Ông Vân cho biết, cách đây 2 năm, nhờ tham gia làm thành viên tổ hợp tác (THT) sản xuất gấc xã Tân Lập 1 (huyện Tân Phước, Tiền Giang) nên ông có điều kiện tham dự nhiều buổi tập huấn, hội thảo do Cty cổ phần Nông nghiệp Đông Phương (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức.
Ông Vân bên cạnh vườn gấc lai đang cho trái.
Được Cty hướng dẫn kỹ thuật canh tác, cung cấp cây giống và cam kết bao tiêu sản phẩm, ông mua 22 gốc (giá 15.000 đ/gốc) về trồng thử.
Nhận thấy cây gấc thích nghi với vùng đất này và sinh trưởng tốt, cho trái sai, nên ông tiến hành ươm giống (lấy hạt từ trái già) để mở rộng diện tích canh tác và cung cấp cây giống cho bà con nông dân có nhu cầu.
Đến nay, ông đã mở rộng diện tích vườn gấc lên 2.000 m2, đồng thời cung cấp trên 1.000 cây giống (giá bán 10.000đ/gốc) cho bà con ở trong và ngoài tỉnh có nhu cầu.
Theo ông Vân, một công đất có thể trồng từ 35-40 gốc gấc, khi trồng phải đảm bảo khoảng cách 5 m/gốc. Do gấc là loại dây leo nên trồng gấc phải làm giàn (trồng trụ bê tông cao 2 m, giăng dây kẽm và căng lưới nhựa phía trên).
Về kỹ thuật chăm sóc, bón phân, bên cạnh phân chuồng, định kỳ 3-4 tháng, ông bón thêm phân NPK để bổ sung dinh dưỡng nuôi thân và trái; định kỳ 1-2 tháng phun thuốc trừ sâu xanh, ruồi đục trái… kết hợp với thuốc dưỡng lá, thân và trái.
Mùa nắng, cứ 5 ngày ông tưới một lần; mùa mưa thì tiến hành khai rảnh để chống úng cho gấc. Gấc lai trồng 5 tháng thì cho thu hoạch (trái có trọng lượng từ 1,5-2 kg), đối với gấc nếp thời gian cho trái dài hơn (khoảng 7-8 tháng).
“Đây sẽ cơ hội để nông dân mở rộng diện tích trồng gấc, giúp khai thác triệt để trái gấc nguyên liệu không đạt chuẩn (trái có trọng lượng nhỏ hơn 400 gr, hay cơm gấc thu được từ những trái khuyết tật sau khi được tách hạt) cũng như góp phần nâng cao giá trị cho trái gấc nguyên liệu, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng”, ông Vân cho biết.
|
Trong quá trình canh tác, nhận thấy giống gấc lai có nhiều điểm nổi trội so với giống gấc nếp như vỏ mỏng, cơm dày, thời gian từ khi đậu trái đến thu hoạch cũng ngắn hơn, chỉ khoảng 2,5 tháng (đối với gấc nếp phải mất từ từ 5-6 tháng), nên ông đã lai ghép dần và vườn gấc hiện giờ của ông có 100% là giống gấc lai.
Về đầu ra, ông được Cty Đông Phương ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cố định 8.000 đ/kg (trọng lượng từ 400 gr/trái trở lên). Bên cạnh đó, ông còn cung ứng cho thương lái theo giá thời điểm (mức giá hiện tại là 9.000-10.000 đ/kg).
Đặc biệt, thời điểm giáp Tết, gấc có giá khá cao (từ 15-28 tháng Chạp năm ngoái, gấc trái được thương lái thu mua với giá 27.000 đ/kg). Mặc dù, thời tiết đang chuyển sang mùa khô, gấc cho trái không nhiều, nhưng mỗi tháng ông vẫn thu hoạch đều đặn từ 600-700 kg.
Ông Vân cho biết, thị trường đầu ra của cây gấc có nhiều triển vọng do trái được sử dụng ngày càng nhiều để phục vụ các ngành chiến biến thực phẩm, dược phẩm (dạng bột khô, tinh dầu thu được từ quá trình chiết xuất).
Ông đang có kế hoạch phối hợp với một số thành viên THT sản xuất gấc xã Tân Lập 1 và hộ dân trồng gấc ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) đầu tư thiết bị sấy để cung cấp cơm gấc sấy cho Cty Dược phẩm Vinaga (Hà Nội).
Hiện ông đã gửi mẫu cơm gấc sấy cho Cty để kiểm tra tỷ lệ tinh dầu thu được từ quá trình chiết xuất, nếu mẫu gấc sấy đạt yêu cầu, Cty sẽ ký hợp đồng thu mua số lượng lớn với giá 180.000 đ/kg.
Huỳnh Văn Xĩ (Nông Nghiệp Việt Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.