Theo Sở Kế hoạch và đầu tư (KH-ĐT), Chương trình năm 2019 tiếp tục mục đích thực hiện tốt công tác giới thiệu, quảng bá về hình ảnh cũng như môi trường đầu tư của tỉnh, cũng như thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tỉnh Tây Ninh dự kiến chi hơn 7,5 tỷ đồng để thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư thương mại du lịch tỉnh năm 2019. Ảnh: Huỳnh Đông
Nội dung chương trình được tổng hợp từ kế hoạch của 4 đơn vị chủ trì gồm Sở KH-ĐT, Sở Công thương, Sở VH-TT&DL và Ban quản lý các khu kinh tế.
Theo ông Bùi Công Sơn - Giám đốc Sở KH-ĐT, sau khi nhận được báo cáo, đề xuất từ các đơn vị chủ trì, dự thảo Chương trình có tổng kinh phí hơn 12,57 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí ngân sách chiếm hơn 7,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do kinh phí từ ngân sách năm 2019 chỉ được phân bổ 4,5 tỷ đồng. Các đơn vị chủ trì phải sắp xếp, cân đối lại các hoạt động đề xuất theo thứ tự ưu tiên, hoạt động nào đủ điều kiện thực hiện, cần thiết thì ưu tiên bố trí vốn thực hiện.
Sau khi thống nhất nội dung, Sở KH-ĐT đã hoàn chỉnh dự thảo Chương trình 2019 bao gồm 30 hoạt động của 4 đơn vị chủ trì với tổng kinh phí hơn 7,52 tỷ đồng.
Trong đó, nguồn ngân sách 4,5 tỷ đồng sẽ được phân bổ cho Sở KH-ĐT 1,156 tỷ đồng; Sở Công thương hơn 1,62 tỷ đồng; Sở VH-TT&DL hơn 1,47 tỷ đồng; Ban quản lý các khu kinh tế 200 triệu đồng, nguồn cho dự phòng hơn 42,4 triệu đồng. Các nguồn Trung ương, địa phương khác 600 triệu đồng và nguồn xã hội hóa hơn 2.42 tỷ đồng.
Một dự ánh đầu tư của công ty sữa Vinamilk tại tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ
Theo phân công, Sở KH-ĐT sẽ thực hiện một số nhiệm vụ trong đó có việc biên soạn và tái bản ấn phẩm “Tây Ninh – Điểm đến đầu tư”; tăng cường đối thoại chính quyền với doanh nghiệp nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh(PCI), tiếp tục chương trình “Café oanh nhân cuối tuần”...
Các nội dung liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh sẽ do Sở Công thương chủ trì và phối hợp để tham gia kết nối cung cầu; đưa hàng Việt về nông thôn; duy trì tham gia các phiên chợ xanh, lễ hội trái cây... giúp cho khách du lịch trong và ngoài tỉnh hiểu thêm về các sản phẩm đặc trưng, đặc sản của tỉnh.
Sở VH-TT&DL có nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp và tham gia các hội chợ triển lãm du lịch; và chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực về quản lý du lịch và kỹ năng xúc tiến du; đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng mô hình Homestay và Farmstay.
Năm 2019, Bam quản lý các Khu kinh tế sẽ tập trung xúc tiến đầu tư tại thị trường tiềm năng Nhật Bản, và làm việc với một số doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư thành công tại tỉnh Tây Ninh.
Sở KH-ĐT cho biết dự thảo Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2019 sẽ tiếp tục lấy ý kiến các sở ngành trong tháng 4.2019 để sớm trình UBND tỉnh thông qua.
Dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản tại Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ
Năm 1985, tổng thu ngân sách của Tây Ninh chỉ khoảng 3 tỷ đồng. Đến năm 2018 con số này đạt 7.663 tỷ đồng. Năm 2019, dự kiến tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là 8.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Tây Ninh đang nỗ lực xây dựng hình ảnh là điểm đến đầu tư hấp dẫn, thân thiện và an toàn với các nhà đầu tư.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2018 của tỉnh tăng 5 bậc so với năm 2017, xếp thứ 19 lên 14/63 tỉnh, thành phố. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục phấn đấu nâng cao hơn nữa chỉ số PCI, phấn đấu vào tốp dẫn đầu trong năm tới.
“Việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hanh chính sẽ đồng thời khai thác triệt để phát huy nội lực và lợi thế so sánh của mình trong những lĩnh vực có thế mạnh”, ông Ngọc nhấn mạnh. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.