Có vốn yên tâm làm ăn
Trong thời gian qua, để nguồn vốn Quỹ HTND được sử dụng một cách đúng mục đích và đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao, các cấp Hội ND trên địa bàn huyện Phú Bình đã phối hợp với các ngành liên quan cũng như chính quyền địa phương khảo sát địa bàn nhằm cho vay đúng đối tượng.
Nông dân xã Tân Thành, huyện Phú Bình vay vốn Quỹ HTND đầu tư mở rộng nghề nuôi ngựa bạch. Ảnh: Văn Thanh
Thông qua hoạt động của quỹ, Hội ND huyện Phú Bình hướng tới thành lập 35 tổ liên kết sản xuất với 875 thành viên. Các tổ liên kết này hoạt động thường xuyên có sự gắn kết với nhau trong sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ nhau về giống, kiến thức.
|
Bên cạnh việc giải ngân vốn, Hội ND còn phối hợp hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt cho các hộ gia đình có nhu cầu sử dụng vốn. Hoạt động này của Hội đã góp phần xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Điển hình là mô hình chăn nuôi ngựa bạch ở xã Tân Thành, mô hình nuôi gà mái đẻ ở xã Tân Khánh, mô hình làm tương nếp truyền thống ở xã Úc Kỳ…
Gia đình ông Nguyễn Văn Tuyên (ở xóm Cà, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình) là 1 trong số 10 thành viên của HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Thịnh được hỗ trợ nguồn vốn vay từ Quỹ HTND để phát triển thương hiệu gà đồi theo hướng an toàn sinh học mỗi năm thu về trên dưới 200 triệu đồng tiền lãi. Được hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay Quỹ HTND của Hội ND huyện Phú Bình, gia đình ông Tuyên đã từng bước mở rộng và phát triển mô hình gà đồi, mang về thu nhập ổn định.
Ông Tuyên cho biết: “Dù nguồn vốn vay không lớn so với quy mô trang trại của gia đình, nhưng với nguồn vốn này đã giúp gia đình tôi có thêm điều kiện để tiếp tục đầu tư vào sản xuất và kinh doanh. Không chỉ như vậy, khi tham gia vào dự án, gia đình tôi còn được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi cũng như cách phòng dịch bệnh cho đàn gà và quan trọng hơn. Có thêm đồng vốn, bản thân tôi thấy gắn kết, hiểu về Hội ND hơn...”.
Đến nay, diện tích chăn nuôi của gia đình ông Tuyên khoảng 1,5ha trong đó có 750m2 là diện tích chuồng trại nuôi gà đồi. Trung bình mỗi lứa gia đình ông Tuyên nuôi khoảng 6.000 con gà, vừa gà giống vừa gà thịt. Mỗi năm gia đình ông xuất bán từ 10.000 - 20.000 con gà thịt thương phẩm mang về doanh thu từ 1 - 1,2 tỷ đồng/năm. Sau khi đã trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông lãi khoảng 200 triệu đồng.
Chú trọng xây dựng, tăng trưởng nguồn vốn
Cũng nhận được nguồn hỗ trợ vay vốn từ Quỹ HTND huyện Phú Bình, gia đình ông Nguyễn Văn Đường (ở tổ 3, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình) phát triển hiệu quả mô hình lò ấp trứng gà với 28 lò ấp có công suất 15.000 trứng/lò.
Hiện nay, ông Đường còn đầu tư thêm diện tích 10.000m 2 trang trại và đang nuôi 6.000 con gà mái đẻ phục vụ nhu cầu ấp nở trứng của gia đình. Trung bình một năm 28 lò ấp trứng của gia đình ông Đường cho sản lượng khoảng 5,04 triệu quả trứng, tương đương với 4,03 triệu con gà giống. Mỗi năm doanh thu từ ấp trứng gà và bán con giống gia cầm của gia đình ông lên tới 2,5 - 3 tỷ đồng.
Bà Dương Thị Sâm - Chủ tịch Hội ND huyện Phú Bình cho biết: Hội ND huyện đang quản lý, sử dụng nguồn vốn Quỹ HTND với quy mô hơn 4,72 tỷ đồng cho 143 hộ vay, trong đó nguồn vốn quỹ cấp huyện là 565 triệu đồng, giúp cho 21 hội viên vay để đầu tư cải tạo, phát triển vườn đồi, cây ăn quả, tập trung tại 3 xã: Nga My, Lương Phú, Bảo Lý. Nguồn vốn Trung ương Hội NDVN và nguồn của tỉnh ủy thác là hơn 4,15 tỷ đồng cho 112 hộ vay.
Theo bà Dương Thị Sâm, từ khi thực hiện đề án “Xây dựng, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND huyện Phú Bình giai đoạn 2016 - 2020” hoạt động của Hội đã có những bước phát triển mới, tác động tích cực đến các phong trào nông dân, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Đặc biệt, thông qua Quỹ HTND, các cấp Hội đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động. Vốn Quỹ HTND hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển sản xuất kinh doanh theo mô hình, dự án có sự liên kết. Thông qua hoạt động của quỹ, Hội ND huyện hướng tới thành lập 35 tổ liên kết sản xuất với 875 thành viên. Các tổ liên kết này hoạt động thường xuyên có sự gắn kết với nhau trong sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ nhau về giống, kiến thức.
Đặc biệt quỹ đã giúp đỡ hội viên nâng cao quy mô sản xuất, phát triển hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn, tạo việc làm và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khai thác tiềm năng thế mạnh từng vùng, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống hội viên, nông dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.