Thái Bình: Vẫn còn Kiểm sát viên còn có biểu hiện phối hợp xuôi chiều
Thái Bình: Vẫn còn Kiểm sát viên có biểu hiện phối hợp xuôi chiều
Bách Thuận
Thứ sáu, ngày 23/06/2023 12:02 PM (GMT+7)
6 tháng đầu năm, công tác kiểm sát ở Thái Bình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thậm chí vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực thì vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Thông tin từ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình, trong 6 tháng đầu năm 2023, các đơn vị trong ngành đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp, bám sát và có sự đổi mới, tích cực đề ra các biện pháp hiệu quả để triển khai thực hiện tốt Chỉ thị công tác năm 2023 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Kế hoạch công tác năm 2023 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh.
Hai cấp đã phối hợp liên ngành xác định 77 vụ án trọng điểm, 1 vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn, tổ chức 17 phiên tòa xét xử trực tuyến theo Nghị quyết 33 của Quốc hội và 6 phiên tòa xét xử lưu động.
Tỷ lệ tạm giữ hình sự chuyển khởi tố đạt 100%; tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, đúng tội danh đều đạt 100%, vượt chỉ tiêu Quốc hội; Viện Kiểm sát trực tiếp khởi tố hình sự 1 vụ án và 1 bị can, hủy bỏ 1 quyết định không khởi tố vụ án hình sự, hủy bỏ quyết định thay đổi quyết định khởi tố 1 vụ án, 1 bị can của Cơ quan điều tra do không đủ căn cứ.
Ông Phạm Viết Vượng - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình thông báo kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: VKSND TB
Cùng với đó đã yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố hình sự 18 vụ án và 15 bị can. Qua kiểm sát đã ban hành 9 kháng nghị, 127 kiến nghị đối với các cơ quan yêu cầu khắc phục vi phạm và 26 kiến nghị với các cơ quan hữu quan đề nghị thực hiện các biện pháp phòng ngừa vi phạm và tội phạm; các vụ án Viện Kiểm sát kháng nghị đã xét xử đều được cấp phúc thẩm chấp nhận đạt vượt chỉ tiêu của Quốc hội và của Ngành giao.
Tuy nhiên, theo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình, bên cạnh những thành quả đạt được vẫn còn những hạn chế, tồn tại trong công tác của cả Viện Kiểm sát hai cấp, đặc biệt trong việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của ngành Kiểm sát Thái Bình và chất lượng công tác kiểm sát trong các lĩnh vực.
Thông tin từ Viện Kiểm sát nhân dân Thái Bình cho biết, vẫn còn để xảy ra việc trả hồ sơ điều tra bổ sung do thiếu chứng cứ, lọt hành vi phạm tội. Kiểm sát viên còn có biểu hiện phối hợp xuôi chiều, thiếu kiên quyết; chất lượng việc nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ của Kiểm sát viên còn hạn chế, nên chất lượng đề xuất đường lối giải quyết vụ, việc chưa cao, chưa thuyết phục.
Mặt khác, tính thực chất, hiệu quả ở một số nội dung công tác còn chưa đảm bảo; chất lượng việc nghiên cứu bản án, quyết định của Tòa án phát hiện vi phạm để ban hành kháng nghị ngang cấp còn hạn chế.
Ông Lại Hợp Mạnh - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình yêu cầu, Viện Kiểm sát hai cấp cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ quan trọng để đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Theo đó, tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các biện pháp đã được đề ra để thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội và nhiệm vụ trọng tâm đột phá của ngành Kiểm sát nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đề ra trong năm 2023.
Cùng với đó, nghiêm túc kiểm điểm, khắc phục ngay những thiếu sót, tồn tại của từng đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ; tập trung đẩy mạnh thực hiện các chỉ tiêu còn yếu, chưa đạt cao bảo đảm hoàn thành tốt chỉ tiêu theo quy định trong các nghị quyết của Quốc hội và của Ngành; không để xảy ra việc thực hiện nhiệm vụ một cách hình thức, qua loa, chiếu lệ, thiếu trách nhiệm.
Tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ cho công chức; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, bản lĩnh nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.