“Tết sớm” của lao động tự do

Minh Nguyệt Thứ ba, ngày 01/01/2019 06:43 AM (GMT+7)
Vì muốn có một cái tết ấm áp mà ngay từ giữa tháng 11 âm lịch nhiều lao động đã rời quê lên thành phố kiếm việc làm. Dù công việc vất vả nhưng chính họ là những người được cảm nhận và đón cái “tết sớm” nhất ở nơi đô thị.
Bình luận 0

Trong cái nắng hanh giữa đông, anh Nguyễn Quang Thành (Hải Hậu, Nam Định) cùng chục lao động khác đang ngồi vạ vật đợi việc ở cửa khẩu trên đường An Dương gần chợ hoa Quảng Bá (Tây Hồ, Hà Nội). Trước đây, anh Thành hay ngồi đợi ở dốc Bưởi, đầu đường Hoàng Quốc Việt nhưng từ ngày con đường được nâng cấp thay đổi nhiều không còn chỗ ngồi, đám người ngoại tỉnh cũng kéo đi nơi khác. 

img

Anh Nguyễn Quang Thành (Hải Hậu, Nam Định) nhận bốc vác thuê tại chợ Quảng Bá (Tây Hồ). Ảnh: Minh Nguyệt

"Thời điểm nhiều công việc nhất chính là cách Tết âm lịch khoảng 1 tháng. Chính vì vậy, nếu muốn kiếm tiền thì lao động ở quê nên lên thành phố tìm việc từ cuối tháng 11 âm lịch”.

Anh Nguyễn Quang Thành
(Hải Hậu, Nam Định)

Anh Thành cho biết, năm nào cuối năm anh cũng lên Hà Nội tìm việc. Lao động tự do nên việc gì anh cũng nhận, từ bốc vác, chạy xe ôm, chuyển nhà tới dọn nhà, quét sơn... Thường tiền công cho một ngày làm việc là 200.000 đồng, nhưng nếu làm công việc nặng nhọc thì mức lương sẽ cao hơn. Đặc biệt, vào giáp tết nhu cầu việc làm tăng cao thì thu nhập còn tăng cao hơn nữa, thường từ 400.000 -  500.000 đồng/người/ngày.

“Ngày nào may mắn kiếm được 500.000 - 600.000 đồng, ngày nào không may thì có ngồi vêu ra đây cũng không có ai thuê. Giờ cứ có việc là có tết, không có việc thì chẳng thấy tết đâu cô à” - anh Thành kể.

Không chỉ lao động di cư, chính lao động gốc Hà Nội cũng nhanh chân tìm cho mình một công việc tốt. Nguyễn Văn Nam (sinh viên năm 3, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội) cũng cho biết, lâu nay em đi chạy bàn ở tiệc cưới, giờ rảnh rỗi lại đi chạy grap bike. Cận tết, thay vì chạy xe ôm, Nam chuyển sang chạy xe chở hàng, chở đào. “So với công việc chạy xe ôm, mỗi cuốc chỉ kiếm vài ba chục, thì việc chở đào, quất tuy vất vả nhưng lại kiếm bội tiền. Trung bình một cuốc xe chở đào quất ngắn trong khoảng 5km thì tiền công em được trả cũng tới 100.000 - 150.000 đồng. Nếu phải chở xa hơn thì sẽ nhận được 200.000 đồng” - Nam kể. 

Tại một góc đường Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội) - nơi tổ chức chợ hoa, công việc của các lái xe ba gác cũng bắt đầu nhiều hơn. Cuối năm nhu cầu chở hàng hóa, chở vật liệu để hoàn thành công trình xây dựng cũng được tăng tốc vì thế các lái xe ba gác nhận không hết việc.

Ông Tống Văn Lai (nhà ở Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Hiện tại, tôi đã được một ông chủ trồng đào trong Nhật Tân thuê chở đào theo hợp đồng. Mỗi cây đào thế gốc to khi chở cho khách cũng nhận được 300.000 đồng. Ngày chỉ cần nhận chở được 3 cây như vậy thôi là cũng ấm rồi. Tết kiếm tiền thì dễ, chỉ lo không đủ sức thôi”.

Như tết năm ngoái, ông Lai kiếm được 30 triệu từ tiền chở xe ba gác, cộng thêm tiền bán đào, bán quất ông cũng kiếm được hơn 100 triệu. “Nhìn chung với cánh lao động như tụi tôi, Tết kiếm được 100 triệu vậy là ấm lắm rồi. Chỉ hy vọng năm nay thời tiết thuận buồm xuôi gió để làm ăn cho đỡ vất vả” - ông Lai tâm sự.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem