Thiên tai hoành hành
Ít nhất 172 người đã thiệt mạng trong trận lũ quét khủng khiếp tại vùng Krasnodar, miền nam nước Nga, trong đó thành phố Krymsk là mảnh đất chịu hậu quả nặng nề hơn cả.
|
Nắng nóng thiêu đốt nước Mỹ. |
Đây được coi là trận lũ tồi tệ nhất ở Nga trong vòng 70 năm qua. Lũ xảy ra nhanh, mạnh và đúng vào lúc nửa đêm, khi mọi người còn đang say giấc nhưng không dễ trở tay kịp. Phần lớn nạn nhân chết vì ngạt nước, lũ cuốn và lở đất.
Sau vụ việc, người đứng đầu thành phố Krymsk, ông Vasily Krutko, đã bị cách chức vì cáo buộc lơ là trách nhiệm, không xử lý tình huống linh hoạt, khiến danh sách nạn nhân thương vong quá dài.
Cùng chung tình cảnh với Nga, từ nhiều ngày nay, lũ lớn đã lần lượt tấn công nhiều quận, thành phố và bang ở Ấn Độ, khiến ít nhất 121 người thiệt mạng.
Lũ cũng tràn vào Công viên Quốc gia Kaziranga nổi tiếng. Được biết, hơn 540 con vật quý, trong đó có 13 tê giác đã chết vì lũ cuốn.
Trái ngược hoàn toàn với những gì đã diễn ra tại Nga và Ấn Độ, nước Mỹ thời gian qua phải hứng chịu một đợt nắng nóng, hạn hán lịch sử, khi nhiệt độ có nơi lên tới 46 độ C.
Nắng nóng khiến 42 người thiệt mạng, chủ yếu là đối tượng người già và trẻ em. Thời tiết khắc nghiệt còn làm hoa màu khô héo, đường sá bốc hơi, thậm chí có đoạn bị oằn cong.
Nhiều thành phố đã mở các trung tâm hạ nhiệt và kéo dài thời gian mở cửa các bể bơi công cộng, phục vụ cư dân.
Những diễn biến thời tiết bất thường nói trên một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu.
“Nhân họa” tác oai
Mở màn chuỗi “nhân họa” tuần qua là vụ công ty Buona của Mỹ tiến hành thu hồi hơn 136.000 kg thịt bò viên, gà đông lạnh nhiễm khuẩn hình que, có nguy cơ gây bệnh cho người tiêu dùng.
Các chuyên gia cho biết, người nhiễm vi khuẩn hình que sẽ có những biểu hiện là tiêu chảy, sốt, đau cơ và có khả năng dẫn tới tử vong.
Hồi năm ngoái, tại Mỹ, đã có tới hơn 30 thiệt mạng do ăn phải dưa tây nhiễm khuẩn hình que.
Hiện, vẫn chưa có thông tin nào về các trường hợp nạn nhân liên quan tới lô thực phẩm đông lạnh không đảm bảo của Buona Vita.
Cũng trong tuần qua, Trung Quốc tiếp tục là tâm điểm của bê bối vệ sinh an toàn thực phẩm.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, cảnh sát nước này đã bắt giữ 6 đối tượng vì hành vi trộn các hóa chất độc là axit hydrochloric và ormaldehyde vào 13 nhãn hiệu bia giả và rồi đem bán ở tỉnh Cát Lâm và các khu vực lân cận như: Liêu Ninh, Hắc Long Giang và Nội Mông.
Sản xuất bia giả độc hại bắt đầu từ hồi tháng Hai sau khi một người đàn ông họ Jia ký hợp đồng phụ với nhà máy giải khát Xinxin ở thành phố Shuangliao hồi tháng 10 năm ngoái.
Mục đích của việc pha thêm hóa chất là nhằm kéo dài thời gian bảo quản và khiến bia có mùi vị hấp dẫn hơn.
Kế đến là vụ ngộ độc thực phẩm khiến 83 người phải nhập viện tức tốc ở thành phố Lai Tân, Khu tư trị Dân tộc Choang Quảng Tây.
Báo giới Trung Quốc đưa tin, các nạn nhân, trong đó có cả trẻ em, đã xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy… sau khi ăn phải loại bún nghi nhiễm độc.
Hôm 9.7, các cơ quan chức năng đã xác định, toàn bộ số “bún bẩn” đều có chung nguồn gốc từ một cơ sở sản xuất. Trong ngày hôm đó, cơ sở đã tiêu thụ được 645/660kg bún làm ra.
Chính quyền thành phố Lai Tân đã niêm phong cơ sở sản xuất trên, đồng thời tiến hành rà soát, thu hồi lượng bún đã tung ra thị trường. Công tác điều tra cặn kẽ vụ việc đang được tiến hành.
Trước đó, thế giới đã từng biết tới những bê bối thực phẩm rùng rợn khách tại đất nước tỷ dân như: sữa nhiễm melamine, dầu ăn từ nước cống, tai lợn giả, huyết vịt giả…
Thu Thảo (tổng hợp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.