Mới đây, các bác sĩ đã điều trị cứu đôi chân bị tắc động mạch chi dưới mãn tính của bệnh nhân L.Q.L (66 tuổi, trú tại phường Hùng Thắng, TP Hạ Long).
Khó đi lại vì bệnh lý tắc động mạch chi dưới
Nhiều tháng nay, ông L. thường xuyên bị đau nhức kèm theo tê bì bàn, ngón chân phải, đau nhiều khi đi lại vận động. Gần đây, tình trạng đau nhức tê bì ngày càng nặng nề, ngón chân phải tím đen nên được gia đình đưa đến viện thăm khám.
Các bác sĩ kiểm tra thấy mạch đùi hai bên yếu, chân lạnh, siêu âm kết hợp chụp cắt lớp dựng hình mạch phát hiện hình ảnh tắc cả hai động mạch chậu ngoài và động mạch đùi nông hai bên, các động mạch kheo, chầy trước, chầy sau… bị vôi hóa xơ vữa rải rác.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị bệnh động mạch chi dưới mạn tính do tắc động mạch chi.
Đánh giá tình trạng tắc động mạch chi mạn tính hai bên nặng nề, nếu không xử trí kịp thời bệnh nhân sẽ không thể đi lại, gây viêm loét hoặc hoại tử hai chân do thiếu máu, ảnh hưởng tới cuộc sống sau này/
Các bác sĩ thống nhất phương án phẫu thuật bắc cầu động mạch chủ đùi hai bên để thay thế đoạn mạch bị tắc nghẽn, khơi thông máu xuống nuôi chi cho người bệnh, sau đó sẽ tiến hành can thiệp nội mạch nong và đặt stent các mạch dưới hai chân.
Bác sĩ Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa Ngoại, bác sĩ Phạm Trung Đức, Phó khoa Gây Mê hồi sức cùng các cộng sự thực hiện phẫu thuật.
Phẫu thuật viên tiến hành mở bụng nhỏ, bộc lộ đoạn động mạch chủ bụng và mở ở hai bên đùi bộc lộ động mạch đùi chung 2 bên. Sau đó tiến hành tạo đường hầm luồn đoạn mạch nhân tạo hình chữ Y, mở mạch lấy mảng xơ vữa gây hẹp, thực hiện nối bắc cầu động mạch chủ và động mạch đùi hai bên bằng đoạn mạch nhân tạo. Kiểm tra thấy mạch mới thông tốt, không rò, hai chân hồng ấm và bắt được mạch rõ.
Sau hơn 2 giờ nỗ lực của ê-kíp, ca mổ diễn ra thành công. Sau mổ, sức khỏe bệnh nhân cải thiện, hai chân hết đau tê, đi lại được.
Bệnh nhân hiện đang tiếp tục theo dõi điều trị tại khoa Tim mạch, các bác sĩ sẽ đánh giá mức độ lưu thông máu hai bên chân sau mổ để xét can thiệp các đoạn hẹp tắc còn lại dưới cẳng chân.
Theo bác sĩ Hùng, các bệnh lý mạch máu hiện ngày càng trở nên phổ biến, đơn cử như bệnh động mạch chi dưới mạn tính.
Theo thống kê, có đến 20% người trên 70 tuổi sẽ bị bệnh này. Trong đó, không ít trường hợp thiếu máu chi trầm trọng, nhập viện chi đã tím đen do phát hiện, điều trị muộn.
"Hiện tại có nhiều phương pháp điều trị bệnh lý này như dùng thuốc, can thiệp hay phẫu thuật mạch. Trong đó, phẫu thuật bắc cầu nối bằng đoạn mạch nhân tạo theo giải phẫu là phương pháp phức tạp, nặng nề, song kết quả điều trị tối ưu, lâu dài, nhất là đối với trường hợp xơ vữa, hẹp tắc động mạch chi rất nặng nề như trường hợp của bệnh nhân L.
Phẫu thuật bắc cầu ngoài giải phẫu nách – đùi hay đùi – đùi hoặc can thiệp đặt stent động mạch chậu, dù nhẹ nhàng hơn nhưng nguy cơ tái phát cao, nhất là đối với người có tiền sử nhồi máu não, tăng huyết áp, thành mạch xơ vữa nhiều năm.
Riêng với trường hợp tắc mạch nặng nề của bệnh nhân L, sau khi phẫu thuật, chúng tôi sẽ kết hợp thêm kỹ thuật can thiệp mạch ngoại vi để nong mạch chi dưới, xử trí nốt các tắc mạch nhỏ dưới cẳng chân và kết hợp điều trị nội khoa, giúp kết quả tốt, lâu dài nhất cho người bệnh”, bác sĩ Hùng chia sẻ.
Nguyên nhân gây tắc động mạch chi dưới
Bác sĩ Hùng cho biết, bệnh động mạch chi dưới mạn tính là tình trạng động mạch chủ và các động mạch ở chi dưới bị hẹp hoặc tắc, gây cản trở lưu thông máu từ tim đến các chi. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là xơ vữa động mạch.
Tuổi bệnh nhân càng cao thì nguy cơ mắc bệnh động mạch chi dưới càng cao. Mặc dù bệnh ít gây tử vong, nhưng nó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày, sinh hoạt và khả năng lao động của người bệnh.
Khi tình trạng thiếu máu chi không được giải quyết sẽ dẫn đến teo cơ, loét và hoại tử chi, hậu quả buộc phải cắt cụt, gây tàn phế và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
"Để phòng tránh, người dân cần có lối sống lành mạnh, tăng cường hoạt động thể chất, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia; đồng thời kiểm soát tốt các bệnh lý tim mạch.
Khi thấy chân có dấu hiệu đau, tê, đau nhiều khi đi lại, bầm tím đầu ngón chân và bàn chân, vận động khó khăn, đặc biệt là ở người có bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu… nên nghĩ đến bệnh lý hẹp tắc động mạch chi dưới và cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để thăm khám, điều trị kịp thời", bác sĩ Hùng khuyến cáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.