Nhìn lại chặng đường 10 năm của chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, cũng như các địa phương khác trên cả nước, huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) đã không ngừng nỗ lực để có được những thành quả vững chắc như ngày hôm nay.
Đường trục xóm, liên xóm được nâng cấp, cải tạo mới.
Bước vào thực hiện chương trình nông thôn mới năm 2010, ngoài việc thừa hưởng những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước và một số thuận lợi trong phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây chè thì huyện miền núi này cũng đứng trước không ít khó khăn. Tuy nhiên, trước những thách thức đó, huyện Đại Từ đã từng bước khắc phục và hoàn thiện trên cơ sở sự lãnh đạo, điều hành của các cấp, các ngành để đưa địa phương vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi và hiệu quả chương trình mục tiêu Quốc gia.
Với mục tiêu hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới trước năm 2020, huyện Đại Từ đang tập trung mọi nguồn lực, đặc biệt phát huy nội lực, từng bước tiến tới mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới. Xác định người dân là chủ thể của phong trào xây dựng nông thôn mới, ngay từ khi bắt tay vào triển khai thực hiện chương trình, huyện luôn tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình. Đồng thời,thành lập các ban vận động trong đó thành viên là những người có uy tín để cùng với chính quyền địa phương tuyên truyềnđến từng hộ gia đình, từng người dân chung tay hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, mỗi người dân đều cảm thấy mình là chủ thể và tích cực tham gia đóng góp vào công cuộc xây dựng phong trào.
Tiêu biểu trong việc phát huy sức dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới phải kể đến xã Tiên Hội,là địa phương về đích nông thôn mới năm 2015, mặc dù không phải là xã điểm nhưng đến năm 2018 xã đã được lựa chọn là xã nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Thái Nguyên. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức để địa phương tiếp tục hoàn thành và nâng cao những tiêu chí đã đạt, đưa xã trở thành địa phương điển hình về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Để có được những thành công đó phải kể đến công tác tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân, đồng thời thực hiện tốt công tác công khai, dân chủ, bàn bạc lấy ý kiến trong nhân dân. Nhờ đó, người dân luôn tham gia hưởng ứng nhiệt tình thông qua việc hiến đất, đóng góp tiền của và sức lao động trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, xã đã khởi công xây dựng mới 3 nhà văn hóa xóm với tổng kinh phí dự kiến 1,3 tỷ đồng trong đó nhân dân đóng góp 600 triệu đồng.
Xã Tiên Hội hôm nay đã có nhiều đổi thay đáng kể với nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp, phát triển chủ yếu là cây chè xen canh với cây ăn quả tạo nên một diện mạo nông thôn hoàn toàn đa dạng.
Nhìn lại diện mạo nông thôn mới của Đại Từ sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình, bộ mặt nông thôn mới của Đại Từ đã khởi sắc từng ngày. Qua đó, huyện Đại Từ đã có những bước tiến vững chắc và đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Mô hình kinh tế nông nghiệp phát triển trồng chè tạo nên một diện mạo nông thôn hoàn toàn đa dạng.
Trong 10 năm qua, toàn huyện đã xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp trên 250km đường trục xã liên xã, trên 500km đường trục xóm, liên xóm, đường ngõ xóm và nội đồng; xây dựng mới 26 nhà văn hóa xã, 270 nhà văn hóa xóm được xây mới, nâng cấp và cải tạo đáp ứng tiêu chí nông thôn mới. Đến nay đã có 22/28 xã đạt tiêu chí giao thông, 16/28 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa.
Không chỉ có vậy, Đại Từ còn là huyện có xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên, đồng thời là huyện có lượng xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nhiều nhất tỉnh. Để ghi nhận những kết quả đã đạt được, sau 5 năm tổng kết chương trình, huyện Đại Từ đã được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua.
Đánh giá về những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, ông Đỗ Xuân Hòa – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã có 15/28 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, năm 2019 có 3 xã đăng ký về đích nông thôn mới. Điều nổi bật hơn cả trong quá trình xây dựng nông thôn mới là thành quả về kết cấu hạ tầng. Trung bình mỗi năm huyện Đại Từ tiêu thụ 300 tấn xi măng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, bởi vậy huyện luôn là địa phương dẫn đầu trong việc tiêu thụ xi măng của tỉnh.
Ngoài ra, cũng theo ông Hòa, để có được những những thành quả như hôm nay là nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị trong đó phải kể đến những đóng góp đáng kể của người dân, việc tham gia hiến đất, đóng góp công sức làm đường giao thông nông thôn góp phần hiệu quả vào sự thắng lợi của chương trình mục tiêu Quốc gia của huyện trong suốt 10 năm qua.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.