Đủ điều kiện, thành tích, vẫn bị loại thẳng hồ sơ xét thăng hạng: "Chả lẽ phải trở thành người có chức vụ?"

Tào Nga Thứ hai, ngày 13/11/2023 09:16 AM (GMT+7)
Nêu quan điểm về điều kiện xét thăng hạng giáo viên năm 2023 của Hà Nội, thầy Nguyễn Viết Trung, Trường THPT Thạch Bàn, quận Long Biên tự hỏi: "Chẳng lẽ để khẳng định mình đối với giáo viên chỉ còn một cách: Trở thành người có chức vụ hay sao?".
Bình luận 0

Điều kiện thăng hạng giáo viên năm 2023 căn cứ từ đâu?

Mới đây, Sở Nội vụ Hà Nội và Sở GDĐT Hà Nội đã ra văn bản về việc thăng hạng giáo viên năm 2023. Tuy nhiên, thay vì xét hết những giáo viên đủ điều kiện thì văn bản này lại hướng dẫn lưu ý xét "hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng và giáo viên cốt cán" và "đủ 9 năm đại học" nên nhiều hồ sơ đã bị loại. 

Trao đổi với PV báo Dân Việt, cô Trần Việt Hồng, giáo viên Toán, Trường THPT Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội thông tin: "Tháng 7/2023 khi chốt danh sách gửi Sở GDĐT Hà Nội, hiệu trưởng gửi đi 50 hồ sơ giáo viên dự thăng hạng theo nhu cầu đơn vị, nhưng nay nhà trường chỉ cho 6 tổ trưởng, tổ phó dự xét thăng hạng. Các hồ sơ khác bị trả lại với lý do: "Không đủ điều kiện". Giáo viên có thắc mắc yêu cầu điều kiện là gì thì không nhận được câu trả lời. Vậy đây là đợt xét thăng hạng cán bộ hay thăng hạng giáo viên?".

Đủ điều kiện và thành tích nhưng bị loại hồ sơ, giáo viên tự hỏi: "Đây là xét thăng hạng cán bộ?" - Ảnh 1.

Cô Trần Việt Hồng, giáo viên Toán, Trường THPT Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: NVCC

Cô Hồ Thị Thu, Trường THPT Khương Hạ, quận Thanh Xuân, ý kiến: "Căn cứ Điều 29, Luật Giáo dục 2019 về quyền của giáo viên, nhân viên như sau: "Được hưởng tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi và các chính sách khác theo quy định; được thay đổi hạng chức danh nghề nghiệp; được bảo vệ nhân phẩm, danh dự, sức khỏe, hưởng các quyền lợi về vật chất, tinh thần theo quy định".

Chính phủ ban hành nghị định số 115/ 2020/NĐ- CP ngày 25/9/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Trong đó, Điều 31 - Căn cứ, nguyên tắc tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp: "Việc thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải căn cứ vào vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và phù hợp với cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Viên chức được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp nếu đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu và đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật. Kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được tổ chức theo nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật".

Bộ GDĐT cũng ban hành thông tư 34 quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng. Nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Tại Điều 5 - Nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp nêu rõ: "Xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ giáo viên hạng III lên giáo viên hạng II được thực hiện thông qua việc xét và chấm điểm hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II của mỗi cấp học.

Điều 6 - Cách tính điểm hồ sơ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp: Hồ sơ xét thăng hạng được chấm theo thang điểm 100, không làm tròn số khi cộng các điểm thành phần. Cụ thể điểm chấm nhóm tiêu chí về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng là 20 điểm. Điểm chấm nhóm tiêu chí về tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ là 80 điểm.

Tuy nhiên, ngày 2/11, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội ra công văn số 3277 về việc thẩm định, rà soát tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Tại mục 2 yêu cầu: "Đảm bảo cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp của đơn vị và yêu cầu của vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, tập trung rà soát đề xuất đội ngũ giáo viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản liý, giữ vai trò là trưởng. Phó tổ chuyên môn và đội ngũ giáo viên cốt cán được thăng hạng cho phù hợp, giữ vai trò định hướng chuyên môn trong các cơ sở giáo dục.

Thực hiện công văn trên, các Phòng Nội vụ trực thuộc Sở đã triển khai về các đơn vị với cách hiểu khác nhau đã chỉ đạo các đơn vị chỉ cho các giáo viên là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, trưởng, phó tổ chuyên môn, giáo viên cốt cán làm hồ sơ dự xét thăng hạng. Những giáo viên không có chức vụ kể trên không được làm hồ sơ dự xét thăng hạng mặc dù họ đảm bảo các tiêu chuẩn dự thăng hạng".

Theo cô Thu, qua khảo sát nhanh 110 trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội, có đến 64,5% số trường tham gia khảo sát đã không cho giáo viên không có chức vụ được làm hồ sơ dự xét thăng hạng đợt này. 

Nhiều người đủ điều kiện và thành tích thăng hạng giáo viên năm 2023 nhưng bị từ chối hồ sơ

Sau khi Sở Nội vụ và Sở GDĐT Hà Nội ra thông báo, hàng trăm giáo viên bị loại hồ sơ thăng hạng vì không phải giáo viên cốt cán trong đợt này. Mới đây giáo viên tiếp tục gửi đơn kiến nghị tới Bộ GDĐT, Sở Nội vụ Hà Nội để điều chỉnh điều kiện thăng hạng.

Đủ điều kiện và thành tích nhưng bị loại hồ sơ, giáo viên tự hỏi: "Đây là xét thăng hạng cán bộ?" - Ảnh 2.

Cô Hường với nhiều thành tích nhưng cũng không được xét thăng hạng. Ảnh: NVCC

Cô Nguyễn Thị Hường, giáo viên Trường THPT Tây Hồ cho biết, mình là một giáo viên có bề dày thành tích, đáp ứng mọi điều kiện của một giáo viên hạng II. Tuy nhiên chỉ vì không có chức vụ nên cô bị từ chối nhận hồ sơ.

Tương tự, cô Vũ Thị Thu Trang, sinh 1980, là giáo viên Trường Tiểu học Việt Long, huyện Sóc Sơn. Trong quá trình công tác đã đạt rất nhiều giấy khen, chứng nhận của cấp huyện, tuy nhiên, chỉ vì không có chức vụ mà cô phải ngậm ngùi nhận lại hồ sơ thăng hạng về cất vào tủ làm kỷ niệm.

Cô Đặng Thị Hải Yến, giáo viên môn Tin học, Trường THPT Quang Trung - Đống Đa, chia sẻ: "Tôi có rất nhiều thành tích như giải Nhì giáo viên giỏi Thành phố; Chiến sĩ thi đua năm 2917, 2018, 2019, 2020; Có 3 sáng kiến kinh nghiệm loại B, 2 sáng kiến kinh nghiệm loại C; Giải Khuyến khích cuộc thi viết "Tấm gương nhà giáo""do thành phố tổ chức; Giải Ba cuộc thi "Thiết kế bài giảng E learning"; Chủ trì và 1 mình nhiều năm qua viết bài trên website hoặc Fanpage nhà trường... cũng bị từ chối làm hồ sơ vì không có chức vụ được ghi trong công văn 3277 của Sở Nội vụ Hà Nội".

Nêu quan điểm về điều kiện xét thăng hạng giáo viên của Hà Nội, thầy Nguyễn Viết Trung, Trường THPT Thạch Bàn, quận Long Biên cho hay: "Tại điều 31 nghị định 115/ND-CP của chính phủ ghi rõ: "Kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được tổ chức theo nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật". Như vậy, việc các trường chỉ cho cán bộ là những giáo viên có chức vụ tham gia xét thăng hạng sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong môi trường giáo dục. Những giáo viên bị từ chối hồ sơ dự xét thăng hạng họ đến trường sẽ như thế nào? Họ đến trường với tâm lý tự ti, tủi hờn. Sự bất mãn thể hiện ngay trong các tổ, nhóm chuyên môn và trong toàn đơn vị.

Điều kiện vật chất khó khăn, đồng lương còm cõi, bấy lâu nay giáo viên cố gắng nỗ lực vươn lên, khẳng định mình bằng những cống hiến, những bảng thành tích dài dằng dặc. Giờ đây, trước cơ hội được nâng hạng để cải thiện đồng lương dù ít ỏi cũng bị từ chối. Chẳng lẽ để khẳng định mình đối với giáo viên chỉ còn một cách: Trở thành người có chức vụ hay sao?".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem