Tên gọi mới CPTPP đã được sự đồng thuận rất cao

Huệ Minh Thứ hai, ngày 13/11/2017 06:18 AM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã trả lời xung quanh nội dung về sự đồng thuận của TPP 11 và đổi tên thành “Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương” (viết tắt CPTPP):
Bình luận 0

Vì sao phải đổi tên và sự khác nhau giữa CPTPP và TPP?

img

Tên gọi mới CPTPP đã được sự đồng thuận rất cao của các bộ trưởng. Ảnh: I.T

- Ở đây không chỉ đơn thuần là sự khác biệt của Hiệp định có 12 thành viên (TPP 12) với hiệp định có 11 thành viên (TPP 11), mà vấn đề chúng tôi đã thảo luận và thống nhất về việc duy trì TPP 11 với chất lượng rất cao, mang tính toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chứ không chỉ là về mở cửa thị trường, thương mại kinh tế.

Chính vì vậy tính chất và chất lượng của hiệp định thể hiện qua 2 từ bổ sung là Toàn diện và Tiến bộ. Vì vậy, tên gọi mới CPTPP đã được sự đồng thuận rất cao của các bộ trưởng.

Các nước TPP nói chung và Việt Nam nói riêng có gặp khó khăn gì khi Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP?

- Có thể nói Hiệp định TPP 12 đã được các quốc gia tham gia đàm phán và xây dựng với tiêu chuẩn rất cao trên các lĩnh vực. Vì vậy khi Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP cũng tạo ra những khó khăn nhất định cho các quốc gia trong quan điểm tiếp tục duy trì Hiệp định TPP với tiêu chuẩn chất lượng cao như vậy. Tuy nhiên với quan điểm xây dựng của các bộ trưởng TPP, Chính phủ của các nước đã giúp chúng tôi đi đến đạt được các thỏa thuận rất quan trọng cốt lõi của Hiệp định TPP 11 nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu của TPP 12 chất lượng cao. Đồng thời đáp ứng được yêu cầu của các quốc gia trong TPP 11 có những điểm cân bằng mới. Tôi cho rằng đoạn đường khó khăn nhất đã đi qua và đang đến rất gần với Hiệp định TPP 11 mà chúng ta có tên gọi là CPTPP. Tôi rất tin tưởng vào tương lai như vậy.

Đâu là vấn đề vấn đề ảnh hưởng nhất đến Việt Nam khi đàm phán TPP?

- Không chỉ là khó khăn riêng của Việt Nam, mà của cả các quốc gia khác là đều phải xem xét đánh giá lại về yêu cầu, lợi ích, điểm cân bằng để đảm bảo duy trì Hiệp định TPP này. Vì vậy, Việt Nam cũng giống như các quốc gia khác đều có nghiên cứu, đánh giá rất cụ thể trong việc cải cách mở cửa, thực hiện hội nhập… trong các khía cạnh kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội để đưa ra được quan điểm cân bằng về lợi ích của Việt Nam khi tham gia và đóng góp cho TPP 11 đạt được sự đồng thuận chung để đưa vào thực thi. Những phần việc còn lại cũng đã có hướng để triển khai trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem