Công việc của Titova là phụ trách quản lý chất
lượng tại Trung tâm quốc tế chuyên điều trị y tế bằng đỉa (MLC)
nằm tại Udelnaya, gần thủ đô Moscow của Nga, nơi bà đã làm
việc suốt 28 năm qua. Về cơ bản, như lời Titova nói, bà là
người nuôi đỉa.
Nuôi đỉa cũng cần bản năng làm mẹ
"Tất cả những người nuôi đỉa đều là phụ nữ, bởi
bạn chỉ có thể chăm sóc chúng với tình yêu và sự ân cần, nếu
bạn có bản năng làm mẹ. Đàn ông không đảm đương tốt việc
này", bà chia sẻ.
Yelena Titova kiểm tra một lọ nuôi đỉa ở MLC.
Cơ sở nuôi đỉa của Titova nằm trong thị trấn nhỏ
Udelnaya, nhưng cho ra lò tới 3 triệu con đỉa mỗi năm. Số đỉa
này sẽ được bán cho các cơ sở y tế ở Nga và một số nước lân
cận. Đây được xem là một trong những nơi nuôi đỉa lâu đời và
lớn nhất thế giới.
Titova, 52 tuổi, giải thích rằng các công ty khác ở
Nga và châu Âu thích thu gom đỉa hoang sống ngoài thiên nhiên và
sau đó nuôi chúng tại các vùng nước ngoài trời. Nhưng đó không
phải điều bà cùng cộng sự làm. "Hoạt động sản xuất đỉa của
chúng tôi đều ở trong nhà, diễn ra quanh năm. Chúng tôi có mọi
thứ ở đây: khu cho đỉa giao phối, khu vực chăn nuôi, khu dành cho
đỉa làm kén để sinh con", bà nói khi đưa phóng viên LA Times đi
thăm trang trại.
Trang trại này thậm chí từng cung cấp đỉa cho nhà
lãnh đạo Liên Xô Josef Stalin, để ông chữa chứng đau đầu và trầm
cảm. Bà nói rằng việc chữa trị thành công cho Stalin đã khiến
trang trại có tương lai. Titova không đánh giá cao các kỹ thuật
nuôi đỉa hiện đại, sử dụng các bể nuôi lớn và cảm biến do
máy tính điều khiển. Theo bà, thiết bị hiện đại không phát
hiện được đỉa chết hoặc ốm.
Công cụ điều trị bệnh đặc biệt
Loài đỉa có thể khiến phương Tây kinh hãi. Nhưng ở
Nga, chúng lại là thành phần hữu dụng trong một phương thức
điều trị bệnh bắt nguồn từ xa xưa, trong đó tận dụng sức mạnh
của nước dãi đỉa. Tới nay, dùng đỉa trị bệnh vẫn là hoạt
động khá phổ biến ở Nga.
Hàng chục ngàn bệnh nhân mắc các căn bệnh từ vô sinh
tới cao huyết áp, đều đã được điều trị bằng loài đỉa chữa
bệnh hirudo medicinalis và thứ nước dãi có chứa chất chống đông
máu của chúng. Một trong những nguyên nhân để chữa bệnh bằng
đỉa vẫn thịnh hành còn bởi chi phí khám chữa bệnh cao và
người ta sợ mua phải thuốc giả, vốn bán lan tràn ở Nga.
Chữa bệnh bằng đỉa được những người thích "thảo dược thiên nhiên" như ông Yuri Kuranov ưa chuộng.
Yuri Kuranov, 55 tuổi, là một doanh nhân thành công ở
Moscow. Ông đã sử dụng đỉa đều đặn trong 7 năm qua để chữa bệnh
đái dắt. Ông nằm khá thoải mái trên một chiếc ghế bành tại
một bệnh viện tư ở phía Tây nam Moscow. Đôi mắt ông nhắm nghiền,
một nụ cười đọng lại trên môi khi những con đỉa bò lổm ngổm
dưới rốn.
"Những cú cắn của chúng như muỗi đốt vậy. Tôi cảm
thấy như có một nguồn sinh lực mới chảy vào huyết quản của
mình vậy", Kuanov nói khi 8 con đỉa "hăng say" lao động.
Nông trại đỉa ở Udelnaya thường bán những sinh vật hút máu
này với giá không rẻ, khoảng 1,5 USD một con. Việc sử dụng bất
kỳ con đỉa nào, tối đa là 10 con, đều phải được bác sĩ kê đơn
cho phép. Phần lớn những con đỉa được bán khi chúng dài từ
2,5-5 cm. Những con lớn hơn được giữ lại để sinh sản.
Các bác sĩ điều trị cho Kuranov đều sử dụng những con đỉa
được nuôi từ các lọ thủy tinh dung tích từ 3-5 lít nằm tại
nông trại của Titova. Sau khi chào đời từ những chiếc hộp đặc
biệt chứa đầy than bùn, mô phỏng môi trường ẩm ướt ngoài thiên
nhiên, những con đỉa con sẽ được bỏ vào trong những chiếc lọ
kể trên, với số lượng khoảng 1.000 con mỗi lọ. Các lọ này nằm
đầy 5 khu sản xuất của nông trại. Khi đỉa lớn lên, chúng sẽ
được phân loại. Sau 1 năm, chúng đã sẵn sàng được tung ra thị
trường.
Không còn thời hoàng kim
Titova và 30 người nuôi đỉa luôn kiểm tra các lọ nuôi
mỗi ngày. Bà cho biết nước trong lọ phải thay ít nhất 2 lần
mỗi tuần. Yếu tố công việc chính ở nông trại hiển nhiên là
việc chăm và nuôi. Những con đỉa ăn sau mỗi 3-4 tuần. Chúng sẽ
hút vào lượng máu gấp 4 lần trọng lượng.
Thực phẩm của chúng là máu gia súc, do các lò mổ
ở gần Moscow cung cấp. Nông trại sử dụng lượng máu khoảng 1.100
lít mỗi tuần. Số máu này bằng với việc giết thịt 100 con
bò. Máu phải luôn tươi, đôi khi vẫn còn ấm và phải được cung
cấp ngay tới cho nông trại trong ngày giết mổ.
Nông trại MLC đã có khởi điểm là nơi chứa mẫu đỉa
thu thập trong hoang dã. Nơi đây vẫn tiếp tục thu thập đỉa hoang,
nhưng Titova cho biết việc này chỉ để phục vụ hoạt động giao
phối, nhằm tránh tình trạng giao phối cận huyết.
Titova chia sẻ, thời gian sau khi Liên Xô tan rã là khó
khăn nhất với nông trại, do nhiều cửa hàng thuốc ngừng mua
đỉa. Họ thấy rằng đỉa không mang lại lời lớn như thuốc Tây.
Tới nay, nhiều trung tâm y tế tư nhân ở Nga vẫn dùng đỉa, nhưng
về cơ bản các bệnh viện lớn không còn sử dụng sinh vật này
nữa.
Theo bác sĩ chuyên khoa nhi Irinia Pankova, sự thay đổi này
rất đáng tiếc bởi đỉa vẫn là một công cụ điều trị quan trọng
trong lĩnh vực tiết niệu, phụ khoa, huyết áp và đột quỵ. Bà
chỉ ra rằng nhiều bác sĩ trẻ giờ đã không cho bệnh nhân dùng
đỉa. Nhưng điều đó không ngăn cản chúng vẫn được tìm mua và sử
dụng bởi những người Nga ưa chuộng các phương thức điều trị
tự nhiên như Kuranov.
“Bí quyết” chăm sóc đỉa
Lyubov Guseva, người đã làm việc ở nông
trại MLC hơn 20 năm qua, nói rằng những người chăm nuôi phải yêu
quý đỉa để chúng có thể lớn lên bình thường.
"Tôi có cảm giác chúng như con mình khi
tôi cho chúng ăn, chăm sóc và cho chúng tình yêu. Tôi không rõ
chúng có biết tình yêu của tôi không, nhưng mỗi khi nắm chúng
trong tay, tôi luôn có cảm giác tuyệt vời", Guseva nói nhẹ
nhàng khi cô đặt một lọ đỉa xuống và nâng lọ khác lên, khuấy
nó một chút để kiểm tra.
|
Thể thao & Văn hóa (Theo Thể thao & Văn hóa)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.