Kỳ cuối: Những cảnh đời nghiệt ngã sau cánh cửa “địa ngục” casino
Phía sau cánh cửa casino
Nạn nhân Dương Dũng (SN 1972, ngụ huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) tâm sự: "Hầu hết những nạn nhân "mắc cạn" ở các casino vùng biên Campuchia được trở về nhà an toàn là do người thân của họ mang tiền đến chuộc. Thế nhưng, khi trở về nhà, những con người ấy lại phải đối mặt với sự lạnh lùng từ những người thân trong gia đình, đến bạn bè, hàng xóm... và quan trọng hơn cả là phải đối diện với chính con người thực của mình, một sự mặc cảm thầm kín khó nói thành lời cứ bủa vây họ. Nếu không vượt qua, họ dễ dàng trở thành "ngựa quen đường cũ" vì trong thâm tâm con bạc thường có sự "cay cú", họ không bao giờ chấp nhận sự thất bại, lúc nào cũng nghĩ "lần sau mình sẽ thắng" nên họ "cố gắng chạy vạy, cầm cố mọi thứ để có tiền mà "thỏa cơn khát"...".
Những nạn nhân kể lại “một lần đi casino”.
Cách đây chưa đầy 1 năm, vì trúng mùa xoài nên anh Dương Dũng cùng với hai người bạn thân khác tên Hòa và Tú rủ nhau đi tới một casino ở cửa khẩu thuộc huyện Mộc Hóa (tỉnh Long An). Cũng giống như các con bạc khác, cả ba người thi nhau vào các bàn bạc có người Việt làm nhân viên chia bài và tư vấn cách chơi.
Chưa đầy 2 tuần, Dương Dũng đã "nướng" hết hơn 200 triệu đồng tiền mặt có được do bán cả vụ xoài, hai người bạn anh cũng thua tương tự như vậy. Nhờ người tư vấn chỉ cho chỗ vay lãi, anh và hai người bạn rủ nhau mỗi người "vay vốn" của nhà cái 100 triệu đồng với lãi suất 15% trong 10 ngày phải hoàn trả cả vốn lẫn lời. "Vì cay cú và cứ nghĩ mình có thể gỡ gạc được chút đỉnh nên tôi đã quyết định vay. Số tiền này, cả ba chúng tôi tập trung "đánh lớn" nên chỉ vỏn vẹn trong 2 ngày cũng đi tong", anh Dũng ngao ngán kể lại.
Sau đó, cả ba chỉ còn cách gọi điện về cho vợ con mang tiền tới trả nợ cho mình. Dùng dằng mãi, phải mất cả 3 tháng sau gia đình mới gom góp đủ tiền sang casino trả nợ cho ba người, tổng số tiền ba người phải trả đã lên tới hơn 400 triệu đồng. "Lãi suất cắt cổ là "luật bất thành văn" ở các casino mà mãi sau này chúng tôi mới biết. Hệ lụy của việc đánh bài mà tôi gây ra cho gia đình mình là mất nguyên hai vụ xoài không công và một mảnh vườn rộng 500m2 do vợ tôi bán để lấy tiền trả nợ. Từ đó, kinh tế gia đình tôi đi xuống rõ rệt, tôi và vợ phải đi làm thuê cho người khác vì vườn ít. Hơn nữa, bà con chòm xóm cứ thấy tôi là sưng sỉa, coi như "người thừa" của xã hội. Giờ hối lại thấy mình cũng "ngu"...", anh Dũng tự than trách.
Không hẳn chỉ có đàn ông mới máu mê cờ bạc, thực tế có rất nhiều "bà chúa" thừa "cơm gạo" đã khẳng định bản thân trên sới bạc và sau đó cũng "về vườn" như ai. Vợ chồng bà Kiều Loan (SN 1962, ngụ huyện Kiến An, tỉnh Hải Phòng) từng là thương gia có tiếng trong ngành xuất nhập khẩu của đất Cảng. Mất gần nửa đời người làm kinh tế, bà Loan một tay gánh gồng tất cả, rồi khi con cái yên bề gia thất, nhà cửa bà cũng sắm đàng hoàng để sau này có "chút vốn" dưỡng già. Thế nhưng, chỉ sau một lần bà đi cùng người bạn sang casino Macau đánh bài thì "máu đỏ đen" ngấm vào người bà lúc nào không hay. Bà bỏ bê mọi thứ, quanh năm ngày tháng "giẫm chân" lên thảm xanh của các casino sang trọng ở Macau, HongKong.
Khi "vốn liếng" chẳng còn bao nhiêu, bà chuyển sang "chơi" ở các casino vùng biên Campuchia vì với bà: "Các casino nơi đây thuộc đẳng cấp trung bình, ít vốn nên chơi thoả cơn nghiền ấy mà". Ấy vậy mà, chỉ trong 6 tháng, ba căn nhà của bà ở Kiến An buộc phải chuyển tên cho người khác. Và giờ đây, bà phải thuê nhà trọ và cùng chồng sớm hôm buôn bán rau quả ở một khu chợ nhỏ thuộc đường Dương Quảng Hàm, Q. Gò Vấp, TP.HCM. Bà bảo, hết vốn thì đành chịu, chứ thực sự vẫn máu mê lắm, thỉnh thoảng nghĩ lại "thời hoàng kim" mà cay cú, trốn chồng đi vài bữa rồi về...
Những cảnh đời nghiệt ngã sau hồi kết đỏ - đen
Nhắc lại câu chuyện của vợ chồng chị Võ Thị Thảo (SN 1989) và anh Lâm Mạnh (SN 1985, ngụ huyện Bến Cầu, Tây Ninh) mới biết thực trạng đời sống của các con bạc phía sau cánh cửa casino ê chề thế nào. Sau khi "vượt ngục" thành công khỏi địa ngục trần gian Longlaichhueng để tự cứu mình, chị Thảo lại phải chạy vạy khắp nơi để có tiền chuộc chồng từ tay "thế lực" hung hãn này về. May mắn sự việc diễn ra thuận lợi, chị Thảo chuộc được chồng với giá 160 triệu đồng cả vốn lẫn lời. Họ dẫn nhau về nhà trong niềm vui sum họp. Thế nhưng, hiện tại họ đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn trong đời sống gia đình.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, chị liên tục nhắc nhớ tới con số 300 triệu đồng mà hai người đã "đốt" hết vào sòng bài. Số tiền ban đầu (khoảng 150 triệu) mà vợ chồng chị mang sang casino đánh bài là tất cả vốn liếng làm ăn của hai người từ khi về ở chung một nhà. Sau đó, chị vay thêm và cầm cố chiếc xe máy để "trả nợ" cho chồng. "May mà tôi chạy thoát, nên không phải mất tiền chuộc cho bọn chúng thì mới có thể cứu được anh ấy ra, nếu tôi vẫn còn bị giam giữ ở đó thì chẳng biết khi nào vợ chồng tôi được ra, con số nợ cứ tăng từng ngày mà hai bên nội - ngoại của tôi đã bó tay vì số tiền chuộc lớn quá", chị Thảo nhớ lại.
"Chỉ nói tới việc chạy tiền chuộc chồng ra tôi đã khiếp vía rồi. Thứ nhất, chúng tôi "mất tiền" vì chơi bời, khi hỏi vay mượn người khác rất khó, nhiều người không cho vay mà còn buông lời chửi rủa nữa. Thứ hai, số tiền cần để chuộc chồng rất lớn nên không phải vay một hay hai người là đủ ngay, tôi đã phải vay tới 15 người hết thảy và cầm cố chiếc xe máy mới đủ 160 triệu đồng để chuộc chồng về. Do đã hứa với họ là sau 2 tháng sẽ hoàn trả nên chúng tôi đã bán hết "những gì mình có" để gom góp trả mỗi người một ít, nhưng cũng chẳng thấm là bao. Hằng ngày, họ vẫn gọi điện, nhắn tin "cho xin nốt số tiền còn lại", vợ chồng phải cắn răng khất qua ngày đoạn tháng. Trước đây, tôi buôn bán tạp hóa ở nhà còn chồng thì chạy một vài mặt hàng cho vài mối ở chợ, nhưng sau "cú vấp ngã" thì anh ấy phải đi phụ hồ, còn tôi lên TP.HCM bán đậu hũ dọc đường, cứ như thế, biết bao giờ mới trả hết nợ...", chị Thảo phân bua.
Với anh Lê Bá Hùng (SN 1973, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM), mỗi lần nghĩ lại thời gian bị "ma lực" đỏ đen "hút máu" là anh lại thấy lạnh gáy. Anh không ngờ, chỉ trong thời gian 6 tháng mình đã đốt sạch hơn 2 tỷ đồng của gia đình vào casino. Hơn nữa, vợ con anh còn phải vay mượn thêm của người thân số tiền 200 triệu đồng nữa để "chuộc mạng" về. Anh rơi từ đỉnh cao của sự sung túc xuống vực thẳm của sự vất vả, thiếu thốn. Và với hơn 80 ngày ngồi trong phòng biệt giam của casino Longlaichhueng (đã phản ánh ở các bài viết trước) nghiễm nhiên anh bị công ty đuổi việc...
Đứng dậy sau vấp ngã
Trước khi trở về với xã hội, những "con bạc" thường chỉ biết đến phía trước họ là cả một thiên đường ngập tràn sự sung sướng. Và khi "chơi", có ai trong số họ nghĩ được ngày về mình còn thứ gì không? Người nhẹ thì mất tiền, nặng thì bị "thế lực" casino hành hạ mất hết khả năng lao động, có khi còn trở thành người điên, nặng hơn thì mất mạng, nói chung đường nào tới casino cũng thiệt thòi. Thực tế đã cho thấy, cuộc sống của những "con bạc" đã thay đổi đến 360 độ, chẳng ai trong số họ giàu thêm nhờ cờ bạc cả. "Thiết nghĩ, những ai có máu "sát phạt" nên nghĩ tới "đường về" và sự nghiệt ngã phía sau cánh cửa casino để không phải ngậm ngùi, chua xót tâm can như chúng tôi bây giờ. Và khi "vấp ngã", hãy cố gắng đứng vững mà bù đắp lại những gì mình gây ra cho gia đình, người thân. Đừng gục ngã và trở thành người hèn của xã hội...", anh Dương Dũng đúc kết...
(Theo Công lý)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.