Hàng hóa không thiết yếu nhưng nó tạo ra thứ thiết yếu thì phải được coi là thiết yếu

Trần Khánh Thứ sáu, ngày 30/07/2021 14:00 PM (GMT+7)
Đây là ý kiến của ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An tại Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt trong điều kiện Covid-19 chiều ngày 29/7.
Bình luận 0

Ban hành danh mục hàng cấm vận chuyển thay vì danh mục hàng thiết yếu

Góp ý tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho rằng mấu chốt lớn nhất hiện nay là sự đứt gãy chuỗi cung ứng cả trong nước và một phần xuất khẩu.

"Tuy nhiên, sự đứt gãy này là do chính chúng ta làm ra. Nhất là ở một số địa phương tự làm căng cho chính mình khi siết chặt phòng chống dịch", Thứ trưởng Tuấn nhận định.

Trung chuyển rau của

Một điểm trung chuyển rau củ quả ngay chốt kiểm dịch ở TP.Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh Trần Khánh.

Các tỉnh thành như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương... đang chống dịch căng thẳng nhưng các tỉnh khác không nhất thiết phải căng thẳng theo như vậy.

Thứ trưởng Tuấn nêu ví dụ, đã có trường hợp xe chở hàng hóa không đi vào mà chỉ đi qua tỉnh A nhưng tỉnh A vẫn ra quốc lộ chặn đường, không cho di chuyển.

Theo Thứ trưởng Tuấn, cả nước đang chống dịch nhưng nhiều địa phương chưa tính hết yếu tố hậu cần.

Vì thế, Thứ trưởng Tuấn cho rằng: "Việc nhiều người lo ngại không chết vì dịch nhưng chết vì đói là nỗi lo có thật".

Trong việc cung ứng hàng hóa hiện nay cần xem lại danh mục hàng hóa thiết yếu.

"Thay vì đề xuất ban hành danh mục hàng hóa thiết yếu thì đề xuất danh mục cấm lưu thông. Việc ban hành danh mục hàng cấm vận chuyển cũng tạo điền kiện thống nhất các hàng hóa được lưu thông giữa các tỉnh thành hiện nay", Thứ trưởng Tuấn đề nghị.

Cùng quan điểm, ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An kể, có rất nhiều loại vật tư không thiết yếu.

Ông Huy ví dụ, với mặt hàng chuối xuất khẩu, thì bao bì carton rất quan trọng trong đóng gói, vận chuyển. Nhưng nếu quy định bao bì carton không phải hàng thiết yếu thì không biết làm sao đóng gói để xuất khẩu.

"Vì thế, tôi rất tán thành một quan điểm mới đây của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, rằng: Những mặt hàng không thiết yếu nhưng nó tạo ra những thứ thiết yếu thì phải được coi là thiết yếu", ông Huy chia sẻ.

chuối

Nông nhân ở An Giang kiểm tra chuối trước khi thu hoạch. Ảnh Minh Anh

Một việc quan trọng khác mà ông Huy kiến nghị là nên tạo điều kiện cho lực lượng thu hoạch trái có nhiều điều kiện để di chuyển hơn.

Đây là lực lượng có kỹ thuật riêng, biết thu hoạch sao cho tốt nhất với từng loại trái cây. Nhưng việc giãn cách xã hội khiến đội ngũ này khó tiếp cận vùng trồng. Đây là một trong những nguyên nhân nông sản ùn ứ ngay tại nguồn cung.

Với các tỉnh, cần có giải pháp linh hoạt tạo vùng "xanh" để cung ứng hàng hóa cho người tại đó cũng như tạo luồng "xanh" cho thu hoạch, thu mua nông sản, ông Huy đề nghị.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam thừa nhận, hiện nay, các địa phương vẫn đang nỗ lực thực hiện các biện pháp vừa chống dịch, vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên vẫn còn 1 số điểm ách tắc.

Thứ trưởng Nam mong bà con nông dân và HTX thông cảm vì chống dịch là mục tiêu số 1. Khi số ca nhiễm Covid-19 tăng nhiều, một số nơi siết quá chặt khâu lưu thông khiến việc tiêu thụ hàng hóa khó khăn.

Tổ Công tác 970 đang chỉ đạo các địa phương xây dựng vùng an toàn để đảm bảo việc cung ứng hàng hóa và sản xuất.

"Điều quan trọng nhất là xây dựng được chuỗi liên kết. Vì thực tế những ngày gần đây cho thấy, doanh nghiệp nào đã ký được hợp đồng với tổ hợp tác, HTX thì vẫn đảm bảo được giá cả và lưu thông hàng hóa cho nông dân", Thứ trưởng Nam chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem