Sau nhiều lần dời thời hạn dừng lưu thông đồ chơi trẻ em không có tem CR (tem hợp chuẩn), ngày 15-9 được coi là hạn chót để thực hiện quy định trên. Thế nhưng, chính cơ quan quản lý thị trường lại lúng túng khi xử lý.
|
Đồ chơi trẻ em dán tem CR photo trên đường Hùng Vương (Đà Nẵng). |
Coi trọng giá, không coi trọng tem
Tại Đà Nẵng, hầu hết các loại đồ chơi trẻ em bày bán đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Chúng rất đa dạng, từ bộ ghép hình, robot, xe điều khiển, máy bay, gậy laser, thú nhựa, búp bê đến đồ chơi Trung thu. Tất cả đều không hợp chuẩn. Thậm chí, nhiều đồ chơi đắt tiền, như xe trẻ em cũng không thấy có niêm yết những thông số về thành phần cấu tạo, nguồn gốc, chất lượng... như quy định. Dù vậy, phụ huynh vẫn mua rất đông.
Chị Hồ Thị Bích Nga mua đồ chơi cho con trên đường Phan Chu Trinh, cho biết: "Những đồ chơi này (hàng Trung Quốc) tuy không đáp ứng quy định nhà nước nhưng con nít rất thích, và đặc biệt là rẻ. Chúng tôi là dân lao động, quan tâm giá cả chứ không quan tâm đến tem. Chúng chẳng phải đồ ăn thức uống chi mà sợ nguy hiểm cho trẻ".
Khi thấy khách hàng hỏi về tem CR, các chủ cửa hàng bán đồ chơi trẻ em đều trả lời chắc nịch: "Chưa đến ngày nên chưa dán. Với lại, dán thì có khó gì, chỉ một lúc là xong hết. Ai yêu cầu là dán ngay".
Trong vai người đi mua hàng, chúng tôi chọn mua một con búp bê nhựa với giá 30 nghìn đồng của cửa hàng Hạnh Tuyết (chợ Hàn, Đà Nẵng). Chưa kịp quan sát tem "chuẩn" thì nó đã rơi xuống đất vì chỉ dán ngoài bao nilon. Chị Tuyết - chủ quầy hàng - nhanh nhẹn móc con tem khác dán ngay vào chỗ vừa rớt, giải thích: "Tem thì chị có... cả đống, cửa hàng nào cũng photo để sẵn đó nhưng bận quá, không dán kịp (!)". Cũng theo chị Tuyết, rất ít khách hàng quan tâm tới tem CR. "Khách chuộng thì mình nhập về bán chứ tìm hiểu lợi hại làm chi. Hơn nữa, hàng còn tồn kho đấy, lấy đâu ra tem CR mà dán, chỉ photo để lỡ cơ quan chức năng hỏi đến thì trình ra thôi"- chị nói thẳng.
Cơ quan quản lý thị trường lúng túng
Theo Thông tư số 21/2009/TT-BKHCN về việc ban hành và thực hiện quy chuẩn kĩ thuật quốc gia đối với mặt hàng thiết bị điện, điện tử theo QCVN 4: 2009, sau ngày 15-9-2010 các mặt hàng đồ chơi trẻ em, sản xuất, nhập khẩu phải có tem CR mới được lưu thông.
Ông Trần Văn Vinh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết, sau ngày 15-9, những sản phẩm không tem CR sẽ bị thu hồi, tiêu hủy. Cũng theo cơ quan này, tính đến hết ngày 30-8, đối với mặt hàng đồ chơi trẻ em, mới chỉ có 111 doanh nghiệp nhập khẩu, 18 doanh nghiệp sản xuất trong nước, 311 cơ sở kinh doanh làm thủ tục đăng kí, chứng nhận cho sản phẩm.
Cũng có nhiều hộ kinh doanh khi biết thông tin về quy định cấm bán hàng không hợp chuẩn đã rất lúng túng không biết xử lý đống đồ chơi cũ như thế nào.
Ông Nguyễn Viết Nguyên - Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Đà Nẵng, cho biết: Từ cuối tháng 8, cơ quan ông và Chi cục Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra, ra thông báo, hướng dẫn các cơ sở, cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em đăng ký theo quy định của nhà nước về điều kiện bắt buộc này.
Tuy nhiên, ông Nguyên cũng thừa nhận, cái khó hiện nay là việc xác định quy chuẩn của sản phẩm. Đa phần các chủ cửa hàng bán các loại đồ chơi trẻ em đều không biết sản phẩm nào được chứng nhận hợp quy và có tem. Đó là chưa kể hàng đồ chơi nhập về từ trước khi có quy định thì đến nay, vẫn chưa thể xử lý được. Trong khi gần đây, lô hàng nào về cũng kèm theo cả lốc tem CR và được tính thêm tiền vào giá hàng, muốn lấy thêm bao nhiêu cũng có. Vì vậy, những món đồ chơi từ cũ đến mới đều được các chủ cửa hàng dán tem CR.
Tại Thừa Thiên - Huế, bà Nguyễn Minh Huyền - Chi cục phó Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, cho biết, đơn vị đang thống kê đồ chơi trẻ em tồn đọng trước ngày 15-4 để gửi ra Tổng cục Đo lường chất lượng xem xét. Với đồ chơi nhập khẩu và sản xuất sau ngày 15-4 Chi cục sẽ tiền hành kiểm tra từ ngày 14-9 và kéo dài đến 24-9.
Theo bà Huyền, việc dán tem hợp chuẩn cho đồ chơi trẻ em, Chi cục chỉ phụ trách khâu quản lý chất lượng hàng hóa và hướng dẫn dán tem chứ chi cục không có tem để dán. “Việc dán tem nhiều khả năng sẽ do các trung tâm kỹ thuật được công nhận phụ trách, như Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng 2 của khu vực miền Trung chẳng hạn. Nói chung, Chi cục chưa rõ đơn vị nào sẽ phụ trách dán tem và việc dán tem được làm như thế nào, nói gì tới việc tiêu huỷ vì "tiêu huỷ cũng tốn một khoản kinh phí nhất định và khó thực hiện ở nông thôn" - bà Huyền nói.
Ông Trần Văn Minh - Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh: Sẽ rất khó xử lý
Hiện các mặt hàng có tem CR rất hiếm, lác đác xuất hiện trên một số đồ chơi do các cơ sở sản xuất. Để tăng cường quản lý trong đợt cao điểm tết Trung thu và xử phạt nếu không có tem chứng nhận sản phẩm theo chuẩn CR, chúng tôi đã mời các chủ hàng đồ chơi ký cam kết: Bán hàng có nguồn gốc xuất xứ, hợp chuẩn CR và không kinh doanh các mặt hàng độc hại… Chi cục cũng đã lên kế hoạch để đúng ngày 15-9 tới sẽ ra quân kiểm soát xử lý. Tuy nhiên, việc xử lý sẽ rất khó khăn vì kinh doanh đồ chơi trên địa bàn chủ yếu nhỏ lẻ, giá trị lô hàng thấp.
Ông Hoàng Đình Danh - Đội trưởng đội Quản lý thị trường huyện Lục Yên, Yên Bái: Chúng tôi rất băn khoăn
Đồ chơi trẻ em bán trên địa bàn huyện Lục Yên chủ yếu là đồ chơi rẻ tiền. Thông thường, nếu đồ chơi trên 100 nghìn đồng là không có người mua nên chúng tôi cũng băn khoăn: Đồ chơi hợp chuẩn thực sự thì không vừa túi tiền người dân, còn không hợp chuẩn, dán tem để đối phó thì không đạt mục tiêu kiểm soát chất lượng mặt hàng này. Vừa qua UBND tỉnh cũng đã có một đoàn liên ngành kiểm tra chuyên đề về mặt hàng này. Tuy nhiên, việc kiểm tra thời gian qua chủ yếu là nhắc nhở chứ chưa xử lý. Đến 15-9, lực lượng của đội sẽ ra quân để xử lý.
An Sơn- Vân Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.