù rất nhỏ.
Tàu vũ trụ Voyager đang thực hiện sứ mệnh đi xa nhất trong vũ trụ từ trước đến nay.
NASA nói Voyager 2 mất thêm 300 năm nữa để đi qua Đám mây Oort và 30.000 năm nữa để hướng đến những nơi khác trong dải Ngân Hà.
Theo NASA, tàu vũ trụ Voyager 2 hiện vẫn đang hoạt động tốt, nhưng con tàu có thể chỉ bay được thêm 10 năm nữa cho đến khi cạn kiệt nhiên liệu.
Trong những năm qua, NASA đã tắt nhiều hệ thống trên tàu để tiết kiệm năng lượng hơn. Tín hiệu radio mà Voyager 2 truyền về Trái đất cũng phải mất tới 16,5 giờ để NASA nhận được.
Trên tàu Voyager 2 có chứa Đĩa vàng ghi lại âm thanh trên Trái đất, những hình ảnh, thông điệp của con người, tấm bản đồ tiết lộ địa điểm xuất phát của tàu, để chứng minh về nền văn minh Trái đất, nếu một ngày người ngoài hành tinh tìm thấy.
Tấm bản đồ mô tả vị trí Trái đất trong thiên hà được NASA đặt vào tàu vũ trụ Voyager khiến các chuyên gia tranh cãi...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.