Tết Độc lập 2/9 được bà con dân tộc mong chờ như Tết cổ truyền ở Lai Châu

Tuấn Hùng Thứ bảy, ngày 31/08/2024 10:15 AM (GMT+7)
Tết Độc lập, huyện Than Uyên (Lai Châu) ngợp sắc cờ hoa. Khắp các nẻo đường, tuyến phố thêm rực rỡ bởi sắc màu áo cóm của các cô gái Thái; trang phục, mũ thêu xúng xính hạt cườm của các cô gái Mông... Tiếng xà tích đinh đang vui tai, tiếng khèn Mông réo rắt gọi bạn, ngày này bà con mong chờ như Tết cổ truyền.
Bình luận 0

Tết Độc lập 2/9

Háo hức mong chờ là tâm trạng chung của bà con dân tộc Mông cũng như đồng bào các dân tộc Dao, Khơ Mú, Thái ở huyện Than Uyên, Lai Châu hướng về Tết Độc lập 2/9.

Những người cao tuổi có uy tín ở Than Uyên kể rằng, sau ngày 2/9/1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Từ đó đến nay, mốc thời gian này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đồng bào các dân tộc ở Than Uyên, được người dân hân hoan chào đón bằng nhiều hoạt động, thể hiện rõ sự vui tươi và trở thành ngày hội của toàn dân.

Tết độc lập này được bà con dân tộc Than Uyên của Lai Châu mong chờ như tết cổ truyền - Ảnh 1.

Đông đảo người dân và du khách tham gia trải nghiệm Tết Độc lập tại sân vận động trung tâm huyện Than Uyên, Lai Châu. Ảnh: Tuấn Hùng

Khắp các bản người Mông, Dao, Thái, Khơ Mú, bản nào cũng thế, rất háo hức chờ đón Tết Độc lập 2/9. Từ người già, trẻ nhỏ tới các nam nữ thanh niên, ai cũng chuẩn bị quần áo đẹp để diện xuống phố vui chơi.

Chia sẻ với Dân Việt, chị Kháng Thị Sâu, bản Tu San, xã Tà Mung, huyện Than Uyên cho biết: Cứ vào những ngày này, bà con chị em phụ nữ trong bản khẩn trương hoàn thiện nốt những công đoạn cuối cùng cho bộ trang phục của mình để kịp xuống phố huyện chơi. Những người đàn ông trong nhà thì dọn dẹp, trang trí lại nhà cửa; ôn lại những bài khèn, điệu múa đặc trưng để cùng giao lưu văn hóa, văn nghệ trong ngày Tết Độc lập.

Tôi rất vinh dự bởi năm nay Tết Độc lập quê mình đã được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, do tỉnh Lai Châu tổ chức. Tôi mong là năm nào chính quyền cũng tổ chức Tết Độc lập để chị em ở trên vùng cao như chúng tôi có thể được đi chơi, đi tham gia các hoạt động để hiểu biết hơn.

Tết độc lập này được bà con dân tộc Than Uyên của Lai Châu mong chờ như tết cổ truyền - Ảnh 2.

Người Dao, Thái, Khơ Mú, Mông đều chọn những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất để diện đi chơi dịp Tết Độc lập. Ảnh: ĐT

Cũng theo những người già có uy tín trong cộng đồng, Tết Độc lập 2/9 ở huyện Than Uyên ban đầu chủ yếu được bà con dân tộc Mông tổ chức. Những điệu múa, câu hát mang đậm nét văn hóa độc đáo do bà con thể hiện tại trung tâm huyện đã thu hút đông đảo người dân tới khám phá, trải nghiệm rồi tạo nên sức lan tỏa. Đến nay, cả 4 dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú và người Dao ở Than Uyên đều vui Tết Độc lập, bà con đều tổ chức không gian văn hóa riêng của dân tộc mình, thu hút rất nhiều du khách tới tham quan, trải nghiệm.

Văn hóa truyền thống độc đáo

Lâu nay, bà con ở Than Uyên vẫn coi ngày Tết Độc lập 2/9 sánh ngang với Tết cổ truyền dân tộc và cho rằng, Tết này được chờ mong và vui hơn cả Tết cổ truyền. Đến năm 2012, UBND huyện Than Uyên tổ chức điểm Ngày hội văn hóa, thể thao dân tộc Mông lần đầu tiên với chủ đề “Người Mông ơn Đảng” gồm nhiều hoạt động phong phú mang đậm bản sắc văn hóa vùng cao. Kể từ đó đến nay, huyện Than Uyên đã đẩy mạnh bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, gắn với phát triển du lịch.

Tết độc lập này được bà con dân tộc Than Uyên của Lai Châu mong chờ như tết cổ truyền - Ảnh 3.

Trẻ nhỏ, thanh niên, người già ở Than Uyên (Lai Châu) đều háo hức đón Tết Độc lập. Ảnh: CTV

Để nâng tầm quy mô của ngày Tết Độc lập tại huyện Than Uyên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu thống nhất chủ trương tổ chức Tết Độc lập với quy mô cấp tỉnh và duy trì thường niên vào dịp Quốc khánh 2/9 tại huyện Than Uyên.

Vào ngày Tết Độc lập, Than Uyên rực rỡ và thướt tha trong sắc màu thổ cẩm. Khắp các tuyến đường đổ về trung tâm huyện, những cô gái vùng cao xinh xắn, váy áo xập xòe, đủ màu sắc rực rỡ... Tiếng xà tích đinh đang vui tai; tiếng khèn lá, khèn Mông quấn quýt bên những gốc cây ven đường. Cả con đường dài chừng 2km đông nghịt người, có lẽ trong dịp Tết Độc lập, phố huyện mới đông người đến vậy. 

Những năm gần đây, huyện Than Uyên đã tổ chức thêm rất nhiều các hoạt động như hội thi ẩm thực, lễ buộc chỉ cổ tay, thi đấu các môn thể thao dân tộc, giải đua môtô địa hình; giải đua thuyền kayak; giải đua thuyền đuôi én; biểu diễn dù lượn có động cơ; đêm ngày 2/9 thường diễn ra vòng xòe đoàn kết thu hút hàng nghìn diễn viên và du khách.

Tết độc lập này được bà con dân tộc Than Uyên của Lai Châu mong chờ như tết cổ truyền - Ảnh 4.

Đua mô tô dịp Tết Độc lập tại huyện Than Uyên, Lai Châu thu hút đông đảo các tay đua trong nước tới tham gia. Ảnh: ĐT

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thăng, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên, Lai Châu cho biết: Tết Độc lập được tổ chức nhằm phát huy truyền thống đón Tết Độc lập hàng năm của người dân huyện Than Uyên nói riêng và tỉnh Lai Châu nói chung. Qua sự kiện nhằm nêu cao truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, giáo dục truyền thống yêu nước và tự hào dân tộc cho các thế hệ trẻ.

Sự kiện này nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp của Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025.

Tết độc lập này được bà con dân tộc Than Uyên của Lai Châu mong chờ như tết cổ truyền - Ảnh 5.

Thi đua thuyền tại ngày Tết Độc lập 2/9 tại huyện Than Uyên, Lai Châu. Ảnh: CTV

Qua sự kiện tiếp tục truyền thông, quảng bá tiềm năng thế mạnh, sản phẩm du lịch tiêu biểu của Lai Châu nói chung và Than Uyên nói riêng tới du khách trong nước và quốc tế; hướng tới xây dựng, phát triển Tết Độc lập thành sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, độc đáo riêng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem