Tên cướp một mắt 10 lần thoát vòng vây khiến cảnh sát “điên đầu”

Thứ sáu, ngày 18/05/2018 21:05 PM (GMT+7)
Xê che mặt phải bằng mảnh vải màu đen, luôn mang 3 khẩu súng, bắn giỏi, luôn dẫn theo đàn chó săn nên nhiều lần thoát khỏi vòng vây hoặc lẩn mất sau những cuộc đấu súng với cảnh sát.
Bình luận 0

Hồ Văn Xê, sinh năm 1962 là con thứ 2 trong một gia đình 5 anh em trai người dân tộc Ca Dong ở vùng rừng núi hẻo lánh thuộc xã Phước Trà (huyện Hiệp Đức, Quảng Nam). Giống như những người anh em trong nhà, từ nhỏ Xê nổi tiếng ngỗ ngược, thường xuyên gây gổ với láng giềng.

Khi lập gia đình, Xê vẫn không chịu thay đổi bản tính ngang ngược. Hắn lười lao động, lại nghiện rượu nặng. Những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, để có tiền tiêu xài, Xê vào rừng đi cướp. Hắn trang bị đồ nghề gồm một khẩu súng AK, hai khẩu AR15, lựu đạn, dao… đồng thời huấn luyện đàn chó săn 5 con để hành nghề. Sáng sớm, Xê lại xách súng, dẫn đàn chó vào rừng vờ đi săn tìm cơ hội trấn lột. Nạn nhân là những người phu trầm, người đào đãi vàng, những lúc túng thiếu Xê còn cướp của cả những người đi đốn củi, hái mây.

Khuôn mặt dữ tợn chỉ còn một mắt trái sau một vụ tai nạn, mắt phải đeo một mảnh vải màu đen để che và 3 khẩu súng luôn kè kè bên hông, Xê có biệt danh tên cướp “độc nhãn” khiến phần lớn nạn nhân khiếp sợ tự nguyện giao hết tài sản. Nếu ai không làm theo yêu cầu, Xê huýt sáo ra hiệu cho chó săn xông vào tấn công.

Thấy dễ kiếm tiền, Xê gọi thêm em trai Hồ Văn Dũng làm trợ thủ, dựng lán trong rừng sâu. Nhiều thứ cướp được không dùng hết như gạo, củi... Xê mang về chia cho hàng xóm.

Trung tuần tháng 8.1991, ông Nguyễn Đức Sơn (46 tuổi) và người cháu Nguyễn Đức Danh (23 tuổi, cùng trú huyện Tiên Phước) đến khu vực rừng thuộc xã Phước Gia thu mua trầm. Biết ông Sơn mang theo nhiều tiền và sẽ đi qua lãnh địa của mình, Xê dẫn đàn chó săn mai phục. Khi thấy “con mồi”, Xê xông ra chĩa súng hét: “Bỏ hết tiền, hành lý, vàng bạc xuống đất và cút thẳng. Đứa nào chống cự tao bắn vỡ sọ”.

Ông Sơn xin tha nhưng bị Xê bắn một phát vào đùi. Không chấp nhận bị cướp, người đàn ông từng là bộ đội đặc công này chống cự nhưng bị hắn nã nhiều phát đạn khiến gục tại chỗ. Thấy chú bị bắn, Danh bỏ chạy nhưng bị đàn chó của Xê lao tới cắn xé. Nạn nhân này sau đó cũng bị Xê bắn gục rồi gọi em trai đến mang tiền bạc, tài sản cướp được về. Xê vứt thi thể chú cháu ông Sơn bên suối.

Sau những vụ cướp do hai anh em Xê gây ra, nhiều người sợ hãi không dám bén mảng qua khu rừng này. Một số cán bộ huyện thậm chí không dám đi công tác ở các xã Phước Gia, Phước Trà vì sợ gặp tên cướp một mắt... Công an huyện Hiệp Đức lập chuyên án, quyết tâm bắt bằng được anh em Xê.

img

Do được Xê chia cho nhiều tài sản cướp được, nhiều người trong bản bảo vệ cho anh ta. Các trinh sát nhiều lần tổ chức họp dân để vận động hợp tác nhưng bất thành. Ảnh: Tư liệu công an.

“Hắn chỉ còn một mắt nên bắn súng rất giỏi, là thợ săn giỏi nhất của vùng này, lại luôn có súng, lựu đạn bên người", đại tá Huỳnh Trung Nguyên, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam nói. Ông Nguyên lúc đó đang là Phó trưởng Công an huyện Hiệp Đức, Phó ban chuyên án.

Theo ông Nguyên, Xê sống trong rừng cách khu dân cư đến 4 tiếng đi bộ, địa hình hiểm trở nên lúc đầu các trinh sát xác định việc điều tra, truy bắt sẽ rất gian  nan, khó khăn. Từ tháng 8.1991 đến tháng 9.1992, tổ chuyên án với gần 20 trinh sát tổ chức 10 lần vây bắt Xê nhưng bất thành.

“Hắn ta đi đâu cũng dẫn theo đàn chó săn tinh ranh. Trinh sát mai phục rất kỹ nhưng đều bị đàn chó phát giác. Tên cướp này cũng rất khôn, không tiếp xúc với người lạ, lại được dân làng bao che nên chúng tôi ‘nằm gai nếm mật’ nhiều tháng trời đụng độ, thậm chí đấu súng trong rừng nhưng vẫn không chịu ra hàng”, đại tá Nguyên kể lại với VnExpress.

Một trong 10 vụ vây bắt thất bại diễn ra vào đầu tháng 1.1992. Lúc này, một tổ gồm 5 trinh sát giỏi võ cải trang làm người đi làm trầm nhằm bẫy tên cướp. Khi vừa vào đến lãnh địa của Xê thì từ trong bụi rậm, tướng cướp "độc nhãn" tay lăm lăm khẩu súng lao ra chặn đường quát lớn, yêu cầu bỏ hết tài sản, tiền bạc ở lại. Sau khi đe dọa, Xê huýt sáo rồi ra hiệu cho em trai cùng bầy chó săn lao ra.

“Lúc đó tôi liền vờ sợ hãi xin tha đồng thời bắn tín hiệu cho nhau chuẩn bị hành động. Tuy nhiên, khi tên Dũng đang chuẩn bị bước đến để kiểm tra tài sản thì Xê đứng từ xa chĩa súng bắn vào chúng tôi rồi hô lớn: công an đó, rút nhanh lên’”, trinh sát Lê Trung Hoàng kể. Ông Hoàng nay là đại tá, Trưởng Công an huyện Hiệp Đức. Sau khi được Xê cảnh báo, Dũng quay đầu chạy vào rừng còn Xê hai tay cầm hai khẩu súng vừa chạy vừa nã đạn đồng thời chỉ đạo đàn chó săn tấn công tổ trinh sát.

Sau cuộc đấu súng, nhận thấy tên cướp quá hung hăng, trời đã tối, địa hình hiểm trở, tổ trinh sát phải rút lui bảo toàn lực lượng. Không những không bị bắt sau 10 lần đụng độ với công an, trong hơn một năm này, Xê còn kịp gây ra 40 vụ cướp. “Không bắt được Xê, có lúc chúng tôi phải nhờ công an tỉnh hỗ trợ lực lượng chốt chặn ở một số đường rừng để người dân đi lại an toàn”, đại tá Nguyên kể. Qua nhiều phương án nhưng vẫn để sổng mất tên cướp khét tiếng, ban chuyên án quyết định thống nhất kế hoạch “xây dựng cơ sở”.

Lúc này, trinh sát Nguyễn Văn Mừng được cho thôi việc, hóa trang làm phu trầm nhằm tiếp cận, nắm quy luật sinh hoạt và hoạt động của Xê. Sau nhiều tháng làm quen với nghề tìm trầm, trinh sát Mừng liên hệ được với Nguyễn Văn Hùng, người giỏi võ ở xã Quế Bình (huyện Hiệp Đức) lại có quen Xê. Được công an vận động, ông Hùng nhận lời giúp phá án. Anh Mừng sau đó vào vai em họ của ông Hùng, cả hai tìm lên “lãnh địa” của Xê vờ mua trầm để tiếp cận.

“Xê rất cảnh giác, không tiếp xúc với người lạ nên phải mất rất lâu giao lưu qua lại với gia đình tên cướp thì Mừng và Hùng mới gặp được hắn ta. Dự định sau khi gặp sẽ tìm cơ hội khi hắn không đề phòng cả hai người sẽ lao vào khống chế ngay trong hang ổ rồi tổ trinh sát ở vòng ngoài cũng sẽ xông tới hỗ trợ nhưng suốt buổi gặp Xê luôn lăm lăm khẩu súng trên tay nên không dám hành động”, đại tá Nguyên kể.

img

Tướng cướp một mắt Hồ Văn Xê tại trại giam Công an Hiệp Đức. Ảnh. Tư liệu công an.

Sau lần đầu thất bại, ban chuyên án lập kế hoạch sẽ bắt tên cướp sau khi chuốc cho hắn say. Để chắc chắn, trinh sát Mừng và ông Hùng còn mang theo thuốc ngủ. Chiều 12.8.1992, hai người mang theo 5 lít rượu lên nhà Xê vờ xin nước uống rồi tiện thể mời nhậu. Theo kế hoạch, khi thấy Xê có biểu hiện say rượu, trinh sát Mừng sẽ lao vào khống chế. Tuy nhiên dù uống nhiều nhưng Xê vẫn rất tỉnh táo, một tay uống rượu, một tay cầm súng. Tranh thủ lúc Xê vào lán lấy nước lọc, ông Hùng vội mở gói thuốc ngủ bỏ vào ly rượu.

Xê uống cạn ly nhưng cả đêm vẫn không ngủ, vẫn kè kè súng. Sau này khi bị bắt, Xê khai trước đó biết sẽ nhậu với người lạ nên anh ta đã nhai hết một cây giải, một loại cây có tác dụng chống say và giải độc nhằm đề phòng.

Xác định Xê lúc hết lửa để nấu nướng và sưởi ấm, nhất định sẽ mò từ rừng về nhà nên các trinh sát kiên trì mật phục xung quanh ngôi làng của anh ta. Hơn một tháng sau, Xê về nhà. Cho rằng việc bắt sẽ rất khó khăn do hắn ta được dân làng bảo vệ, ban chuyên án chỉ đạo trinh sát Mừng và ông Hùng tiếp cận nhưng chưa được ra tay.

Ngày 18.9.1992, ông Hùng và trinh sát Mừng vẫn lấy lý do là người quen đi làm gỗ, ghé xin nước uống rồi tiện thể có can rượu trắng với ít cá khô mời Xê nhậu. “Trong lúc chén chú chén anh, ông Hùng nói: ‘Ê Xê, ở góc rừng phía tây của xã Phước Trà, tao thấy một gốc gỗ dổi chừng hai người ôm có đánh tên mi lên thân cây. Đó là cây mi đã giành rồi à?”, đại tá Huỳnh Trung Nguyên kể lại thời điểm đó. Ở khu vực này, người dân có lệ vào rừng nếu phát hiện cây gỗ nào chỉ cần đánh dấu thì cây đó thuộc về mình, không ai dám trộm.

Sau khi Xê xác nhận đồng thời hăm dọa “bắn vỡ sọ nếu ai dám đụng vào cây của anh ta”, ông Hùng vội gạ mua. Xê nhận lời bán nếu mang cho anh ta 30 viên đạn và gạo. Biết tên cướp dính bẫy, để đến được cây dổi, nhất thiết Xê phải dẫn ông Hùng đi qua một con suối nên gần 20 trinh sát được bố trí mật phục. Lúc này Xê mất cảnh giác nên cũng không dẫn theo bầy chó săn.

Khi được Xê dẫn đến con suối, ông Hùng vờ kêu mệt rồi bảo tên cướp ngồi nghỉ. Biết Xê rất thích ngọt, ông Hùng rút trong túi một thanh đường đã được ban chuyên án chuẩn bị sẵn đưa ra mời anh ta. Trong khoảng thời gian hiếm hoi, Xê không đề phòng buông cây súng để ăn, ông Hùng dùng hết sức đấm thẳng vào mặt khiến tên cướp choáng váng.

Chưa kịp phản xạ, lập tức tổ trinh sát mai phục gần đó xông ra khống chế, kết thúc hành trình hơn một năm băng rừng truy bắt tên cướp một mắt khét tiếng lúc bấy giờ.

“Bắt được rồi nhưng không thể dẫn hắn ta đi đường băng qua làng được vì sợ dân phản đối. Tổ trinh sát lại phải đi xuyên rừng mất hơn 6 tiếng mới đưa tên cướp này về trụ sở công an an toàn”, đại tá Nguyên kể.

Hai tháng sau, Xê bị tòa án hai cấp tuyên tử hình cho hai tội Giết người và Cướp tài sản. Em trai hắn nhận án 10 năm tù.

Tiến Hùng (Vnexpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem