Thái Bình: Bão số 1 năm 2016 qua hơn 1 năm, dân chưa được hỗ trợ

Trần Dũng - Thu Hà Thứ sáu, ngày 08/09/2017 13:05 PM (GMT+7)
Đã hơn 1 năm sau khi bão số 1 (tháng 7.2016) gây thiệt hại hàng nặng nề, Sở NN&PTNT Thái Bình vẫn đang rà soát, thẩm định các hộ dân bị thiệt hại do bão. Hàng chục tỉ đồng được Trung ương phân bổ khắc phục hậu quả bão số 1 đa phần chưa được địa phương này triển khai hỗ trợ tới những hộ dân thiệt hại…
Bình luận 0

Những lá đơn “đựng” tiếng thở dài 

Cuối tháng 8 vừa qua, báo Nông thôn ngày nay/ Dân Việt nhận được đơn đề nghị, cũng có thể hiểu rằng đó là những thông tin, “than phiền” của nông dân xuất sắc Phạm Đình Chiểu (xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư) và nông dân Trần Văn Bao, Trần Văn Toàn (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình).

img

Những lá đơn phản ánh của ông Chiểu, ông Bao và ông Toàn gửi tới báo Nông thôn Ngày nay/ Dân Việt. Ảnh: Trần Dũng. 

Theo phản ánh, cơn bão số 1 năm 2016, khiến ông Phạm Đình Chiểu – Chủ nhân mô hình điểm nuôi cá Lăng, cá Chép giòn điển hình của tỉnh Thái Bình bị bão đánh bẹp 74 lồng cá, gây thiệt hại 400 tấn cá trị giá hơn 20 tỉ đồng. Còn anh em ông Bao, ông Toàn thiệt bị thiệt hại tổng 20 lồng cá, ước tính hơn 5 tỉ đồng. “Gia đình tôi bị bão tàn phá 74 lồng cá ước tính trên 20 tỉ đồng, các cơ quan, ngành thủy sản, chính quyền địa phương đã thẩm định mất mát to lớn của gia đình tôi. Gia đình phấn khởi được biết được đề nghị hỗ trợ 10 triệu đồng/ lồng cá từ số tiền ngân sách Trung ương hỗ trợ Thái Bình khắc phục bão. Để tiếp tục sản xuất, gia đình đã vay mượn đầu tư hơn 4 tỉ đồng đóng lại 32 lồng nuôi cá. Song, đã hơn 1 năm sau bão gia đình vẫn mòn mỏi mong ngóng tiền hỗ trợ”, ông Chiểu viết.

img

Ông Phạm Đình Chiểu buồn bã nói về sự việc mỏi mắt ngóng hỗ trợ thiệt hại sau bão. Ảnh: Trần Dũng. 

Trong lá đơn gửi tới báo Dân Việt ông Trần Văn Bao cũng bày tỏ tâm trạng buồn rầu, mong ngóng được hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 1 từng ngày. “Sau khi cơn bão đi qua gia đình tôi chưa được hỗ trợ gì cả. Vậy tôi viết thư này nhờ Ban biên tập báo Nông thôn ngày nay hỏi giúp tại sao gia đình tôi thiệt lớn như vậy mà chưa được hỗ trợ gì cả?”, ông Bao viết.

Ông Phạm Văn Giáp – Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Đoài (huyện Vũ Thư) cho biết, ngay sau khi xảy ra bão số 1, địa phương đã khẩn trương tiến hành rà soát, thống kê các hộ dân bị thiệt hại. “Hôm xảy ra bão nhìn ông Chiểu khổ lắm, mới hôm trước cơ ngơi mấy chục tỉ trên sông như vậy. Sau một đêm mất trắng, ông Chiểu không phát điên là may”, ông Giáp bày tỏ.

img

Ông Trần Văn Bao cũng rầu rĩ kể về sự việc. Ảnh: Trần Dũng. 

Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Đoài Phạm Văn Giáp cũng xác nhận khoảng 7 tháng trước, xã và huyện đã tiến hành thẩm định thiệt hại của gia đình ông Chiểu. Công tác thống kê thiệt hại do bão ở địa phương cũng đã hoàn thành trình lên trên, nhưng chưa thấy triển khai hỗ trợ.

Bà Bùi Thị Nga – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Bình thông tin, ngay sau bão số 1, lãnh đạo Hội đã xuống thăm hỏi, động viên gia đình ông Chiểu. Khi đó, ông Chiểu là hộ đã vay 50 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân. Trước thiệt hại quá lớn của gia đình ông Chiểu, lãnh đạo Hội đã phê duyệt cho ông Chiểu vay thêm 30 triệu đồng. “Đây là điển hình đầu tiên chúng tôi cho vay 80 triệu đồng. Việc thiệt hại của gia đình ông Chiểu do bão số 1 chúng tôi đã trao đổi với Sở Nông nghiệp, tỉnh vẫn đang rà soát. Gần đây, ông Chiểu than thở trên mạng xã hội, tôi cũng động viên, rất mong ông sớm được hỗ trợ”, bà Nga chia sẻ.

60 tỉ đồng hỗ trợ khắc phục thiệt hại bão số 1 nhưng…

Để làm rõ sự việc, PV Dân Việt đã liên hệ đặt lịch làm việc với lãnh đạo Sở NN&PTNT Thái Bình. Sau nhiều lần liên hệ PV mới có được lịch hẹn với ông Phạm Văn Dụng - Giám đốc Sở NN&PTNT Thái Bình.

img

Thiệt hại hơn 20 tỉ đồng do bão số 1, nhưng với ý chí kiên cường ông Chiểu vay mượn đầu tư hơn 4 tỉ đồng đóng lại 32 lồng cá tiếp tục sản xuất. Ông Chiểu rất mong được hỗ trợ sớm để vơi bớt khó khăn. Ảnh: Trần Dũng. 

Thông tin về phản ánh của những hộ dân trên ông Dụng cho biết, đầu tiên Sở đã triển khai hỗ trợ 100 tấn lúa giống cho các vùng lúa chết vì lụt bão. “Các đối tượng khác như thủy sản, cây ăn quả, rau màu… Rất nhiều đối tượng, việc xác định các đối tượng liên quan thiệt hại cũng cần phải có thời gian triển khai, thủ tục đòi hỏi chặt chẽ. Vừa rồi bác Chiểu có ý kiến, chúng tôi yêu cầu địa phương xã, huyện xác nhận, đề xuất lên làm sao cho đầy đủ các thủ tục. Sở đã làm tờ trình gửi UBND tỉnh đề nghị hỗ trợ ông Chiểu. UBND tỉnh đã có phiếu chuyển sang Sở Tài chính, Sở Tài chính có yêu cầu ngược lại hoàn thiện tiếp 1 số văn bản cho chặt chẽ. Chúng tôi đã giao cho bên Chi Cục Thủy sản hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu của Sở Tài chính”, ông Dụng nói.

Tờ trình ngày 11.8.2017 của Sở NN&PTNT Thái Bình trình UBND tỉnh Thái Bình về việc hỗ trợ thiệt hại sau bão số 01 năm 2016 cho hộ nuôi cá lồng trên sông thể hiện việc đề nghị Ủy ban tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí cho hộ ông Phạm Đình Chiểu (xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư) mức hỗ trợ 10.000.000 đồng/ 100m3 lồng, với tổng 74 lồng (7.992 m3 lồng, tỷ lệ thiệt hại trên 70%), tổng số tiền đề nghị hỗ trợ ông Chiểu 799.200.000 đồng. Giám đốc Sở NN&PTNT Thái Bình cho biết, trường hợp gia đình ông Bao chưa thấy có đề nghị, Sở sẽ chỉ đạo cấp dưới rà soát.

img

Ông Chiểu là một nông dân xuất sắc toàn quốc, tấm gương nông dân điển hình của tỉnh Thái Bình. Trong nhà ông có hàng chục bằng khen khác nhau. Ảnh: Trần Dũng.

PV đặt câu hỏi: “Trước đó đã có rà soát chưa thưa ông?”, ông Dụng trả lời: “Trước đấy, có báo cáo của Chi cục Thủy sản nhưng đến thủ tục hỗ trợ đòi hỏi phải chặt chẽ, Sở Tài chính yêu cầu phải có Hội đồng của xã đánh giá thiệt hại, xã báo cáo huyện, huyện trình lên. Làm sao chặt chẽ đúng đối tượng”.

PV hỏi tiếp: “Đơn vị nào tiến hành rà soát thưa ông?”, ông Dụng đáp lời: “Giao cho các huyện, các huyện chỉ đạo các xã tập hợp. Nhưng mà nó cực kỳ nhiều đối tượng. Mà đối tượng đòi hỏi phải hỗ trợ chính xác; khi tập hợp giữa các huyện lại chênh lệch nhau; đã trình đi trình lại, mà yêu cầu là phải tiếp tục rà soát”.

“Cơ quan nào đánh giá thiệt hại của hộ dân?”- PV hỏi. “Trước hết các huyện người ta tập hợp đánh giá từ các xã, báo cáo lên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai của tỉnh. Sau đó là các thủ tục hỗ trợ”, ông Dụng trả lời. 

“Thủ tục gồm những gì thưa ông?”- PV hỏi tiếp. Giám đốc Sở NN&PTNT Thái Bình nói: “Theo quy định phải có biên bản xác nhận mức độ thiệt hại từ cơ sở xã, huyện; có tờ trình của địa phương. Ngoài ra cá nhân có thể có đơn đề nghị riêng”.

PV Dân Việt tiếp tục đặt câu hỏi: “Tỉnh Thái Bình có kế hoạch rà soát thiệt hại do bão số 1 năm 2016 trong bao nhiêu lâu?”. “Việc rà soát làm sao nó đến chuẩn chỉ thì sẽ được ủy ban tỉnh phê duyệt. Rất nhiều người, nhiều đối tượng khác nhau”, ông Dụng hồi đáp.

img

Mới đây, lãnh đạo Sở NN&PTNT Thái Bình đã làm tờ trình gửi UBND tỉnh đề nghị xem xét hỗ trợ hộ ông Chiểu 799.200.000 đồng. Ảnh: Trần Dũng. 

“Liệu rằng rà soát lâu quá sẽ không hỗ trợ kịp thời cho người bị thiệt hại?”- PV đặt vấn đề. Ông Dụng lý giải rằng: “Thí dụ như một mình ông Chiểu chẳng hạn có thể của ông dễ kiểm đếm. Thế nhưng một số đối tượng khác như cây ăn quả, rau ngắn ngày, nhiều lĩnh vực cần phải rà soát, hoàn thiện những thủ tục”.

Giám đốc Sở NN&PTNT Thái Bình khẳng định sau bão số 1 địa phương thiệt hại 2.500 tỉ đồng, được Trung ương hỗ trợ 60 tỉ đồng khắc phục hậu quả bão. Theo tìm hiểu của PV, đã hơn 1 năm qua người dân vẫn phải chờ đợi tiền hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 1. “Việc hỗ trợ phải tổng thể, chính xác nên đang rà soát. Tóm lại, chúng tôi đang hoàn thiện các thủ tục để trình với Ủy ban tỉnh”, ông Dụng nói.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về sự việc…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem