Thọ vì… không kỹ thuật, không thuốc sâu!
Bon (nghĩa là làng- gọi theo tiếng M’Nông) Jâng Plây thuộc xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông nằm sâu trong một con đường nhỏ, gồm nhiều cụm nhà trệt nền đất vách gỗ đơn sơ, cách thị xã Gia Nghĩa về phía Bắc hơn 14 km.
Trên đường đến bon Jâng Plây, trò chuyện với phóng viên, ông Sang Văn Minh, chánh văn phòng Hội Người cao tuổi Đắk Nông (Hội NCT) nhận xét: Trong danh sách 50 cụ thọ trên một trăm tuổi ở tỉnh này, hiện đến khoảng tám mươi phần trăm số cụ là người đồng bào dân tộc M’Nông.
Vợ chồng cụ Y N’dông trong nhà con gái thứ tư.
Tháng 8/2014, Hội NCT tỉnh Đắk Nông gửi công văn cho Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) cung cấp danh sách số cụ trên trăm tuổi. VietKings đặc biệt chú ý đến trường hợp cụ Y N’dông với cột năm sinh ghi 1898, đã đề nghị Hội NCT hỗ trợ thẩm tra, lập hồ sơ đề cử để VietKings xác lập kỷ lục Việt Nam.
Đáp ứng các yêu cầu của VietKings, Hội NCT lập đoàn xác minh gồm 7 cán bộ cả 3 cấp tỉnh-huyện-xã đi thu thập các thông tin liên quan. Giấy chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu đều ghi cụ sinh năm 1898. Tháng 9/2014, VietKings đã công bố cụ Y N’dông là cụ ông cao tuổi nhất Việt Nam hiện nay còn sống.
Trong hồ sơ đăng ký đề xuất kỷ lục Bách niên trường thọ theo mẫu của VietKings, phần tiết lộ bí quyết trường thọ của cụ Y N’dông được ghi rất ngộ nghĩnh mộc mạc, nguyên văn như sau: Sinh ra, lớn, đến khi trưởng thành từ lao động sản xuất trồng cây ngô, cây lúa không có khoa học kỹ thuật, không có thuốc men trừ sâu gì.
Đôi uyên ương thượng thọ vui vẻ trong góc bếp thân thuộc.
Sống hồn nhiên, yêu thương, êm ấm
Cụ Y N’dông dắt tay vợ là bà H’Đơi sinh năm 1920 vào gian nhà nền láng xi măng của gia đình người con gái thứ tư, tươm tất hơn mấy căn nhà xung quanh, chào đoàn khách đã ngồi xếp bằng dưới chiếu chờ sẵn. Cụ ngồi lên 2 chiếc ghế nhựa các cháu bê ra.
Tuổi 117, cụ Y N’dông bước vẫn thẳng lưng, gương mặt vẫn hiển hiện đường nét quắc thước. Cặp dái tai dài nong rộng từng đeo khuyên ngà voi. Khuyên ngà giờ đã mất, chỉ còn chuỗi hạt cườm đủ màu cụ đỏm dáng đeo chật cổ.
Cả đôi vợ chồng cao tuổi đều minh mẫn, nhớ rõ nhiều chuyện xảy ra trong quá khứ. Năm 1893, thực dân Pháp bắt đầu toàn quyền cai trị vùng cao nguyên Trung phần, trong đó có khu vực sau này là tỉnh Đắk Nông. 5 năm sau, cụ Y N’dông chào đời, được cấp giấy khai sinh, lớn lên có thẻ căn cước. Năm 1979, mình đem thẻ căn cước ra xã nộp để làm cái thẻ CMND, rồi giữ miết cái thẻ CMND cho tới giờ không đổi. Già rồi, có đi ra khỏi cái bon này đâu, đổi làm chi?- Cụ bảo!
Cả hai ông bà kể: Hồi mới lớn, hổng biết sao ông bệnh hoài, có trận ốm kéo dài suốt năm không dậy được, cứ tưởng không thể lấy vợ. Tới hồi sắp già rồi mới gặp bà, ông thích, cưới luôn. Vợ chồng sống với nhau hơn bảy mươi năm, bà đẻ 14 lần, chết mất 7, còn 7 đứa. Giờ cũng nở ra tới 44 cháu, 20 chắt đủ cỡ.
Bà H’Đơi âu yếm nhìn chồng, cười móm mém khoe: Ổng hiền lắm, không la vợ đánh con bao giờ. Cũng không uống rượu, hút thuốc. Hồi trẻ ổng suốt ngày đi rẫy, tối về lại hát kể sử thi từ đêm này qua đêm khác. Chắc nhờ vậy mà ổng sống lâu!
Sau khi cụ Y N’dông nhận được thiếp mừng thọ của Chủ tịch nước, cả bon Jâng Plây lại hồi hộp chờ ngày tổ chức Kỷ lục Việt Nam đến trao bằng công nhận cụ ông có tuổi thọ cao nhất cả nước cho cụ Y N’dông.
Ông Đỗ Quang Thi, Chủ tịch Hội NCT xã Trường Xuân cho biết, Hội định kỳ tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho các cụ, nhất là NCT đạt kỷ lục đặc biệt như cụ Y N’dông.
Trao đổi với đại diện báo Tiền Phong qua điện thoại, Tổng Giám đốc Vietkings Lê Trần Trường An khẳng định, đại diện Vietkings sẽ đến bon Jâng Plây trước tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, để mừng thọ và trao Bằng Chúng nhận kèm Huy hiệu kỷ lục Việt Nam cho cụ Y N’dông.
Vietkings cũng đã đề cử Tổ chức Kỷ lục châu Á, Tổ chức Kỷ lục Thế giới công nhận kỷ lục cụ ông cao tuổi nhất đối với cụ, nhưng họ yêu cầu phải tìm cho ra hồ sơ lưu trữ hành chính thời Pháp để có chứng nhận khai sinh chính xác, hoặc phải có kết quả giám định tuổi xương bằng phương pháp y học hiện đại do cơ quan đủ chức năng thực hiện. Hiện VietKings chưa đáp ứng được.
Cụ Y N’dông đưa chúng tôi ra phía sau thăm gian nhà riêng của vợ chồng cụ. Chân trần, nền đất, bếp lạnh, chiếc giường gỗ cũ kỹ ọp ẹp xung quanh treo lủng lẳng các thứ túi bịch to nhỏ.
Trong gian nhà đơn sơ này, cụ có những đứa chắt mắt xoe tròn xoắn xuýt cận kề. Đàn con cháu đông đúc thường xuyên ghé lại thăm hỏi, thỉnh thoảng lại cho những mớ cà xanh, lá bép, mây rừng, cá suối.
Chỉ cần bà nấu món canh thục vừa đắng vừa cay ông yêu thích, là mỗi ngày ông xơi hết ba bát cơm. Chỉ thế thôi, đã đủ cho họ sống êm đềm bên nhau mãi cho tới bây giờ…
Hoàng Thiên Nga (Tiền Phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.