Techfest 2022: Đặt hàng các startup giải quyết vấn đề phát triển KT-XH khi sống chung với Covid-19

An Vũ Thứ bảy, ngày 17/07/2021 18:23 PM (GMT+7)
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo quốc gia – Techfest 2022, dự kiến tổ chức vào tháng 12/2022. "Chúng tôi sẽ đặt hàng tất cả ý tưởng phải giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế xã hội trong thời đại chúng ta phải chống trả với dịch Covid-19", ông Tùng nói.
Bình luận 0

Kết nối mạng lưới chuyên gia hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam

Chiều 16/7, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) và Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo trực tuyến kết hợp trực tiếp "Kết nối và phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo".

Đây là sự kiện nhằm thu hút các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, doanh nhân kiều bào chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tế cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam; đồng thời tạo không gian để kiều bào trao đổi, đề xuất những kiến giải nhằm xây dựng Mạng lưới kết nối khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.

Hội thảo có sự góp mặt của các diễn giả là đại diện startup người Việt thành công quốc tế như: Bà Lê Diệp Kiều Trang (Giám đốc tài chính Arevo/ Đồng sáng lập Quỹ Alabaster), Ông Cao Anh Tuấn (Giám đốc Công nghệ Genetica), Ông Trần Bảo Khánh (Tổng Giám đốc và Đồng sáng lập Rens Original), Ông Phạm Kim Cương (Nhà sáng lập Cohost AI).

Techfest 2022: Đặt hàng các startup giải quyết vấn đề phát triển KT-XH khi sống chung với Covid-19 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu và Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng ký Thỏa thuận hợp tác giữa hai bên. Ảnh: Tạp chí Quê hương

Tại đây, các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) sẽ có cơ hội lắng nghe các diễn giả bàn luận và chia sẻ bài học của mình trong hành trình thương mại hóa sản phẩm công nghệ, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, tạo ra lợi thế cạnh tranh riêng cho sản phẩm Việt trên thị trường quốc tế, để từ đó phát huy tối đa tiềm năng tại thị trường nội địa và phát triển, mở rộng kinh doanh sang nước ngoài. Những chia sẻ đó thể hiện vai trò và sức mạnh của người Việt Nam ở nước ngoài cũng như sự cần thiết của việc thúc đẩy mạng lưới kết nối những người Việt, startup Việt ở nước ngoài hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước.

Thứ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Phạm Quang Hiệu phát biểu khẳng định: Trong nhiều năm qua, với vai trò “đột phá, mở đường, song hành, hỗ trợ”, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp cùng nhiều bộ, ngành và các cơ quan, đặc biệt là Bộ KH&CN mở đường cho việc kết nối mạng lưới chuyên gia trong và ngoài nước hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Thứ trưởng cho biết, theo thống kê sơ bộ của Ủy ban, hiện có khoảng 50 Hội trí thức và mạng lưới trí thức người Việt đã thành lập tại các nước, có hơn 500.000 chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài làm việc ở các viện nghiên cứu, trường đại học, công ty kỹ thuật và công nghệ cao tại các nước và nhiều tổ chức quốc tế trong hầu hết các ngành và lĩnh vực mũi nhọn.

Nhiều bạn trẻ trong cộng đồng, là thế hệ người Việt thứ 2, thứ 3, các du học sinh Việt Nam, đã bước đầu thành đạt trong kinh doanh, thành công tại các trung tâm khởi nghiệp lớn của thế giới mà một số gương mặt điển hình chính là các diễn giả tham gia Hội thảo hôm nay.

Tại Việt Nam, năm 2016 được lựa chọn là năm “Quốc gia khởi nghiệp” cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ cho vấn đề khởi nghiệp. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã ban hành cơ chế pháp lý, chính sách, những đề án cụ thể hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Từ đó đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đã từng bước được hình thành, củng cố và đang phát triển mạnh mẽ.

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cũng chỉ ra rằng: Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng đáng ghi nhận, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu vốn, nhân sự, kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp..., cần nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ, đặc biệt từ những doanh nghiệp, nhà khởi nghiệp thành công đi trước để tiếp tục tăng tốc, bứt phá hơn nữa.

Techfest 2022: Đặt hàng các startup giải quyết vấn đề phát triển KT-XH khi sống chung với Covid-19

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Trần Văn Tùng đã nhắn nhủ các startup giai đoạn hiện nay hãy tập trung giải quyết bài toán cuộc sống hiện tại.

Trong khuôn khổ Đề án 844, Bộ KH&CN đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị xã hội triển khai nhiều chương trình, hoạt động để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Đã có nhiều doanh nghiệp khởi  nghiệp sáng tạo Việt Nam với sản phẩm, giải pháp đổi mới sáng tạo đã bước ra sân chơi quốc tế, chứng minh được năng lực, được cộng đồng quốc tế công nhận. Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia với thời gian làm việc ở nước ngoài cũng đã quay về Việt Nam hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam và tạo được những kết quả đáng ghi nhận.

Techfest 2022: Đặt hàng các startup giải quyết vấn đề phát triển KT-XH khi sống chung với Covid-19 - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh Thế giới và Việt Nam.

Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang tác động tiêu cực lên toàn thế giới và Việt Nam cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, nhưng trong giai đoạn này, chúng ta được chứng kiến rất nhiều ý tưởng mới được ra đời. Hiện nay, có một đề bài đặt với cộng đồng khởi nghiệp là hãy chung sống, thích nghi và giải quyết vấn đề kinh tế xã hội trong thời đại mà chúng ta phải chống trả với dịch Covid-19.

"Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo quốc gia – Techfest năm 2022, dự kiến tổ chức vào tháng 12/2022, chúng tôi đã nói với các đơn vị như Cục thị trường, Văn phòng Đề án 844 là hãy tổ chức các hoạt động liên quan đến các làng công nghệ từ đầu năm. Chúng tôi đặt hàng tất cả ý tưởng phải giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế xã hội trong thời đại chúng ta phải chống trả với dịch Covid-19", Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói.

Thứ trưởng nhắc đến một mô hình sáng tạo của bà Lê Diệp Kiều Trang về việc làm xe đạp siêu nhẹ bằng sợi cacbon, nặng khoảng 2,5kg. Và dù trong thời điểm khó khăn, doanh nghiệp của bà Kiều Trang vẫn thu hút đầu tư được hàng chục triệu đô la. "Như vậy chúng ta giải quyết bài toán không chỉ ở Việt Nam mà còn ở cả trên thế giới", Thứ trưởng Tùng nói.

Chính phủ đang đặt hàng cho các nhà khoa học phải làm chủ, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước. Sắp tới đây chúng ta thấy có nhu cầu nữa là phải sản xuất thuốc điều trị Covid -19, để cho sinh hoạt cuộc sống trở lại bình thường. Dịch Covid còn kéo dài, chúng ta phải thích nghi, phải làm sao vừa tồn tại vừa phát triển kinh tế xã hội đây là đề bài cho những người khởi nghiệp. Tôi hi vọng có thêm nhiều ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo nhưng hãy giải quyết vấn đề cuộc sống đang đòi hỏi", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Trong phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST Quốc Gia – TECHFEST 2018 tại Đà Nẵng: "Đã đến lúc phải đi ra thế giới, chinh phục thế giới, mang thế giới về Việt Nam". Việc đưa startup Việt ra thế giới tiếp cận với các hệ sinh thái phát triển trên thế giới cũng như việc thu hút các chuyên gia, trí thức, kiều bào người Việt Nam ở nước ngoài chung tay xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, đặc biệt quan trọng trong thời gian này.

Thứ trưởng cho biết thêm, trong năm 2020 ngoài tổ chức hệ sinh thái trong nước, Bộ KH&CN cũng đã lựa chọn đưa một số nhóm, các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tốt của Việt Nam tham gia và giới thiệu ở các thị trường thế giới như Mỹ, Singapore, Hàn Quốc. 

"Rất nhiều ý tưởng sáng tạo của Việt Nam được đánh giá cao, được các nhà đầu tư ngoài nước đầu tư và hỗ trợ phát triển. Tôi lấy ví dụ là startup Abivin được quỹ khởi nghiệp toàn cầu đầu tư 1 triệu USD cho giải nhất cuộc thi Startup World Cup. Như vậy, ý tưởng của người Việt Nam, sáng tạo của chúng ta hoàn toàn sánh ngang với ý tưởng, sáng tạo ở thế giới", Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.

Trong thời gian qua, Bộ KH&CN thông qua Đề án 844 đã có nhiều hoạt động phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nhằm gắn kết trí thức, kiều bào Việt hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trong đó phải kể đến: Diễn đàn Kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Hoa Kỳ và Việt Nam" (San Francisco, Hoa Kỳ, tháng 12/2017) và "Diễn đàn kết nối Startup Việt trong và ngoài nước" (Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 6/2018). Năm 2019, TECHFEST Quốc tế tại Hoa Kỳ, Singapore, Hàn Quốc do Bộ KH&CN lần đầu tiên tổ chức cũng đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của chuyên gia, doanh nhân, nhà đầu tư ở tại các quốc gia này.

Những hoạt động trên là cơ sở tiền đề để Bộ KH&CN nắm bắt được thực trạng, các vấn đề khó khăn, vướng mắc của cộng đồng người Việt ở nước ngoài trong việc triển khai các dự án, doanh nghiệp ĐMST, đưa các giải pháp này về Việt Nam và hỗ trợ cho Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Tuy nhiên, từ góc độ hoạch định chính sách để phát huy hơn nữa sự tham gia của trí thức, chuyên gia, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài với khởi nghiệp sáng tạo trong nước thì cần phải tìm hiểu sâu hơn những nhu cầu thực chất của kiều bào, trí thức Việt khi tham gia vào hoạt động trong nước, từ đó xây dựng và triển khai các chính sách thu hút một cách toàn diện và có hệ thống.

Xuất phát từ thực tiễn đó, Bộ KH&CN đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh, bổ sung 1 số trọng tâm hoạt động trong việc triển khai Đề án 844 tại quyết định số 188 của Thủ tướng Chính phủ ngày 9/2/2021 về việc Sửa đổi quyết định số 844, cụ thể là cần hình thành một Mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia với chức năng cầu nối thu hút sự tham gia của các chuyên gia, trí thức, doanh nhân người Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo trong nước nói riêng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung. 

Mạng lưới này sẽ góp phần thúc đẩy liên kết giữa cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST trong nước mở rộng thị trường kinh doanh, thị trường vốn, tiếp cận vốn nguồn lực, nguồn trí tuệ của toàn cầu.

Đồng thời, Mạng lưới cũng sẽ lắng nghe phản hồi từ Kiều bào để kiến nghị các giải pháp góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc của cộng đồng người Việt ở nước ngoài khi phát triển doanh nghiệp, tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Với mục tiêu trên, Bộ KH&CN thông qua Đề án 844 chính thức đặt quan hệ hợp tác với Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam tại nước ngoài ngày hôm nay.

Ông Trần Văn Tùng cho rằng, cần phải tìm hiểu sâu hơn những nhu cầu thực chất của kiều bào, trí thức Việt "để xây dựng và triển khai các chính sách thu hút một cách toàn diện và có hệ thống". Sự hợp tác giữa hai phía giúp thông tin được truyền tải đầy đủ và cập nhật đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài, là đòn bẩy thu hút chuyên gia người Việt ở nước ngoài đóng góp cho quê hương.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem