Theo báo Matichon, sáng 18.3, tại cuộc họp thường kỳ Nội các Thái Lan đã nhất trí theo đề xuất của Trung tâm gìn giữ hòa bình và trật tự (CMPO) về việc bãi bỏ Luật tình trạng khẩn cấp tại Bangkok và các khu vực lân cận gồm tỉnh Nonthaburi; huyện Latlumkaeo, tỉnh Pathum Thani; huyện Bangplee, tỉnh Samutprakarn và thay thế bằng sắc luật An ninh nội địa tại các khu vực này, từ ngày 19.03 cho tới ngày 30.04.2014.
CMPO lý giải rằng, hiện nay phong trào biểu tình của Ủy ban cải cách dân chủ nhân dân (PDRC) do ông Suthep Thaugsuban đứng đầu đã lắng dịu, nên nếu tiếp tục áp dụng Luật tình trạng khẩn cấp sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư cũng như hoạt động của ngành du lịch, đặc biệt đối với thủ đô Bangkok.
Trong một diễn biến liên quan, chiều ngày 17.3, đại diện 6 tổ chức độc lập được thành lập theo Hiến pháp Thái Lan, bao gồm Tổ chức Thanh tra nhà nước, Hội đồng Cố vấn kinh tế - xã hội quốc gia, Ủy ban Bầu cử quốc gia, Ủy ban Nhân quyền quốc gia, Ủy ban chống tham nhũng quốc gia và Ủy ban kiểm toán nhà nước, đã nhóm họp để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị trong nước.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck.
Tại cuộc họp, đại diện 6 tổ chức nhất trí rằng trong ngày 18.3 sẽ
trình thư kiến nghị lên Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra và lãnh
đạo PDRC ông Suthep Thaugsuban, về việc thành lập một Ban công tác trung
gian hòa giải gồm 5 thành viên để tìm ra lối thoát cho tình hình bất ổn
chính trị trong nước hiện nay. Sáu tổ chức này nhận định rằng, nếu
Chính phủ và PDRC nhất trí theo đề xuất của họ thì trong vòng một tháng
việc thành lập Ban công tác sẽ hoàn thành để tiến hành các công đoạn
tiếp theo.
Phản ứng về sự kiện nói trên Thủ tướng Thái
Lan Yingluck khẳng định, bà đợi PDRC đề xuất nhân sự trước sau đó phía
Chính phủ sẽ đề xuất nhân sự của mình. Trong khi đó, phát biểu tại sân
khấu biểu tình của PDRC tại công viên Lumpini, Bangkok tối 17.3, ông
Suthep tuyên bố sẽ không chấp nhận theo đề xuất của 6 tổ chức nói trên.
“Đừng mất thời gian cho việc tìm ra người trung gian hòa giải mâu thuẫn
trong nước hiện nay, bởi bà Yingluck và cựu Thủ tướng Thaksin sẽ không
bao giờ chấp nhận “buông” quyền lực trong tay cho người khác”, ông
Suthep tuyên bố.
Ông Suthep viện dẫn rằng bà Yingluck không chấp nhận đề xuất đối thoại trực tiếp công khai với ông thì việc tìm người trung gian để đàm phán giải quyết xung đột cũng không thể xảy ra.
Cùng ngày, trả lời phỏng vấn về các thông tin cho rằng Thủ tướng Yingluck có nguy cơ bị mất chức vì có sai phạm trong chương trình thu mua lúa gạo gây tranh cãi thời gian qua, Thiếu tướng cảnh sát Tawatchai Boonfueng - Phó Thư ký của Thủ tướng Yingluck cho biết, nếu trong trường hợp Thủ tướng Yingluck không thể tiếp tục cầm quyền thì Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Surapong Tovichakchaikul sẽ lên thay thế và tiếp tục điều hành Chính phủ.
Tướng Tawatchai cho biết thêm, tại cuộc họp ngày 2.7.2013, Nội các Thái Lan đã nhất trí bầu ông Surapong là Phó Thủ tướng thứ nhất, do vậy trong trường hợp Thủ tướng Yingluck không thể tiếp tục tại vị thì ông Surapong sẽ lên thay thế.
Xuân Lăng (theo Matichon) (Xuân Lăng (theo Matichon))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.