Thái Nguyên: Các "nhà" bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong trong sản xuất, tiêu thụ nông sản

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ năm, ngày 10/06/2021 13:42 PM (GMT+7)
Tại hội nghị giữa Sở NN&PTNT, Hội Nông dân và Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, nhiều giải pháp thiết thực nhằm phối hợp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiệu quả đã được đưa ra.
Bình luận 0

Ngày 9/6 vừa qua, Sở NN&PTNT Thái Nguyên đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên, Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên tổ chức hội nghị bàn giải pháp phối hợp thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Thái Nguyên: Bàn giải pháp phối hợp, tháo gỡ khó khăn trong phát triển sản xuất nông nghiệp  - Ảnh 1.

Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong phát triển sản xuất nông nghiệp giữa 3 đơn vị: Sở NN&PTNT Thái Nguyên, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên, Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên)

Tại hội nghị, 3 đơn vị đã thống nhất về việc tăng cường phối hợp trong công tác thông tin tuyên truyền, cung cấp thông tin và đào tạo huấn luyện.

Đồng thời, phối hợp xây dựng các mô hình để tổng kết, đánh giá nhân rộng các mô hình hiệu quả; phối hợp xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Đặc biệt, 3 đơn vị đã tập trung bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất rau giữa bối cảnh dịch Covid-19 và định hướng phát triển trong thời gian tới.

Theo thống kê, diện tích gieo trồng rau các loại trên địa bàn toàn tỉnh Thái Nguyên hằng năm đạt trên 14.700ha. Sản lượng rau đạt khoảng 260.400 tấn, năng suất bình quân đạt 177 tạ/ha.

Giá trị sản xuất rau ước đạt 1.600 tỷ đồng (tính theo giá hiện hành), chiếm 13% tổng giá trị sản xuất của ngành trồng trọt.

Sản lượng rau có xu hướng tăng qua các năm gần đây và tăng chủ yếu trong vụ Đông Xuân. Sản lượng rau năm sau cao hơn năm trước bình quân khoảng 5%.

Trong đó, diện tích trồng rau các loại vụ Đông Xuân đạt trên 11.100ha, sản lượng 200.719 tấn, năng suất 180 tạ/ha. Diện tích vụ Mùa đạt khoảng 3.600ha, sản lượng 59.047 tấn, năng suất 166 tạ/ha.

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện đã hình thành một số vùng sản xuất rau tập trung như: Vùng rau Linh Sơn, Huống Thượng, Đồng Liên (TP.Thái nguyên); Nhã Lộng (huyện Phú Bình); thị trấn Hùng Sơn (huyện Đại Từ); Động Đạt (huyện Phú Lương); Đông Cao (TX.Phổ Yên)… với tổng diện tích các vùng ước đạt 2.176ha.

Trong đó, vùng sản xuất rau tập trung, chuyên canh, sản xuất rau an toàn áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, sản xuất ứng dụng công nghệ cao có diện tích 334ha, góp phần tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm.

Thái Nguyên: Bàn giải pháp phối hợp, tháo gỡ khó khăn trong phát triển sản xuất nông nghiệp  - Ảnh 2.

Vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Sản lượng rau tiêu thụ trong tỉnh chiếm khoảng 85 - 90%, đáp ứng được trên 60% nhu cầu tiêu dùng (tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, qua các thương lái, doanh nghiệp tư nhân thu mua gom…).

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ ở hầu khắp các huyện, thành phố, thị xã, có nhiều khu công nghiệp, nhiều trường đại học và các bếp ăn tập thể của các cấp trường học, bệnh viện,… Do đó, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tương đối lớn và ổn định, đây là thị trường tiềm năng và lợi thế. 

Đến nay, đã có 5 chuỗi cung ứng sản phẩm rau an toàn được hướng dẫn, hỗ trợ cấp xác nhận, trong đó chủ yếu cung cấp cho hệ thống quầy hàng bán lẻ và các bếp ăn tập thể, định kỳ giám sát các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và quản lý việc sử dụng tem xác nhận điện tử truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR code.

Tuy nhiên hiện nay việc đầu tư vào sản xuất, kinh doanh rau trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn chậm phát triển. Toàn tỉnh hiện mới có 9 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh rau, nấm. Hầu hết sản phẩm rau của tỉnh chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc.

Đặc biệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các bếp ăn tập thể, các trường đại học chuyển sang học trực tuyến, các dịch vụ ăn uống giảm nhu cầu tiêu thụ... ảnh hưởng nhiều đến giá bán rau các loại, đặc biệt ảnh hưởng lớn đến các chuỗi cung ứng rau an toàn trong tỉnh.

Thực tế cho thấy, khó khăn cơ bản hiện nay trong sản xuất rau ở Thái Nguyên là chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, chưa được cải thiện nhiều về an toàn thực phẩm, sơ chế, bao gói, thương hiệu, nhãn mác hàng hoá…

Phương thức sản xuất, kinh doanh còn nhỏ lẻ, đã hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm rau trên địa bàn tỉnh nhưng liên kết chưa chặt chẽ, thiếu chủ động, chưa đáp ứng được yêu cầu và tốc độ tăng trưởng thương mại ngành rau ngày càng cao như hiện nay.

Do đó, định hướng của ngành nông nghiệp Thái Nguyên đến năm 2030 là tập trung phát triển một số vùng sản xuất rau tập trung tại TP.Thái Nguyên, TP.Sông Công, TX.Phổ Yên, huyện Phú Bình, huyện Đại Từ…

Bên cạnh đó, mở rộng diện tích sản xuất rau tập trung, chuyên canh được áp dụng quy trình sản xuất an toàn, hữu cơ đến năm 2025 phấn đấu đạt 500ha trở lên, đến năm 2030 đạt 800ha trở lên.

Kết hợp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ rau trên địa bàn tỉnh.

Thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể để đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ gắn với xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, mã định danh đối với các vùng sản xuất rau hàng hóa có khả năng, tiềm năng xuất khẩu...

Đồng thời, huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư, ưu tiên cho phát triển các vùng sản xuất sản phẩm rau hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đảm bảo hiệu quả và bền vững gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem