5 – 10 giây phát hiện được ma menSau thời gian thí điểm sử dụng biện pháp kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế đem lại hiệu quả tại tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban ATGTQG cho biết sẽ áp dụng thêm ở nhiều địa phương khác. Theo phương pháp này, tài xế không cần xuống xe, chỉ cần ngồi tại chỗ khi máy đo đưa đến để kiểm tra, xác định.
Máy sẽ báo hiện trạng “có” hoặc “không”. Nếu kết quả là “không”, tài xế có thể lái xe đi tiếp, quy trình kiểm tra chỉ mất khoảng 10 giây. Nếu kết quả “có”, lực lượng CSGT mới tiếp tục mời tài xế xuống xe để tiến hành thổi vào ống đo xác định nồng độ cồn để đưa ra mức xử phạt chính xác.
CSGT tại Quảng Ninh dùng máy đo nồng độ cồn kiểm tra một người đi xe máy.
Thực tế đã triển khai ở tỉnh Quảng Ninh cho thấy, để áp dụng biện pháp kiểm tra nồng độ cồn kiểu mới một cách hiệu quả nhất cần có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của lực lượng chức năng, cùng thái độ thân thiện, hòa nhã của cán bộ thi hành công vụ. Cụ thể, khi tiến hành kiểm tra nồng độ cồn, lực lượng CSGT đã tách một làn đường đi tốc độ bình thường, một làn đường hạn chế tốc độ dành để kiểm tra nồng độ cồn các tài xế có dấu hiệu vi phạm. Nếu không phát hiện nồng độ cồn, lái xe có thể cho xe đi luôn, tiết kiệm thời gian, hạn chế bức xúc của chính người được kiểm tra lẫn người ở phía sau.
Sau 20 ngày thực hiện cao điểm tuần tra, kiểm soát thí điểm theo phương pháp kiểm tra nồng độ cồn mới, CSGT Quảng Ninh đã dừng kiểm tra 3.500 trường hợp, phát hiện 170 trường hợp lái xe có sử dụng rượu, bia (chiếm 4,9%). Các tài xế vi phạm chủ yếu là nam giới, lái xe con và trong độ tuổi từ 22 – 50 tuổi.
Sẽ “phủ sóng” rộng hơnÔng Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGTQG khẳng định: “Phòng, chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là nhiệm vụ trọng tâm của công tác đảm bảo trật tự ATGT đường bộ”.
Cục CSGT Đường bộ Đường sắt cho biết: Kết quả tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn trên cả nước tính đến ngày 15.11 đã có 10.160 trường hợp bị lập biên bản vi phạm, 1.264 lái xe bị tước GPLX, 1.254 phương tiện bị tạm giữ.
|
Những hiệu quả ban đầu của việc sử dụng phương pháp kiểm tra, xác định nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế sẽ tiếp tục được triển khai đến nhiều địa phương khác. Theo Ủy ban ATGTQG, phương pháp này còn tiết kiệm về mặt chi phí.
Cụ thể, theo phương pháp thổi ống cũ, ít nhất một lần dừng xe kiểm tra, tài xế sẽ thổi một ống thổi dùng một lần có trị giá 40.000 đồng, chưa kể có người phải dùng đến 2 – 3 lần để xác định chính xác nồng độ để xử phạt. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết:
“Trước mắt, thiết bị sẽ được dự án của Tổ chức Y tế Thế giới hỗ trợ trong thời gian đầu với một số địa phương. Sau đó chúng ta phải mua. Nhưng tính về mặt hiệu quả chi phí, chắc chắn rẻ hơn so với phương pháp cũ. Kết quả ban đầu cũng được lực lượng CSGT đánh giá tốt, tuy nhiên cần điều chỉnh một số vấn đề cho phù hợp với điều kiện Việt Nam”.
Được biết, thời gian tới Ủy ban ATGTQG sẽ phối hợp với Cục CSGT Đường bộ Đường sắt đẩy mạnh triển khai tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm nồng độ cồn theo phương pháp mới ở 8 địa phương khác. Đó là: Ninh Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng. “Đó là kế hoạch triển khai sắp tới, tuy nhiên mong muốn của Ủy ban ATGTQG là phương pháp này sẽ được thực hiện ở nhiều địa phương hơn nữa ngay trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới” – ông Hiệp cho hay.
Vinh Hải (Vinh Hải)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.