Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Kim Giác – Ngân Giác: hai đồng tử của Lão Quân
Kim Giác – Ngân Giác chính là hai đồng tử coi lò luyện đan của Thái Thượng Lão Quân, từng chịu hậu quả liên đới trong lần Tề Thiên đạp đổ lò bát quái, phá cung Đâu Suất. Tây Du Ký viết cặp đôi này trộm 5 bửu bối của Lão Quân, là Hồng Hồ Lô, Ngọc Tịnh Bình, Thất Tinh Kiếm, Quạt Ba Tiêu và Hoàng kim Thằng, trốn xuống trần xưng bá tại núi Bình Đỉnh, động Liên Hoa. Kim Giác – Ngân Giác từng bắt được Bát Giới, rồi Đường Tăng, Sa Tăng. Và Ngộ Không sau nhiều lần giao chiến, triển đủ loại mưu mẹo thì mới thu phục được cặp đôi này, nhốt trong Hồ lô và Tịnh Bình.
Thái Thượng Lão Quân – đạo diễn của 3 kiếp nạn lớn nhất với thầy trò Đường Tăng?
Tuy nhiên, ngay sau khi thầy trò Ngộ Không vượt qua được kiếp nạn Kim Giác – Ngân Giác thì bỗng đâu Thái Thượng Lão Quân xuất hiện: “Thầy trò đi một đỗi, thấy một người mù ngồi bên lộ nắm cương ngựa Tam Tạng mà nói rằng: - Hòa Thượng trả bửu bối cho ta, thì mới đi đặng. Tôn Hành Giả biết là Thái Thượng Lão Quân biến hóa, liền bái. Thái Thượng hiện lên mây nói rằng: - Tôn Hành Giả, trả bửu bối cho ta”.
Đoạn đối thoại giữa Ngộ Không và Thái Thượng Lão Quân sau đó hé lộ cho chúng ta nhiều điều đáng suy ngẫm: “Thái Thượng nói: - Hồng hồ lô là bầu ta đựng thuốc, Tịnh bình là bầu ta đựng nước, gươm Thất tinh là đồ ta trộn thuốc, Ba Tiêu phiến là đồ quạt lửa, Hoàng kim thằng là dây đai lưng của ta; còn Kim Giác là đồng tử coi lò vàng, Ngân Giác là đồng tử coi lò bạc. Bởi chúng nó ăn cắp năm báu ấy, xuống trung giới làm yêu, ta tìm không được. Nay ngươi bắt đặng thì thành công phải trả lại cho ta hết thảy”
Tôn Hành Giả nói: - Ông không nghiêm cấm, thả gia tướng làm yêu, e không khỏi phạm luật. Thái Thượng nói: - Ta chẳng can chi hết. Ấy là tại hoạn nạn của thầy trò các ngươi, nếu không vậy sao thành chánh quả”. Thái Thượng Lão Quân thâu năm báu, đổ Hồ lô và Tịnh bình, có hai ngọn hào quang sáng bay ra, Thái Thượng chỉ một cái, hiện ra hai vị đồng tử như thường, đồng về cung Ðâu Suất.
Kim Giác -Ngân Giác, hai đồng tử coi lò của Lão Quân, trốn xuống trần làm yêu, suýt nữa đã ăn thịt Đường Tăng.
Thật khó có thể nói, một nhân vật bậc nhất Đạo giáo như Thái thượng Lão Quân lại không biết chuyện cấp dưới của mình xuống trần làm loạn. Tại sao Lão Quân không xuất hiện ở bất kì thời điểm nào trước đó, mà chỉ ra mặt đòi người đòi vật khi Ngộ Không đã thu phục được Kim Giác – Ngân Giác và “ôm trọn” 5 bửu bối. Hoàn toàn có thể suy luận, Lão Quân đã sớm biết trước chân giả, nhưng để mặc cho Ngộ Không vùng vẫy và chỉ xuất đầu lộ diện khi sự đã rồi theo hướng bất lợi cho bản thân.
Cách Lão Quân trả lời Ngộ Không khi chàng Khỉ chất vất mình cũng không cho thấy một chút gì trách nhiệm khi cấp dưới mình làm chuyện sai trái. Nói thẳng, là phủi sạch sự liên quan của bản thân. Lão Quân ra mặt chẳng qua là đòi vật báu và giải thoát cho Kim Giác – Ngân Giác bị nhốt trong Bình và Hồ Lô bởi nếu để chậm trễ thêm 2 đồng tử này cầm chắc cái chết.
Thanh Ngưu Quái – trâu cưỡi của Lão Quân
Thanh Ngưu Quái nguyên là con trâu xanh, vật cưỡi của Thái Thượng Lão Quân, trộm Kim Cang Trát xuống trần hóa làm yêu tinh Ðộc Giác Tỉ hùng cứ ở động Kim Đâu. Yêu tinh trâu xanh lừa bắt được Đường Tăng, Bát Giới và Sa Tăng và nhờ bửi bối Kim Cang Trác mà khiến Ngộ Không năm lần bảy lượt thua chạy.
Thanh Ngưu Quái từng khiến Ngộ Không, thiên binh thiên tướng nhiều phen trầy vi tróc vẩy – vốn là con trâu (xanh) mà Lão Quân thường cưỡi.
Kim Cang Trát là một chiếc vòng hộ thân của Thái Thượng Lão Quân, không kị ngũ hành, có thể thâu mọi bảo vật. Hơn 500 năm trước khi giao chiến với Thanh Ngưu Quái, Ngộ Không đã sớm được “nếm mùi” của Kim Cang Trát rồi. Bởi trong lần đánh với Nhị Lang thần Dương Tiễn, Thái Thượng Lão Quân đã ném Kim Cang Trát trúng đầu Tề Thiên khiến chàng Khỉ té xụi mà bị bắt sống.
Nhờ Kim Cang Trát, Thanh Ngưu Quái nhiều lần thâu được gậy Như Ý của Ngộ Không, rồi đủ loại vũ khí của thiên binh thiên tướng, lửa của Hỏa Ðức tinh quân, nước của Thủy Ðức tinh quân đến ngay cả hột kim đơn sa của Như Lai Phật Tổ giao cho Thập bát La Hán đến ứng giúp cũng chịu chung số phận. Sau Hàng Long - Phục Hổ truyền lại lời của Như Lai bảo Ngộ Không đến cung Đâu Suất tìm Thái Thượng Lão Quân, thì mới qua được kiếp nạn này.
Sau khi Thái thượng Lão quân phát hiện đồng tử chăn châu “xơi” linh đơn mà ngủ quên để Thanh Ngưu thừa cơ trộm Kim Cang Trát rồi trốn mất, Tôn Hành Giả mới nói: - Nó ở động Kim Ðâu, bắt thầy tôi và hai sư đệ, lại thâu thiết bảng và các bữu bối của Lý Thiên Vương, Hỏa đức tinh quân, Na Tra thái tử. Phật Tổ sai Thập Bát La Hán đem mười tám hột Kim đơn sa quăng nó, nó cũng thâu luôn. Như vậy thì ông thả trâu ra phá đời và hại người cướp của như vậy, chẳng hay có tội hay chăng?”.
Thiết Phiến Công Chúa sở hữu quạt Ba Tiêu thứ hai, có mối quan hệ sâu sắc với Lão Quân.
Lão Quân nói: - Kim cang trát bất quá là vật trừ yêu, ta hồi nhỏ dùng phép ấy mà trừ yêu quái, tuy là thần thông như vậy, song chẳng bao nhiêu. Nếu nó ăn cắp cây quạt Ba tiêu, thì ta không biết dùng phép chi mà bắt nó. Nói rồi lấy quạt ra đi”. Tuyệt nhiên, trong đoạn hội thoại với Ngộ Không, không một lần Lão Quân thừa nhận trách nhiệm của bản thân khi quản người không chặt, để cấp dưới làm loạn dưới trần gian.
Dĩ nhiên với sự xuất hiện của Lão Quân thì Thanh Ngưu hết đường chống đỡ: “Lão Quân quạt một cái, Ðộc giác Tỉ lấy chiếc vòng quăng lên, Lão Quân thâu rồi, lại quạt tiếp nữa. Ðộc giác Tỉ tay chơn bủn rủn, liền hiện nguyên hình. Lão Quân lấy Kim cang trát thổi một hơi thành ra cây móc, xỏ vào mũi Thanh ngưu, mở dây đai buộc lại, rồi từ giã chư thần, dắt trâu về cung Ðâu Suất”.
Vậy là hệt như Kim Giác – Ngân Giác, Thái Thượng Lão Quân nhanh nhảu đưa “phản đồ” về cung Đâu Suất. Không hề tỏ ra một chút gì là có lỗi, nhận trách nhiệm hay có ý định xử phạt cấp dưới làm chuyện xằng bậy. Xem ra, quả là chuyện đáng ngờ vậy.
Kiếp nạn Hỏa Diệm Sơn và Thiết Phiến Công Chúa
Hỏa Diệm Sơn là do Tôn Ngộ Không trong lần đạp đổ lò bát quái ở cung Đâu Suất để thoát thân hơn 500 năm trước mà có. Đạo sĩ giữ lò nhân sự vụ đấy sau bị đày xuống trần làm Thổ Địa Hỏa Diệm Sơn, cùng thời điểm với sự xuất hiện của Thiết Phiến Công Chúa. Ngô Thừa Ân không viết rõ nguồn gốc xuất thân của Thiết Phiến, chỉ biết nàng La Sát từng là một tiên cô trên trời, sở hữu bửu bối Quạt Ba Tiêu.
Ngộ Không nhiều lần bảy tỏ sự nghi ngờ và chất vấn Lão Quân, nhưng vị thần bậc nhất Đạo Giáo này luôn chối bỏ trách nhiệm.
Phải đến kiếp nạn Hỏa Diệm Sơn của thầy trò Đường Tăng, chúng ta mới biết được rằng Quạt Ba Tiêu có 2 chiếc, một của Thái Thượng Lão Quân (từng bị Kim Giáp – Ngân Giáp “chôm” khi trốn xuống trần gian), một bản khác là “của gia bảo” của Thiết Phiến. Quạt Ba Tiêu sanh tại núi Côn Luân, từ thuở khai thiên lập địa. Thiết Phiến Công Chúa dù xuất thân là tiên trên trời nhưng “thâm niên” tu luyện kém rất xa Lão Quân – vốn sinh ra trước cả Trời Đất, không có chuyện là người cùng thời với Tam Thanh được. Nên chuyện nàng ta cũng sở hữu Quạt Ba Tiêu, đơn giản, là do chính Lão Quân ban cho mà thôi.
Quan hệ giữa Lão Quân và nàng La Sát cụ thể như nào chẳng ai dám đoán định, chỉ biết là rất sâu sắc nên mới có chuyện Quạt Ba Tiêu, mỗi người họ giữ một chiếc. Chuyện La Sát lấy cớ con trai mình Hồng Hài Nhi mà làm khó dễ Ngộ Không cũng là điều bình thường. Nhưng liệu có hay không khả năng La Sát chờ Ngộ Không ở Hỏa Diệm Sơn, theo lệnh của Thái thượng Lão Quân để “xử lý” chàng Khỉ.
Trong lần đầu tiên đến mượn quạt, Ngộ Không bị La Sát quạt một phát bay thẳng tới núi Tu Di của Linh Kiết Bồ Tát. Đến lấy thứ hai thì Ngộ Không “được” La Sát cho mượn quạt giả, khiến Hỏa diệm Sơn càng bùng cháy dữ dội. Đến lần thứ ba triển mưu lấy được quạt thật thì bị chồng La Sát – Ngưu Ma Vương tương kế tựu kế lừa lại.
Với sự giúp đỡ của Lý Thiên Vương, Na Tra cùng thiên binh thiên tướng, Ngộ Không cuối cùng cũng thu phục được Ngưu Ma Vương và buộc Thiết Phiến phải dâng quạt Ba Tiêu, nhờ đó mà vượt qua kiếp nạn Hỏa Diệm Sơn. Kiếp nạn này, Thái thượng Lão quân không ra mặt nhưng La Sát – nhân vật chính gây ra bao khổ ải cho thầy trò Đường Tăng vẫn bình an vô sự. Không Thần Phật nào dám đụng đến La Sát còn nàng thì “nhận lại quạt, niệm chú thâu nhỏ lại, ngậm vào miệng, tạ từ lên núi tu hành. Sau cũng thành chánh quả, trong kinh còn để tiếng muôn đời”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.