TGĐ siêu thị Aeon: Ngoài trái vải người Nhật cũng ưa chuộng thanh long, xoài, cá basa...

Nguyễn Vy Thứ tư, ngày 22/07/2020 14:04 PM (GMT+7)
Tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam qua hệ thống siêu thị Aeon của Nhật Bản năm 2019 đạt 381 triệu USD, trong đó 75% là hàng may mặc. Tỉ trọng hàng thực phẩm và hàng tiêu dùng vẫn còn thấp.
Bình luận 0

Ông Nishitohge Yasuo - Tổng Giám đốc hệ thống siêu thị Aeon Việt Nam cho biết như thế tại hội thảo Định hướng sản phẩm xuất khẩu và chuỗi chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thông qua hệ thống siêu thị Aeon - Nhãn hàng Aeon Topvalu trong mùa dịch Covid-19, diễn ra tại TP.HCM, ngày 22/7.

Việc quả vải thiều Việt Nam chính thức được xuất khẩu sang Nhật Bản cuối tháng 6 vừa qua đã trở thành một câu chuyện truyền cảm hứng, tạo động lực mạnh mẽ trong công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước thời kỳ hậu Covid-19. 

Aeon đã trở thành nhà bán lẻ đầu tiên giới thiệu và bán quả vải thiều tươi tại thị trường Nhật Bản.

Xuất khẩu hàng thực phẩm, tiêu dùng qua kênh siêu thị Nhật Bản còn thấp  - Ảnh 1.

Vải thiều ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) xuất khẩu sang Nhật Bản.

 "Hội thảo hôm nay mong muốn nối dài hơn nữa danh mục sản phẩm Việt được bày bán tại các hệ thống phân phối hiện đại tại Nhật Bản, mở rộng cánh cửa để vươn xa và chinh phục nhiều thị trường khó tính trên thế giới", ông Nishitohge Yasuo mở đầu câu chuyện.

Aeon hiện là 1 trong những nhà bán lẻ lâu đời nhất tại Nhật Bản, đồng thời là 1 trong những tập đoàn thương mại bán lẻ lớn nhất thế giới. 

Tính tới thời điểm hiện tại, Aeon Việt Nam đã có 5 trung tâm thương mại, trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị trên toàn quốc.

Với hệ thống bán lẻ tại Việt Nam, cơ cấu nhà cung cấp cho Aeon hiện nay bao gồm 53% là các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm; 28% là các mặt hàng may mặc và 19% là mặt hàng điện máy, điện tử, thiết bị, đồ dùng gia đình.

Với thị trường xuất khẩu, tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam qua hệ thống siêu thị Aeon của Nhật Bản năm 2019 đạt 381 triệu USD, trong đó 75% là hàng may mặc. Tỉ trọng hàng thực phẩm và hàng tiêu dùng vẫn còn thấp.

Xuất khẩu hàng thực phẩm, tiêu dùng qua kênh siêu thị Nhật Bản còn thấp  - Ảnh 2.

Rau ăn quả bày bán tại siêu thị Aeon Bình Dương

Có một số ít doanh nghiệp hiểu biết về thị trường Nhật, một số ít hầu như chưa biết gì. "Khoảng trống chính giữa – những doanh nghiệp hiểu tương đối về thị trường Nhật là không có", ông Nishitohge Yasuo nói.

Ngoài trái vải, các mặt hàng như thanh long, xoài, cá basa... của Việt Nam rất được người tiêu dùng Nhật Bản ưa chuộng. Các doanh nghiệp nên chú ý nhiều hơn đến thị trường này, ít nhất là thông qua kênh phân phối của Aeon, ông Nishitohge Yasuo cho biết thêm.

Ông Nguyễn Thiện Minh - Giám đốc kinh doanh công ty CP Frefarm (TP.HCM), chuyên doanh mặt hàng dưa lưới cho biết, việc tiếp cận thị trường Nhật Bản không hề đơn giản.

"Ít nhất là với siêu thị Aeon, chúng tôi đã nhiều lần tiếp cận để đưa sản phẩm đạt chứng nhận GlobalGap của mình vào nhưng vẫn chưa được chấp nhận", ông Minh nói.

Ông Trần Thanh Nguyên - Chủ tịch HĐQT công ty Phước Hưng (Tiền Giang) kể, công ty từng giao hàng thanh long xuất sang Nhật. Tuy nhiên, số lượng bình quân chỉ 5-6 tấn/tuần, con số này còn quá khiêm tốn so với vùng nguyên liệu mà doanh nghiệp liên kết bao tiêu.

"Chúng tôi rất muốn được gặp gỡ đại diện của Aeon Việt Nam để thương thảo những bước đi căn bản hơn, trước mắt là cho thị trường nội địa", ông Nguyên nói.

Xuất khẩu hàng thực phẩm, tiêu dùng qua kênh siêu thị Nhật Bản còn thấp  - Ảnh 3.

Trái bày bán tại siêu thị Aeon Bình Dương

Theo bà Nguyễn Thị Duy Xuân - Giám đốc bộ phận Quản lý nhà cung cấp của Aeon Việt Nam, để có thể đưa hàng vào hệ thống siêu thị này, nhà cung ứng cần đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật với 6 yêu cầu cơ bản.

Trong đó, bao gồm: Sản phẩm không có điều tiếng về chất lượng; Có đủ giấy phép, giấy chứng nhận theo quy định; Điều kiện vận chuyển, thùng chứa sản phẩm; Truy xuất nguồn gốc; Kiểm soát được nguồn gây ô nhiễm tiềm ẩn về vi sinh vật, kim loại nặng; Việc sử dụng thuốc, phụ gia trong sản xuất phải tuân thủ quy định Việt Nam.

Với đối tác xuất khẩu, Aeon đặt ra điều kiện khắt khe hơn. Doanh nghiệp cần cung cấp báo cáo tài chính 2 kỳ gần nhất; doanh nghiệp đã được thành lập trên 5 năm; Sở hữu nhà xưởng, thiết bị sản xuất; Công suất hoạt động nhà xưởng phải đạt trên 75% của kỳ trước; Quy mô sản xuất phải lớn gấp 10 lần so với số lượng dự kiến đặt hàng và phải có kinh nghiệm sản xuất sản phẩm xuất khẩu.

Xuất khẩu hàng thực phẩm, tiêu dùng qua kênh siêu thị Nhật Bản còn thấp  - Ảnh 4.

Hội thảo Định hướng sản phẩm xuất khẩu và chuỗi chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thông qua hệ thống siêu thị Aeon

Ông Nguyễn Hữu Tín - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) cho biết, đây là năm thứ 3 liên tiếp ITPC phối hợp cùng với Aeon Việt Nam phổ biến thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp những kiến thức về nhu cầu tiêu dùng tại thị trường Nhật Bản, cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật để đưa hàng vào hệ thống siêu thị Aeon nói chung và nhãn hàng Aeon Topvalu nói riêng.

Rất nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng khó đưa hàng vào siêu thị. Đây là khó khăn chung, không riêng gì với siêu thị Aeon. Vấn đề là sự nỗ lực của doanh nghiệp.

"Trạng thái bình thường mới" hậu Covid-19 cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tự làm mới mình, tìm ra những hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn.

Từ ngày 19/8 - 23/8/2020, ITPC và Aeon Việt Nam phối hợp tổ chức sự kiện Tuần lễ Triển lãm sản phẩm doanh nghiệp Việt tại Aeon năm 2020, tại Aeon Tân Phú Celadon (quận Tân Phú, TP.HCM).

Theo ông Tín, đây là cơ hội để các doanh nghiệp mới, chuyên sản xuất các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nông sản, đồ uống đóng gói, chế biến sẵn được trưng bày và giới thiệu sản phẩm trong không gian siêu thị Aeon.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem