TGĐ Vietfootball Phạm Ngọc Tuấn: "Sau HPL là bóng đá học đường"

Chính Minh Thứ sáu, ngày 01/01/2021 09:10 AM (GMT+7)
Ông Phạm Ngọc Tuấn – người sáng lập Giải bóng đá phong trào Ngoại hạng Hà Nội (HPL) khẳng định muốn tạo ra sự phát triển bóng đá học đường trong năm mới!
Bình luận 0

Từ HPL đến giải bóng đá phong trào ĐNÁ

Cuối năm 2020, Giải bóng đá 7 người vô địch toàn quốc Hyundai Cup 2020 by TC MOTOR lần thứ 2 (VPL-S2) đã khép lại với những hình ảnh sôi động, cuồng nhiệt từ trên các khán đài xuống mặt sân Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận Hoàng Mai.

TGĐ Vietfootball Phạm Ngọc Tuấn: "Sau HPL là bóng đá học đường" - Ảnh 1.

FC Song Hùng vô địch VPL-S2.

Sức sống của bóng đá phong trào – nơi được coi là "chân đế" cho sự phát triển bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam ngày càng mạnh mẽ.

Bắt đầu từ thành công của mô hình giải bóng đá phong trào ngoại hạng Hà Nội (HPL) năm nay đã bước sang mùa thứ 8, bóng đá sân 7 đã được lan tỏa trên phạm vi toàn quốc với những giải đấu ở TP.HCM (SPL-S3), Khánh Hòa (KPL-S2).

Trong suy nghĩ của mình, ông Phạm Ngọc Tuấn – Trưởng ban bóng đá phong trào VFF, Tổng Giám đốc Vietfootball – người đầy tâm huyết sáng lập ra "đặc sản" HPL từ năm 2013 và tạo được tiếng vang như hiện nay đang ấp ủ ý tưởng mở rộng quy mộ bóng đá 7 người ở tầm quốc tế:

"Sau Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa, chúng tôi đang hướng đến các địa phương tiếp theo là Đà Nẵng, Cần Thơ, Tây Nguyên - những nơi phong trào bóng đá đang rất phát triển và có nhiều tiềm năng tổ chức thành công 1 giải đấu theo mô hình HPL.

Quan điểm của chúng tôi là phải cố gắng trình diễn những gì tinh túy nhất, "chơi có ý thức, chơi để tận hưởng". Các đội bóng đều hiểu 1 tấm vé dự VPL là rất vinh dự, danh giá và chúng tôi cũng không chạy theo số lượng ở những mùa giải tiếp theo.

Tùy vào điều kiện cụ thể, vòng chung kết toàn quốc VPL-S3 năm 2021 có thể có từ 4 đến 8 đội tham dự", ông Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ.

Trở lại với VPL-S2, việc 2 đội bóng Sài thành vào chung kết và FC Song Hùng "ẵm" Cúp vô địch từ Hà Nội về TP.HCM cũng là động lực để các đội bóng phía bắc "xem lại mình", tập trung đầu tư nhiều hơn ở mùa giải mới.

TGĐ Vietfootball Phạm Ngọc Tuấn: "Sau HPL là bóng đá học đường" - Ảnh 2.

Ông Phạm Ngọc Tuấn - Trưởng ban bóng đá phong trào VFF, Tổng Giám đốc Vietfootball bày tỏ ý tưởng tổ chức giải bóng đá 7 người quốc tế.

"Đội bóng là niềm tự hào của địa phương, vùng miền, và sự cạnh tranh lành mạnh sẽ giúp phong trào ngày càng phát triển.

Không dừng ở quy mô trong nước, từ lâu chúng tôi đã suy nghĩ về việc tổ chức một giải đấu bóng đá 7 người quốc tế, trước mắt có sự tham dự của các đội bóng khu vực Đông Nam Á.

Về chủ trương, Tổng cục TDTT đã ủng hộ và nếu tổ chức vào năm sau thì đó sẽ là giải đấu chào đón, "hâm nóng" sự kiện SEA Games 31 tại Việt Nam.

Về tài chính, nhà tài trợ TC MOTOR cũng khẳng định sẽ hỗ trợ. Về khách mời, thông qua mối quan hệ với các liên đoàn trong khu vực, các "kênh" cựu cầu thủ, chúng tôi cũng đã đặt vấn đề để có được những đội khách mời chất lượng.

Nếu giải đấu diễn ra như dự kiến thì đây sẽ là nơi Việt Nam giới thiệu "đặc sản" sân 7 người với bạn bè quốc tế. Đó cũng là niềm tự hào của anh em cầu thủ phong trào khi có cơ hội khoác áo đội tuyển thi đấu", ông Phạm Ngọc Tuấn bày tỏ.

Phát triển bóng đá học đường

Cách đây 8 năm, khi ông Phạm Ngọc Tuấn cùng những người bạn thân thiết có ý tưởng chuyên nghiệp hóa một giải đấu bóng đá phong trào, tạo ra một sân chơi lành mạnh cho giới cầu thủ phong trào, ít ai ngờ mô hình HPL có thể được nhân rộng trên phạm vi toàn quốc, nhận được nhiều sự tin yêu nhiều đến thế từ người hâm mộ.

TGĐ Vietfootball Phạm Ngọc Tuấn: "Sau HPL là bóng đá học đường" - Ảnh 3.

Ông Phạm Ngọc Tuấn hy vọng trong tương lai bóng đá học đường Việt Nam sẽ phát triển, như cách HPL đã ra mắt và tạo tiếng vang suốt 8 mùa giải đã qua.

Vậy thì chẳng có lý do gì Việt Nam không thể phát triển bóng đá học đường theo cách mà những nước có nền bóng đá hàng đầu châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc… và gần nhất là "hàng xóm" Thái Lan đã làm và thành công:

"Cuối năm 2018, sau khi được bầu vào ban chấp hành VFF nhiệm kỳ VIII (2018-2022) và giữ nhiệm vụ Trưởng ban bóng đá phong trào VFF, căn cứ Hiến chương bóng đá phong trào AFC với 20 tiêu chí (nhân sự lãnh đạo, tài chính, các giải đấu phong trào, hợp tác, truyền thông quảng bá…) phân hạng Vàng, Bạc, Đồng cho các nước trong châu lục (Việt Nam đang xếp hạng Đồng), tôi đã bắt tay vào làm đề cương chiến lược phát triển bóng đá phong trào Việt Nam giai đoạn 2019-2022, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển bóng đá học đường.

Anh Lê Văn Thành – Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF được giao nhiệm vụ phụ trách công tác bóng đá phong trào cũng rất quan tâm tới mảng này. Một thuận lợi nữa là anh Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng rất tâm huyết với bóng đá học đường.

Dự kiến sau Tết Nguyên Đán, VFF cùng Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ ký kết thỏa thuận hợp tác, đòng thời cho ra mắt chương trình hành động với những bước đi, mốc thời gian cụ thể để phát triển bóng đá học đường.

Cần nhớ là sau thành công của U23 Việt Nam tại Thường Châu (Trung Quốc), bóng đá đang nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn từ xã hội, trong đó có các bậc phụ huynh", ông Phạm Ngọc Tuấn cho biết kế hoạch.

Khi bóng đá học đường phát triển, có nhiều em nhỏ yêu thích, chơi bóng đá thì chính các giải học sinh là nơi giúp các đội bóng chuyên nghiệp có cơ hội tuyển chọn những "hạt ngọc thô".

"Trong Dự thảo đề cương đề án phát triển bóng đá phong trào giai đoạn 2021-2030, chúng tôi cũng mất rất nhiều thời gian để khảo sát, thống kê, có những con số cụ thể về cơ sở vật chất, lực lượng HLV, kinh phí… để biết rõ thực trạng dạy bóng đá trong các trường học ở Việt Nam.

Khi đề án này được Chính phủ phê duyệt thì đó chính là căn cứ để các địa phương xin kinh phí xây dựng cơ sở vật chất phát triển bóng đá học đường.

Dưới góc độ chuyên môn, VFF cũng sẽ hỗ trợ các nhà trường, tổ chức các lớp học HLV bằng D, cấp chứng chỉ HLV bóng đá phong trào cho các giáo viên thể chất không chuyên ngành bóng đá khi học Đại học TDTT.

Nói chung là "đất" làm bóng đá phong trào đang rất rộng, có thể nói là một công việc khổng lồ. Chúng ta phải cùng nhau cố gắng, dốc tâm huyết bắt tay vào làm và tin là bóng đá Việt Nam sẽ có sự phát triển bền vững trong 10-20 năm tới", ông Phạm Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Ông Phạm Ngọc Tuấn: "Trong cả nước hiện có gần 10.000 CLB bóng đá phong trào. Những địa phương phát triển mạnh như TP.HCM (khoảng 1000 CLB), Hà Nội (800 CLB), Đà Nẵng (500 CLB), Thừa Thiên Huế (500 CLB)... Bên cạnh đó có rất nhiều trung tâm bóng đá cộng đồng (ngoài học đường) hoạt động tự phát. Chúng ta cần hệ thống, chuẩn hóa các Trung tâm bóng đá cộng đồng, các giải phong trào cho các lứa tuổi, đối tượng, ban ngành khác nhau. Sao cho thông qua bóng đá, chúng ta có thể truyền đi các giá trị thể thao, giúp nâng cao sức khỏe, tinh thần, những giá trị nhân văn, giúp toàn xã hội phát triển văn minh như thông điệp của FIFA".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem