Thai phụ vỡ tử cung do phá thai tại phòng khám tư?
Thai phụ vỡ tử cung do phá thai tại phòng khám tư?
Thứ bảy, ngày 31/12/2022 17:14 PM (GMT+7)
Thai phụ Nguyễn Thị T. (35 tuổi) được chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội trong tình trạng đã gắp thai một phần và chảy máu nhiều khi thực hiện phá thai 14 tuần tuổi tại một phòng khám tư nhân tại Hải Dương.
Phá thai nguy hiểm nhưng nhiều phụ nữ vẫn chủ quan
Tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, khi khám cấp cứu cho thai phụ T., bác sĩ nhận thấy âm đạo chảy máu nhiều, cổ tử cung hé, tử cung to tương đương thai 3 tháng. Ê kip ThS.BSCKII Trần Ngọc Đính - Trưởng khoa Tự nguyện D5 và BS. Nguyễn Thế Vũ nhận định tổn thương tử cung do phá thai nên lập tức quyết định nhanh chóng mổ cấp cứu cho thai phụ T.
Trong quá trình mổ, các bác sĩ phát hiện tử cung đã vỡ, có khối máu tụ 4x5cm lan xuống bàng quang, mặt sau tử cung có 2 đường rách từ thân xuống ống cổ. Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành xử trí chuyên môn, khâu cầm máu thắt động mạch tử cung hai bên. Hiện tại người bệnh đã ổn định.
Phá thai là tác động trực tiếp vào buồng tử cung, có nhiều nguy cơ gây chảy máu, nhiễm khuẩn, viêm phần phụ, một số trường hợp thủng tử cung hay dính buồng tử cung .
ThS. BSCKII. Trần Ngọc Đính khuyến cáo với phụ nữ: "Đối với các trường hợp thai to cần chấm dứt thai kỳ, chị em nên thực hiện thủ thuật tại các bệnh viện chuyên khoa được cấp phép thực hiện thủ thuật này. Như trường hợp chị T., nếu không được cấp cứu kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng".
Biến chứng có thể xảy ra khi phá thai
Phá thai là một thủ thuật nhằm chấm dứt thai kỳ. Nó có thể được thực hiện theo hai cách khác nhau như:
Phá thai bằng thuốc, sử dụng thuốc để chấm dứt thai kỳ. Đôi khi nó được gọi là "phá thai nội khoa" hoặc "phá thai bằng thuốc" thường được thực hiện trong 10 tuần đầu tiên của thai kỳ. Thủ thuật phá thai, thủ thuật lấy thai ra khỏi tử cung. Nó đôi khi được gọi là "phẫu thuật phá thai."
Theo Tiến sĩ Frances Casey, chuyên gia sản phụ khoa, Bệnh viện Đại học Winthrop: Biến chứng hiếm khi xảy ra với phá thai hợp pháp (biến chứng nghiêm trọng < 1%; tỷ lệ tử vong < <1/100.000). Tuy nhiên, tỷ lệ biến chứng tăng lên khi tuổi thai nhi tăng lên và các biến chứng nặng sớm chủ yếu bao gồm:
Thủng tử cung (0,1%) hoặc ít thường xuyên hơn, ruột hoặc cơ quan khác do dụng cụ Xuất huyết chủ yếu (0,06%) có thể là do chấn thương hoặc tử cung mất trương lực Vết rách cổ tử cung (0,1 đến 1%), thường là vết rách ở cổ tử cung nhưng có thể nghiêm trọng hơn và cần phải sửa chữa Gây tê toàn thân hay gây tê tại chỗ ít gây biến chứng nghiêm trọng.
Các biến chứng thường xảy ra nhất bao gồm: Chảy máu và nhiễm trùng nặng (0,1 đến 2%). Những biến chứng này thường xảy ra do mảnh bánh rau được giữ lại. Nếu xuất hiện chảy máu hoặc nghi ngờ nhiễm trùng, siêu âm khung chậu sẽ được thực hiện; các mảnh vỡ nhau thai có thể được nhìn thấy trên siêu âm.
Viêm nhẹ sẽ được theo dõi thêm nhưng nếu nhiễm trùng ở mức trung bình hoặc trầm trọng thì viêm phúc mạc hoặc nhiễm trùng huyết có thể xảy ra. Mất khả năng sinh đẻ có thể là kết quả của chứng dính buồng tử cung (hội chứng Asherman) hoặc xơ hoá vòi tử cung do nhiễm trùng. Nong giãn cổ tử cung mạnh có thể làm cho cổ tử cung yếu không đủ sức giữ thai ở những lần có thai sau. Tuy nhiên, phá thai bằng thuốc có thể không làm tăng nguy cơ cho thai nhi hoặc người phụ nữ trong những lần mang thai tiếp theo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.