Căng thẳng Nhật - Trung
Tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc về chủ quyền quần đảo không người Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông không còn là đề tài mới mẻ.
|
Quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư |
Tuy nhiên, trong tuần qua, bầu không khí ngoại giao giữa Tokyo và Bắc Kinh khiến dư luận quốc tế thực sự quan ngại sau sự kiện lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản bắt giữ 14 nhà hoạt động người Trung Quốc trên quần đảo hôm 15.8. Ngay ngày hôm sau, Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản thả ngay lập tức và vô điều kiện 14 người bị bắt giữ.
Trong khi đó, lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã bắt đầu phát triển kế hoạch dự phòng nhằm sẵn sàng đưa ra những hành động đối phó cứng rắn trong trường hợp bị tàu chuyển Trung Quốc xâm phạm lãnh hải.
Theo các chuyên gia xứ anh đào, tàu hải giám Trung Quốc thực chất là tàu chiến. Còn Bộ Quốc phòng thì không loại trừ khả năng Bắc Kinh cho quân đổ bộ lên Senkaku/Điếu Ngư trong tình huống xấu nhất.
Cả Bắc Kinh và Tokyo đều đã triệu các đại sứ của nhau để trao đổi công hàm phản đối về hành động trên quần đảo tranh chấp.
Tuy hai bên đều thể hiện quan điểm hết sức rõ ràng và dứt khoát, song nhiều nhà phân tích cho rằng, tình hình quan hệ hai nước sẽ chẳng đến nỗi nào, chí ít là không tới mức động binh. Lý do là vì Bắc Kinh đang giai đoạn chuẩn bị cho Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, còn Tokyo cũng đang lo lắng về một cuộc tổng tuyển cử sớm.
“Chính phủ hai nước đều đang đau đầu với những vấn đề chính trị nội bộ. Vì thế, họ không có nhiều thời gian cho những mâu thuẫn ngoại giao”, ông Masayuki Masuda thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng Nhật Bản nhận định.
Anh - Ecuador rồi sẽ đến đâu?
Xung đột ngoại giao Anh - Ecuador bùng lên sau sự kiện ngày 16.8, khi Ecuador chính thức tuyên bố cho nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange quyền tị nạn chính trị.
Giải thích cho động thái này, Ngoại trưởng Ecuador Ricardo Patino hôm 16.8 cho biết, ông và chính phủ thực sự quan ngại cho sự an toàn của trùm WikiLeaks vì nguy cơ trở thành nạn nhân khủng bố chính trị.
Ông Patino cho rằng, không loại trừ khả năng ông Assange sẽ bị dẫn độ sang một nước thứ ba mà không kèm theo những đảm bảo phù hợp. Và nếu bị chuyển tới tòa án Mỹ, ông Assange rất có thể phải lãnh án tử hình.
Trước đó ít giờ đồng hồ, Anh lên tiếng cảnh báo, mọi quyết định của Ecuador đối với đơn xin tị nạn của ông Assange sẽ không có tác dụng gì, vì Anh có quyền thu hồi quyền đặc miễn ngoại giao của Đại sứ quán Ecuador tại Lodon.
Hôm 17.8, chính phủ Anh đã ra lệnh tăng cường sự hiện diện của lực lượng cảnh sát bên ngoài tòa nhà Đại sứ quán Ecuador tại thủ đô London nhằm tạo áp lực đối với việc trao trả Julian Assange.
Ngoại trưởng Anh William Hague cảnh báo, việc “chứa chấp nghi phạm và xâm phạm trình tự pháp lý của một quốc gia không phải là chức năng ngoại giao được cho phép”.
“Không có bất cứ ai, kể cả thành viên chính phủ Ecuador, có thể nghi ngờ quyết tâm của chúng tôi trong việc thực hiện lệnh tòa án là dẫn độ ông Assange về Thụy Điển”, ông Hague khẳng định.
Julian Assange xin tị nạn ở Đại sứ quan Ecuador tại London từ hồi cuối tháng Sáu nhằm tránh bị dẫn độ sang Thụy Điển, nơi ông đang bị truy nã vì các cáo buộc xâm hại tình dục.
Israel chuẩn bị “cuộc chiến 30 ngày”
Nối tiếp chuỗi đe dọa từ nhà nước Do Thái, mới đây, Bộ trưởng An ninh Nội địa sắp mãn nhiệm của Israel - ông Matan Vilnai cảnh báo, một cuộc tấn công chống Iran có thể sẽ kéo dài 30 ngày, cướp đi hàng nghìn sinh mạng dân thường.
Tuy nhiên, ông Matan cũng lường trước rằng, Iran sẽ không giật mình nếu bị Israel tấn công, và họ sẽ tung nhiều đòn đáp trả, tạo nên cuộc xung đột đẫm máu.
Ông Matan cho biết, hậu phương thời chiến của Israel đã sẵn sàng và nước này đã chuẩn bị cho khả năng hàng trăm rocket, tên lửa rơi xuống các trung tâm dân cư mỗi ngày.
Trước đó, hôm 12.8, Israel lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế cần đưa ra tối hậu thư đối với Iran “trong một vài tuần tới” nhằm sớm dập tắt tham vọng sản xuất bom nguyên tử của quốc gia Hồi giáo này.
Cùng ngày, tại cuộc họp nội các hàng tuần, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố: “Mọi mối đe dọa đối với hậu phương đều phải bị đẩy lùi. Iran không được phép sở hữu vũ khí hạt nhân”.
Thu Thảo (tổng hợp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.