Thảm sát thú rừng ở Vườn quốc gia Pù Mát

Thứ tư, ngày 09/11/2011 15:21 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Khoảng 5 năm trở lại đây, nạn săn bắn động vật hoang dã ở Vườn quốc gia Pù Mát đã trở thành “phong trào”. Mỗi ngày có hàng trăm tay bẫy, tay súng và cả chó săn lén lút vào rừng để tận diệt thú rừng tuồn ra thị trường.
Bình luận 0

Một ngày cuối tháng 10, Cường dẫn nhóm thợ săn ở xã Yên Khê (Con Cuông) luồn sâu vào Vườn quốc gia Pù Mát thuộc khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An. Cường trước đây làm thợ xây nhưng mấy năm trở lại nay anh ta chuyển sang nghề săn thú chuyên nghiệp để nhập cho các đầu nậu chuyển về xuôi tiêu thụ.

img
Hàng ngàn chiếc bấy được bảo vệ Vườn quốc gia Pù Mát thu giữ.

Cuộc thảm sát

Tất thảy 4 người đều trang bị súng Hăm let; đèn pin đặc chủng; 5 con chó săn được huấn luyện chu đáo đi trước dọn đường. Cường bảo: “Bẫy thú bây giờ họ đặt nhiều lắm, kể cả bẫy lao đâm. Khu rừng này có hàng ngàn tay bẫy. Nếu không cẩn thận và có chó dọn đường mất mạng dễ như bỡn.

Đến một cái hang nhỏ, Cường ra hiệu dừng chân nghỉ ngơi. Thì ra cái hang này là nơi cất giấu hơn 20 cái bẫy. Đám thợ săn vác bẫy mò mẫm tìm đến các nơi có những dấu chân thú rừng thường hay qua lại. Khi phát hiện dấu vết, các gã thợ săn dừng lại, túm lấy ngọn tre, cột chặt dây cáp, ráng hết sức mắc xuống cây cò ở mặt đất được đóng cọc cứng như bưng...

Với loại bẫy này, Cường hướng dẫn cứ 50m đặt một bẫy. Còn bẫy kẹp được đặt ở những địa điểm gần suối, nơi có lối mòn do thú rừng thường xuống uống nước.

Chỉ khoảng hơn 2 tiếng, nhóm Cường đã đặt được gần 20 cái bẫy ở nhiều vị trí khác nhau. Cường cho biết: “Đây là các loại bẫy bộng, cò ke và bẫy kẹp. Những bẫy này được bày bán ở nhiều nơi, mua mấy cũng có. Với những loại bẫy này, những con thú như hổ, báo, lợn rừng đều không thể thoát”.

Đặt hết số bẫy, Cường ra lệnh đi tiếp. Vượt qua không biết bao nhiêu con suối, lách qua nhiều dây leo bụi rậm và vách đá dựng đứng, nhóm thợ săn đến một cánh rừng rậm với những cây sa mu dầu khổng lồ. Tại đây Cường ra tín hiệu cho 5 chú chó thực thi nhiệm vụ.

Ông Đặng Đình Xuân - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Pù Mát cho biết: “Hơn 6 tháng đầu năm 2011, số bẫy mà các nhân viên bảo vệ rừng thu được lên đến con số hàng ngàn chiếc. Đây là con số thống kê được, còn số bẫy thú thực tế được các tay trộm thú đặt trong rừng còn lớn hơn rất nhiều. Do số lượng bẫy thú nhiều quá nên chúng tôi không thể đem về được, đành phải phá bỏ ngay trong rừng”.

Đây là giống chó của người Mông, không khác gì mấy so với chó nhà nhưng chúng tỏ ra lợi hại hơn rất nhiều. Khi gặp con mồi, lũ chó chia ra làm nhiều hướng để bao vây, thú rừng khó có thể chạy thoát. Khi phát hiện các loài thú sống trong hang hốc như nhím, chồn, dúi… chó săn sẽ sủa vang đến đinh tai nhức óc; các con thú vì thế mà sợ hãi, tự chui ra khỏi hang và bị bắt sống.

Nhiều con thú lớn như nai, hoẵng, mang, heo rừng khi bị đám chó săn phát hiện cũng sẽ bị truy đuổi đến cùng. Những loài thú sống trên cây như khỉ, voọc cũng sẽ bị bầy chó phục dưới gốc cây và sủa liên tục để gọi chủ đến dùng súng săn bắn hạ. Kiểu săn này thật lợi hại, chỉ khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ, lũ chó săn đã chộp được 2 con chồn hương, 1 con mang. Còn nhóm Cường cũng đã bắn hạ được 3 con khỉ mặt trắng.

Chiều buông, đám thợ săn lấy bánh chưng ra ăn rồi mắc võng trên cây nằm ngủ. Các thợ săn thỉnh thoảng lại giật mình bởi tiếng súng nổ của những phường săn khác. Tầm 22 giờ, cả nhóm lại đội đèn pin lên đầu, khoác súng mò vào rừng đêm.

img
Một con mèo rừng bị bắn chết.

Bên một bụi cây, một con mèo rừng quay đầu về hướng đèn pin tò mò. Một tiếng súng chát chúa vang lên. Con thú kêu lên thảm thiết, giãy giụa rồi nằm im. Cường bảo: “Đi săn ban đêm phải có kinh nghiệm không thì dễ bắn phải nhau lắm.

Từ trước đến nay có cả chục vụ săn thú bắn nhầm người rồi. Tôi cũng bị thằng em nện cho một đòm, may mà mạng lớn nên chỉ bị thương nhẹ ở lưng”. “Thế đã dính bẫy lần nào chưa”. “Cách đây 5 năm chưa có chó dọn đường, tui bị cái bẫy kẹp của bọn xã Tam Đình (Tương Dương) bập 1 phát đi viện mất hơn 1 tháng. Sẹo đang còn đây”. Cường vén ống quần chỉ vết sẹo như con rắn vắt qua cổ chân.

Khi thấy đã kha khá “hàng”, đám thợ săn chia nhau buộc thú để cõng trên lưng đi về nơi đặt bẫy. Khi đến nơi Cường reo lên: “Dính rồi”. Nơi cái bẫy được đặt đầu tiên, một con mang bị treo lủng lẳng nơi ngọn cây rừng. Cách đó một đoạn, 1 con chồn bị bẫy kẹp vào chân, máu chảy đỏ cả lùm cây, nó giãy giụa tìm đường thoát nhưng tuyệt vọng.

Hơn một ngày đêm nhóm Cường cũng săn được hơn 17 con thú các loại. Theo Cường thì 1kg cầy hương giá bán 700.000 đồng, khỉ giá 200.000 đồng, mang cheo giá 200.000- 300.000 đồng. Như vậy số thú hoang săn được này bán với giá bèo nhất cũng được 5 triệu đồng. Theo Cường thì đợt săn lần này anh đi ngắn nhất, còn bình thường “mần” một chuyến phải mất từ 10-15 ngày bám trụ trong rừng sâu mới săn được nhiều.

Thú rừng về đâu?

Ớ các huyện miền tây Nghệ An như Con Cuông, Tương Dương, Quế Phong và Quỳ Châu, có nhiều cơ sở chuyên buôn bán các loại thịt rừng sỉ, lẻ từ nhiều năm nay. Khách đến công tác, làm ăn thường ghé mua thịt thú rừng về thưởng thức hoặc “làm quà” biếu tặng.

Trong vai chủ thầu xây dựng, chúng tôi vào một cơ sở chuyên cung cấp thịt thú rừng cho thị trường ở thị trấn Con Cuông. Trước sân, sau vườn cơ sở này có hàng chục chiếc lồng nhốt động vật hoang dã như: Khỉ, cheo, mang, chồn, cáo, gà rừng. Chúng tôi hỏi mua 1 con cầy hương, bà chủ đon đả dẫn vào nhà lấy trong thùng lạnh ra một con thú với vết thương ở ngực đỏ lòm máu: “Cầy hương sống chị mới bán mấy con cho khách sộp ở Vinh. Các chú lấy cái này đi! Con này mới bắn được lúc đêm”.

img Vẫn biết hành vi của bọn lâm tặc ngày càng tinh vi trong việc tàn sát động vật hoang dã, nhưng do lực lượng bảo vệ còn mỏng nên rất khó cho việc phát hiện và bắt giữ. Mỗi khi chúng đặt bẫy xong thì đều tản đi nơi khác, lực lượng chúng tôi khi phát hiện đặt bẫy cũng chỉ biết thu giữ và phá hủy. img

Chúng tôi bảo muốn mua thêm vài con sống để làm quà tặng sếp. Bà chủ: “Không những chồn hương mà lợn rừng, báo lửa đều có. Các chú thích chị điện thoại chỉ ít phút là hàng có ngay”. Được biết cơ sở này có đường dây làm ăn xuyên Việt, thậm chí sang cả Lào, Thái Lan để buôn bán động vật hoang dã.

Hiện nay, không riêng gì các huyện miền núi mà nhiều nhà hàng, quán nhậu ở các huyện đồng bằng trên địa bàn Nghệ An luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đặc sản thú rừng của khách bất cứ lúc nào. Phần lớn các đầu nậu cung cấp thịt rừng đều mở rộng thị trường xuống phố. Bởi, ở đây nhu cầu tiêu thụ rất mạnh. Thú rừng không chỉ là đệ nhất đặc sản của giới ăn chơi mà còn là để nấu cao và làm cảnh cho các “đại gia”.

Theo khảo sát nhỏ của chúng tôi, có đến hơn 90% nhóm đối tượng “thưởng thức” thịt rừng là doanh nghiệp, cán bộ công nhân viên chức nhà nước. Chính những đối tượng tiêu thụ sản phẩm thú rừng là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng một số loài động vật hoang dã quý hiếm.

Hiện nay, động vật hoang dã ở khu dự trữ sinh quyển Vườn quốc gia Pù Mát đang bị “thảm sát” đến mức đáng báo động. Rừng cấm tưởng chừng là nơi ẩn náu cuối cùng để thú hoang sinh tồn, vậy mà từng ngày, từng giờ sự sống của chúng bị tước đi bởi “thiên la địa võng” bẫy giăng, chó săn và những tiếng nổ chát chúa của súng săn…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem