Thả đèn trời ở làng cổ Thập Phần thuộc quận Bình Khê, Tân Bắc, Đài Loan (Trung Quốc), đã trở thành hoạt động thu hút du khách ở khu vực có đường ray tàu hỏa chạy qua.
Đây vốn là tuyến đường sắt đi ngang qua làng cổ, đến nay vẫn còn hoạt động. Sở dĩ du khách muốn đứng tại đây thả đèn trời bởi có nhiều khoảng không, gió thổi mạnh và dễ dàng có những bức ảnh "sống ảo".
Thả đèn trời ở đường ray tàu hỏa, làng cổ Đài Loan (Trung Quốc) thu về 1,8 triệu USD
Cuộc sống của người dân ở làng cổ Thập Phần xưa kia chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Sản vật chính trong vùng là bông và cây cao su. Ngoài ra, nơi này còn có nguồn tài nguyên than đá dồi dào nên họ đã xây dựng đường ray tàu hỏa vào năm 1920. Vào "thời kỳ hoàng kim", hàng triệu tấn than được vận chuyển từ nơi này đi khắp hòn đảo.
Đến nay, tàu hỏa vẫn hoạt động nên thỉnh thoảng du khách sẽ có cơ hội nhìn thấy đoàn tàu đi qua. Trong khi đó, người dân địa phương tận dụng luôn không gian ở hai bên đường ray để bán đồ lưu niệm, đồ ăn vặt phục vụ khách.
Tập tục thả đèn trời ở Đài Loan cũng được bắt nguồn từ làng cổ này. Việc thả đèn trở nên hút khách vào những năm 1990 của thế kỷ trước và không còn giới hạn trong những ngày rằm.
Theo tương truyền, nếu viết những điều ước và tên tuổi mình lên đèn rồi thả lên trời, mọi điều ước nguyện sẽ được như ý. Kể từ đó, việc thả đèn đã trở thành nét văn hóa đẹp trong văn hóa truyền thống của người dân địa phương, được du khách từ khắp nơi hưởng ứng.
Những chiếc đèn trời được làm bằng giấy mỏng với khung làm từ tre. Bên trong đèn có một cây nến. Khi nến được thắp sáng, du khách sẽ từ từ thả đèn bay lên trời, mang theo những mong ước. Về mặt lý thuyết, khi giấy và nến cháy hết, khung tre sẽ rơi xuống đất.
Việc du khách thả đèn trời ở Thập Phần đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi. Nhiều ý kiến muốn giữ truyền thống này vì cho rằng đây là nét văn hóa đẹp cần gìn giữ. Nhưng vấn đề này cũng vấp phải không ít sự phản đối vì lý do hỏa hoạn và vệ sinh môi trường.
Ước tính hàng trăm chiếc đèn được thả mỗi ngày, tạo ra vấn đề rác thải. Những người tham gia dọn dẹp chủ yếu là dân địa phương và các tình nguyện viên. Bởi vậy, dù có những ý kiến trái chiều, nhưng do sức hấp dẫn quá lớn của hoạt động thả đèn trời với du khách cùng với lợi nhuận về nguồn thu, nên hiện Đài Loan chưa xóa bỏ điều này.
Được biết, việc kinh doanh đèn trời đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương. Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, ước tính ít nhất 30.000 chiếc đèn được du khách thả mỗi tháng tương đương với 360.000 chiếc/năm. Mỗi chiếc đèn có giá 150 Đài tệ (hơn 115 nghìn đồng), mang lại nguồn thu mỗi năm ít nhất 1,8 triệu USD cho ngôi làng nhỏ bên sườn đồi với dân số dưới 5.000 người.
Dù thả đèn trời ở làng cổ Thập Phần là hợp pháp, nhưng người dân và du khách phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của chính quyền, từ kích thước của đèn, thời gian cũng như địa điểm, nếu không sẽ bị phạt.
Cụ thể, mỗi chiếc đèn phải đảm bảo kích thước đúng tiêu chuẩn, trọng lượng không quá 300 gram. Đèn phải được dán nhãn tên và địa chỉ nhà cung cấp. Du khách không được phép treo pháo hoa hay bất cứ thứ gì tạo ra ngọn lửa bên dưới đèn. Thời gian thả đèn từ 6 giờ sáng tới 10 giờ tối.
Trẻ em dưới 14 tuổi hoặc người khuyết tật phải có cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp đi cùng. Với những nhóm muốn thả hơn 100 chiếc, cần phải xin trước giấy phép của địa phương và đưa ra những phương án an toàn theo yêu cầu. Bất cứ trường hợp nào vi phạm sẽ nhận phạt từ 3.000 Đài tệ (2,3 triệu đồng).
Hiện 10 thành phố và quận huyện ở Đài Loan bị nghiêm cấm thả đèn trời.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.