Thăm thầy cũ, vua Lê Hiến Tông hành động ra sao khiến đời sau ngưỡng mộ?

N.V Chủ nhật, ngày 10/09/2023 22:30 PM (GMT+7)
Cái làng Châu Khê ngày ấy, người vui nhất và vui hơn cả nhà vua là cụ Nguyễn Bảo. Bởi lẽ ông đã có được một học trò (vua Lê HIến Tông) tuy ở ngôi tôn quý nhất nước, nhưng vẫn mực thước thủy chung giữ đạo nghĩa thầy trò...
Bình luận 0

Trong sách "Đại Việt sử ký toàn thư" có đoạn viết về vua Lê Hiến Tông đi thăm thầy cũ là Thượng thư Bộ Lễ Nguyễn Bảo. Chuyện kể lại rằng, hôm ấy khi xa giá về đến cổng làng Châu Khê, nhà vua ra lệnh dừng kiệu và bước xuống đầu đường rẽ vào nhà thầy, vua chọn 2-3 cận thần cùng một vị quan sở tại tháp tùng vua vào nhà thầy giáo. Nhà vua ôn tồn nói với mọi người đi theo rằng: Hôm nay, trẫm về đây là để thăm thầy cũ chứ không phải vi hành, công cán vì vậy cho phép các khanh về nghỉ ở công quán.

Nhà vua vừa nói xong thì mọi người cùng bái tạ rồi đi vào các quán dịch. Ở đó, các quan địa phương chuẩn bị chu đáo, có chăng đèn, kết hoa, có bàn trà nước. Nhà vua đi bộ cùng viên quan tổng trấn và mấy quan hầu cận đi về hướng nhà thầy. Không trống phách, không nhạc nhã, không có tiếng hô dẹp đường. Khi đó, cụ Thượng thư già cùng các con cháu và giai nhân đã mũ áo chỉnh tề ra tận đầu thôn bày hương án nghênh tiếp nhà vua. Thấy thầy giáo, vua vội vàng đến gần cụ Thượng thư. Theo nghĩa vua tôi, cụ Thượng thư sụp lạy. Nhà vua vội đưa hai tay nâng vai thầy lên và ôn tồn nói: Xin lão tiên sinh bình thân để cho đệ tử không bị thất lễ.

Thăm thầy cũ, vua Lê Hiến Tông hành động ra sao khiến đời sau ngưỡng mộ? - Ảnh 1.

Hình ảnh trong trích đoạn: "Vua Lê Hiến Tông thăm thầy giáo cũ".

Ngay lúc đó, nhà vua nói với những người đang quỳ rạp hai bên đường: Cho tất cả các người đứng dậy cùng trẫm về nhà tôn sư!

Vua nhắc lại lời nói với các quân sĩ và với người thân của thầy giáo: Hôm nay trẫm đến đây là học trò về thăm thầy, chứ không phải thiên tử đi kinh lý, nghi lễ ở chốn triều đình dùng vào lúc khác!

Ngôi nhà thầy Nguyễn Bảo giản dị, cổ kính và gọn gàng, đúng với phong thái của chủ nhân - một bần nho trong sáng. Vua mời thầy cũ ngồi lên sập giữa để mình đứng vấn an thầy. Cụ giật mình: Tâu bệ hạ đâu lại có thể như thế được. Đạo thầy tuy là nặng, song phép nước còn cao hơn, kính xin hoàng thượng cho lão phu này được đứng hầu! Người ngoài trông vào sao tiện ạ!

Nhà vua nhẹ nhàng: Thưa tôn sư, họ đã biết mục đích của trẫm hôm nay rồi. Tôn sư cho phép đệ tử ngồi chung là đã quá lắm rồi.

Nói xong, nhà vua đỡ cụ xuống cùng ngồi đàm đạo. Nhà vua hỏi thăm sức khỏe và đời sống của thầy giáo cùng gia đình, rồi xin xem những bài thơ của thầy làm khi nhàn rỗi ở chốn thôn dã. Khi người nhà của cụ giáo dâng trầu nước chỉ đứng ở sân dưới thềm, chuyển qua các thị vệ dâng lên cụ giáo và nhà vua. Vua Hiến Tông thấy vậy liền khoát tay và nói: Thôi để họ mang thẳng lên đây, chắc họ cũng muốn gần vua một chút. Âu cũng là cái lộc của lão tiên sinh đây!

Thưởng thức chén trà ngát hương sen đồng nội, nhà vua nói với các quan theo hầu rằng: Trẫm cho các ngươi lui! Chiều nay trẫm không dùng ngự thiện, trẫm xin với lão tiên sinh cùng gia đình ăn bữa cơm quê. Trẫm muốn được ngồi chung mâm với thầy cũ cho thỏa tình thầy trò, chắc lão tiên sinh cho phép.

Cụ giáo nghẹn ngào thưa rằng: Xin bái tạ đức vua! Thánh chỉ đã truyền, thần xin vâng mệnh!

Bữa cơm thầy trò chiều hôm đó diễn ra thân mật. Các con cụ đứng hầu từ xa ngắm thầy trò nhà vua đối ẩm với thứ rượu nếp quý quê nhà với hương thơm sực nức, nghe thầy trò nhà vua vừa ăn vừa ngâm nga thơ phú. Bữa đó, nhà vua đặc biệt thưởng thức món canh cua với cà muối và bất giác nói với cụ Nguyễn Bảo: Thầy cho con ăn một bát canh này thật là một niềm hạnh phúc. Hương vị cua đồng quê nhà ít có thức ăn nào sánh tày, quả là ngon.

Lời bàn:

Cứ theo nội dung của giai thoại trên đây thì ở cái làng Châu Khê ngày ấy, người vui nhất và vui hơn cả nhà vua là cụ Nguyễn Bảo. Bởi lẽ ông đã có được một học trò tuy ở ngôi tôn quý nhất nước, nhưng vẫn mực thước thủy chung giữ đạo nghĩa thầy trò. Ông càng hài lòng vì học trò cũ của ông dẫu ngồi trên ngai vàng vẫn không quên gốc. Vâng, đó là đạo lý cao quý ở đời, là truyền thống tôn sư trọng đạo từ ngàn đời của dân tộc. Và chính cái đạo lý và truyền thống tốt đẹp ấy đã sinh ra bao thế hệ hiền tài - nguồn nguyên khí tạo nên sức mạnh bất diệt của quốc gia Đại Việt.

Cổ nhân đã dạy "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" hay trong dân gian người ta vẫn thường nói "trọng thầy mới được làm thầy",... và còn biết bao câu nói khác cũng có ý nghĩa tương tự như vậy. Song, thật đáng buồn thay bởi vì thời nay người nghe, người hiểu những câu nói này thì nhiều mà người làm theo lại chẳng được bao nhiêu. Cho nên mới có người mang theo hung khí xông thẳng vào trường học để đánh thầy giáo. Lại có người chỉ vì miếng cơm, manh áo mà sẵn sàng bán rẻ lương tâm của mình bằng cách nâng điểm cho những học trò yếu kém cả về lực học và đạo đức qua những đồng tiền. Vâng, chính vì vậy việc đổi mới căn bản và toàn diện đối với giáo dục ở nước ta hiện nay là vô cùng cần thiết, cấp bách.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem