Thạc sĩ Sóng Hiền lo ngại Chí Phèo sẽ khiến học sinh bạo lực

Tùng Anh Thứ năm, ngày 07/12/2017 11:21 AM (GMT+7)
Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền – người đưa ra đề xuất bỏ tác phẩm Chí Phèo khỏi sách giáo khoa phổ thông cho rằng, tác phẩm này chỉ nên đưa lên bậc học cao hơn và dạy nó trong một chỉnh thể của nguyên bản chứ không phải cắt xén gây nên cái nhìn méo mó về nó.
Bình luận 0

Trả lời PV báo Dân Việt ngày 7.12 về những phản hồi của dư luận xung quanh đề xuất của mình, Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền cho biết, ông vẫn bảo lưu quan điểm bỏ tác phẩm Chí Phèo khỏi sách giáo khoa phổ thông.

Ông Hiền khẳng định: “Giáo dục là cuộc sống và cuộc sống không bao giờ đứng yên mà nó vận động, thay đổi từng ngày từng giờ. Vì vậy một nền giáo dục tiến bộ cũng cần phải thay đổi để bắt kịp với những thay đổi của cuộc sống. Nếu giáo dục xa rời cuộc sống, không phản ánh thực tiễn cuộc sống là nền giáo dục kinh viện, một nền giáo dục lạc hậu của thế kỷ trước”.

img

Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền 

Ông Hiền cũng cho rằng, hiện chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của cách mạng cộng nghệ. Chỉ đơn giản một cái click trên màn hình máy tính bạn có thể nhìn thấy cả thế giới thì vai trò của giáo dục cũng đến lúc phải thay đổi để bắt kịp với những tiến bộ đó.

“Sẽ có nhiều kiến thức và nội dung giảng dạy không còn phù hợp với cách nhận thức cách suy nghĩ của lớp trẻ nữa. Vì vậy chúng ta cần phải cân nhắc để thay thế, bổ sung những kiến thức mới, tri thức mới phù hợp với xu thế mới và nhận thức mới của các em. Nó đặt ra một yêu cầu cấp bách hơn đối với các nhà quản lý giáo dục, những người làm giáo dục và cả thầy cô khi đưa bất kỳ kiến thức, nội dung hay chương trình nào vào giảng dạy cho các em dù ở bất kỳ cấp độ để có cái nhìn thấu đáo hơn, toàn diện hơn và xem nó có phù hợp với đòi hỏi cuộc sống hiện tại không? Có tác động tiêu cực tới tâm lý và nhận thức các em không? Có giúp các em trong cuộc sống thực tế của các em không?” – ông Hiền đặt câu hỏi.

Ông Hiền khẳng định, tôi không phủ nhận giá trị nghệ thuật và sự thành công trong cách viết của nhà văn Nam Cao ở tác phẩm của ông về Chí Phèo. Nhưng ở góc độ giáo dục, tác phẩm Chí Phèo không nên giảng dạy ở chương trình lớp 11 vì những tác động tiêu cực có thể ảnh hưởng đến nhận thức của các em học sinh.

Theo thạc sĩ Sóng Hiền, học sinh lớp 11 đang ở đội tuổi chưa hoàn thiện về mặt nhận thức xã hội, sự phát triển tâm lý khá phức tạp, thích nổi loạn, thích khẳng định cái tôi. Các em dễ tiêm nhiễm cái xấu và tiêm nhiễm cái xấu nhanh hơn cái tốt.

img

Ông Hiền cho rằng, với lứa tuổi học sinh lớp 11 chưa đủ chín chắn để thẩm thấu hết sự nhân văn của tác phẩm Chí Phèo mà dễ học cái xấu từ thói hung hãn, thú tính của Chí Phèo

“Chúng ta đâu ai dám chắc được rằng các thầy cô liệu có đủ thời gian để truyền tải hết các giá trị nhân văn của tác phẩm khi tác phẩm cũng đâu được dạy trong một chỉnh thể đầy đủ và ai dám chắc được rằng  tất cả các em có thể nhận thức được mặt hay của tác phẩm hay chỉ nhìn vào những cái xấu của Chí để bắt chước để làm theo? Chúng ta đã và đang chứng kiến quá nhiều cảnh đau lòng như bạo lực học đường, giết người cướp của, cưỡng hiếp... mà đối tượng không ai khác chính là các em-những trẻ vị thành niên. Ai dám phủ nhận rằng nó không phải là một lỗi của giáo dục? Và ai dám phủ nhận những hành vi bạo lực và thú tính ấy không phải bắt chước từ hành vi của Chí” – ông Hiền nói.

Nói về việc giáo viên và học sinh phản ứng gay gắt về quan điểm của mình, Thạc sĩ Sóng Hiền cho biết, ông không phải là giáo viên văn, ông chỉ đứng trên góc độ của nhà giáo dục và nhìn ra mặt trái của tác phẩm đối với các em học sinh có thể bị tác động và ảnh hưởng.

“Trong bối cảnh xã hội hiện tại tôi nghĩ tác phẩm đó không phù hợp với các em học sinh 11 . Còn những tác phẩm khác tôi  hy vọng rằng sẽ có những nhà chuyên môn xem xét và nhìn nhận lại và có sự đánh giá một cách thấu đáo, toàn diện hơn để đưa vào giảng dạy một cách hợp lý nhất” – ông Hiền chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem