“Thần đèn” giải cứu tàu thuyền, nước ngoài cũng phục

Thứ bảy, ngày 27/08/2011 13:45 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều lần Văn trục tàu nhanh đến nỗi hợp đồng còn chưa ký xong, tàu đã được vớt lên rồi kéo đi. Chủ tàu cứ tưởng mất tàu! “Bất cứ tàu chìm ở tư thế nào, chúng tôi đều vớt đẹp như văn công!” - Văn nói.
Bình luận 0

Đã làm nghề trục vớt nhiều năm nhưng phải đến trận bão số 1 năm 2010, thương hiệu Công ty trục vớt Mạnh Nam mới nổi tiếng khắp nước, nhờ vào sự giải cứu 3 con tàu đâm vào cầu Bính (Hải Phòng). Sau vụ giải cứu đó, Giám đốc Trần Văn Văn đã được vinh danh trong Chương trình Vinh quang Việt Nam.

Cuộc giải cứu thần kỳ

Đêm 17.7.2010, 3 con tàu biển bị bão đánh đứt neo, trôi dạt rồi mắc kẹt vào gầm cầu Bính. Lực lượng cứu hộ với 5 tàu lai dắt tổng cộng 8.000 sức ngựa chỉ kéo được 2 chiếc ra, riêng tàu Vinashin Orient vẫn không nhúc nhích, nóc cabin kẹt cứng vào dầm cầu.

Nước sông Bạch Đằng ngày càng lên cao, có nguy cơ tàu đội cầu lên, trong khi đó các cơ quan chức năng dường như bó tay đứng nhìn cây cầu trị giá 1.600 tỷ đồng sắp bị bẻ gập. Trưa 18.7, Cảng vụ Hải Phòng “đặt hàng” đội trục vớt Mạnh Nam.

Giám đốc Trần Văn Văn ra hiện trường xem xét rồi gật đầu: “Em không dám chắc 10 phần, nhưng có 8- 9 phần tự tin”. Văn được giao khoán, kéo được thì lấy bao nhiêu tiền, TP.Hải Phòng cũng trả, ngược lại thì về tay không.

img
Đội thợ Mạnh Nam trục vớt một con tàu đắm.

Một nhóm thợ lặn đã đến hiện trường, lặn xuống kiểm tra tình trạng con tàu mắc kẹt. Hai sợi cáp thép được quấn ngang phần đuôi tàu Vinashin Orient, đầu mỗi sợi gắn một chiếc ròng rọc. Buổi tối, con tàu trục vớt chạy đến. Hai sợi cáp cột chặt vào hai khối “rùa” bê tông 50 tấn bên bờ đối diện, đầu cáp luồn qua tàu mắc kẹt rồi cột vào cẩu tời trên tàu trục vớt. Hơn 1 giờ đêm, hai con tàu trục vớt cắm mũi vào tàu mắc cạn, máy tời trên boong kèn kẹt kéo cáp. Hai sợi dây cáp căng như dây đàn, nhưng tàu mắc kẹt vẫn nằm ì tại chỗ...

Bỗng một sợi cáp kéo đứt phựt. Trong ánh sáng lờ mờ, hai thợ lặn nhảy ùm xuống sông, tìm cáp nối lại. Máy tời lại uỳnh uỳnh xịt khói kéo cáp. Tàu mắc kẹt vẫn không nhúc nhích. Rồi phựt, phựt, hai sợi cáp đồng loạt đứt đoạn. Đội trưởng Hiển mặt méo xệch, ra lệnh: “Đấu cáp lại ngay”. Thợ lặn lại lao xuống dòng nước đen ngòm tìm nối cáp.

Hơn một giờ sau cáp đã nối xong, máy tời lại nổ, kéo căng đều hai sợi cáp, đầu trục cuộn cáp rít lên ùng ùng. Đột nhiên, thân tàu Vinashin Orient rung nhẹ, đuôi tàu trôi dần ra... Đám thợ lặn trẻ mắt lóe sáng. Con tàu mắc kẹt xoay nghiêng rồi tách ra khỏi gầm cầu. Dưới bàn tay đội thợ trục vớt chân đất, đến 5 giờ 30 sáng, cuộc giải cứu tàu mắc kẹt đã thành công ngoài sức tưởng tượng của nhiều người, nguy cơ đe dọa sự an toàn của cầu Bính được cởi bỏ.

Một cuộc họp mừng công được tổ chức, đích thân Chủ tịch TP.Hải Phòng tuyên bố Công ty Mạnh Nam lấy bao nhiêu tiền, thành phố cũng trả đủ, nhưng anh Văn chỉ xin 1 tỷ đồng để bồi dưỡng cho những người thợ lặn đã cùng anh mang cả danh dự và tính mạng ra đánh cuộc.

Chưa một lần bó tay

Bằng công thức “mẹo + liều”, anh Văn đã giải thoát được tàu Đông Hoa trọng tải hơn 10.000 tấn, bị bão đánh dạt lên bãi đá ngầm vùng biển Quảng Ngãi và các công ty cứu hộ nhà nước đã “xin hàng”. Có người mách cho chủ tàu Đông Hoa cầu viện Mạnh Nam.

Đội thợ của anh Văn mang đến hiện trường một “con rùa” 65 tấn, 2 neo 5 tấn, dùng 2 dây cáp phi 120 dài 1.000m, 2 đường cáp “phi” 40 dài 100m... Chưa đầy 48 giờ sau, tàu Đông Hoa lại rẽ sóng ra khơi, ông chủ tàu mừng rớt nước mắt và cảm tạ Văn như ân nhân cứu mạng của đời mình. .

Trò chuyện bên chén trà, Văn nói rằng anh đã từng là người nghèo nên rất thương người nghèo. Văn chẳng bắt bí ai trong hoạn nạn. Vớt con tàu đắm, người khác đòi 10, anh chỉ lấy 3, điều đó làm cho khối kẻ tức anh, họ đe doạ anh (dù họ không có tài năng như anh).

Chị Đào Thị Sa nói: “Nhà tôi là người thích mạo hiểm, luôn trong tình trạng đặt chân lên vùng cát lún”. Khi nghe tin tàu Hoàng Chiến 08 bị lật ở biển Hải Phòng, anh Văn sôi lên và muốn ra tay, song chị Sa khoá cửa nhốt chồng trong nhà với lý do: Đang mùa biển động, tàu bị chìm lấp dưới hàng mét bùn. Khó ăn được vụ này lắm...

Vậy mà một tối, Văn bỏ di động ở nhà, mặc quần đùi, áo may ô lẻn ra ngoài, vay tiền mua quần áo dài, bay vào TP.HCM gặp chủ tàu để ký hợp đồng trục vớt. Vớt xong Hoàng Chiến 08, anh mới báo tin cho bà vợ đang ngẩn ngơ không biết chồng ngụp lặn ở vùng biển nào!

Vụ đó, chủ tàu thu hồi hàng chục tỉ đồng (1.500 tấn thép cuộn), phần Văn thắng đậm “được” cái vỏ tàu. Bán sắt vụn được hơn 1 tỷ đồng, cộng với tiền công vớt mấy trăm cuộn sắt, anh “lên đời” bằng một chiếc xe hơi 7 chỗ. Nhiều lần Văn trục tàu nhanh đến nỗi hợp đồng còn chưa ký xong, tàu đã được vớt lên rồi kéo đi. Chủ tàu cứ tưởng mất tàu! “Bất cứ tàu chìm ở tư thế nào, chúng tôi đều vớt đẹp như văn công!” - Văn nói.

Nước ngoài cũng phục

Dân cứu hộ khắp dải đất hình chữ S phục lăn Văn, vì anh đã biến nhiều điều không thể trở thành có thể bằng các con thuyền nhỏ như lá tre trên biển của mình. Danh tiếng về trục vớt của Công ty Mạnh Nam đã vươn ra tận nước ngoài.

Giám đốc Trần Văn Văn đã từng ngồi máy bay sang Myanmar để ký hợp đồng giải cứu con tàu 1 vạn tấn bị bão đánh bay lên đảo. Mới đây, công ty của anh cũng đã trúng thầu hợp đồng trị giá 15 tỷ đồng, để vớt một con tàu chở đá hoa cương của Trung Quốc bị đắm trên vùng biển Đồ Sơn (Hải Phòng).

Rất nhiều đối tác đã lặn lội từ đảo Hải Nam (Trung Quốc) sang gặp Văn và mời những người thợ Công ty Mạnh Nam sang làm chuyên gia trục vớt tàu cho họ. Văn chỉ cười và nói ở nước mình vừa làm vừa giúp anh em còn chưa hết việc. Chuyện xuất khẩu chuyên gia, anh vẫn chưa nghĩ tới vì anh chưa trả nợ hết cho đời, bởi anh nghĩ mình là người không biết chữ, phải có quý nhân phù trợ lắm thì mới thành người như bây giờ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem