Ông Phan Diêu (60 tuổi, trú tại Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) nhiều lần gửi đơn đến Báo NTNN tố cáo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và chính quyền địa phương lấy đất mồ mả họ Phan nhà ông ở Tiên Phước, Quảng Nam cấp làm đất canh tác.
Không như tố cáo
Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, diện tích đất gần 5ha của họ Phan tại làng Thanh Lâm (thôn 9, xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước) là có thật. Diện tích đất này nằm phân tán nhiều nơi và bị bỏ hoang từ thời chiến tranh chống Mỹ.
Sau ngày 30.4.1975, nhiều hộ dân ly tán trở về làng khai hoang, sống ổn định trên diện tích đất của họ Phan cho đến nay. Trong đó có bà Phan Thị Chạy (73 tuổi, người cô thúc bá của ông Phan Diêu) có nhà ở trên mảnh vườn nhà thờ tộc Phan. Theo Luật Đất đai, các hộ dân này đã được địa phương xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1993. Đất khu vườn nhà thờ tộc Phan được cấp cho bà Phan Thị Chạy 5.600m2; con trai bà Chạy (Trần Văn Đình) 1.580m2 và con gái bà (Trần Thị Thanh) 2.580m2...
|
Nhà thờ họ tộc Phan (làng Thanh Lâm) cùng mồ mả tổ tiên họ Phan sau khi được ông Diêu tu bổ, xây dựng vẫn còn nguyên trên đất họ Phan chứ không hề bị ai xâm chiếm. |
Bà Chạy cho biết, đất đai gia đình bà đang sống là của cha ông để lại. Sau chiến tranh, bà đưa gia đình về khai hoang, sinh sống ngay trên mảnh đất của khu vườn nhà thờ tộc, và địa phương đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
“Chiến tranh đã làm cho nhà thờ ông bà ngày trước bị sập đổ, đất đai cũng bỏ hoang, tôi về ở để tiện việc chăm nom hương khói, mồ mả ông bà. Nếu ngày đó tôi không về thì người ngoài đã vào đây khai hoang, sinh sống, chứ làm gì còn đất như bây giờ mà ông Diêu về giành lại” - lời bà Chạy. Bà cũng nói thêm: “Lúc ông Diêu về trùng tu và xây dựng lại nhà thờ tộc, mồ mả, tôi sẵn sàng chấp thuận, nhưng ông Diêu yêu cầu phải cắt đất làm sổ đỏ riêng cho ông thì tôi không chịu vì sợ ông bán mất”.
Ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Thọ cho biết: “Việc tranh chấp đất đai của ông Phan Diêu đối với một số người bà con trong dòng họ Phan không những xã, huyện mà cả tỉnh cũng quá mệt vì phải giải quyết đi giải quyết lại nhiều lần. Số đất trên được cấp cho chính con cháu họ Phan chứ không ai khác. Việc cấp sổ đỏ cho người dân là hoàn toàn tuân theo Luật Đất đai. Chính quyền địa phương thời gian qua không hề gây khó dễ đối với ông Phan Diêu.
Không chịu kiện ra tòa
Phóng viên NTNN gặp chị cùng cha khác mẹ với ông Phan Diêu là bà Phan Thị Sửu (65 tuổi, thôn Ngọc Tú, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh). Bà Sửu kể: Cha tôi (Phan Thiện, sống ở làng Thanh Lâm) cưới mẹ tôi (có đăng ký kết hôn) và sinh được hai người con là Phan Cọi và tôi. Sau đó, cha tiếp tục lấy thêm một người phụ nữ khác và sinh được ông Phan Diêu. “Từ nhỏ đến lớn, tôi đã thấy cô Phan Thị Chạy sinh sống ở vùng đất làng Thanh Lâm đó rồi, chứ không như em Phan Diêu nói là tranh giành đất đai tổ tiên. Ngoài ra, bằng liệt sĩ của cha và anh trai tôi (ông Phan Cọi) dù tôi chưa hề chấp nhận nhưng ông Phan Diêu đã tự ý lấy đem đi. Do đó, đến năm 2012, mọi chế độ thân nhân liệt sĩ của tôi bị cắt”- bà Sửu nói.
Ông Nguyễn Văn Hiệp khẳng định: Hiện giờ đất đai khu vực mồ mả, nhà thờ tộc họ Phan vừa được xây dựng vẫn còn đó, chứ không hề có ai lấn chiếm. Những ngày lễ tết, xã vẫn thường xuyên nhang khói theo đạo lý.
Ngày 10.4, phóng viên NTNN đã làm việc với Phòng tiếp công dân của UBND tỉnh Quảng Nam và được biết UBND huyện Tiên Phước đã có văn bản hướng dẫn cụ thể cho ông Phan Diêu gửi đơn tố cáo đến TAND huyện Tiên Phước để được giải quyết, nhưng ông Diêu vẫn không thống nhất, mà thường xuyên gửi đơn tố cáo đến các cơ quan nhà nước để khiếu nại. UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã giao cho Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát vụ việc, kiểm tra quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ liên quan khu đất theo trình bày của ông Phan Diêu, báo cáo UBND tỉnh và thông tin đến các cơ quan nhà nước và ông Phan Diêu được rõ.
Trương Hồng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.