Hôm ngư dân đổ xô đi tranh vớt cổ vật, tấn công cảnh sát bảo vệ xung quanh con tàu bị đắm ở vùng biển xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) tôi “lặn” vào làng thăm anh bạn. Nhờ thế mới biết, không đâu xa, ngay tại xã Bình Châu này có một đội quân chuyên "săn" cổ vật chuyên nghiệp.
Dẫu không được công nhận là “nghề” và nguy hiểm không kém nghề lặn hải sản nhưng chỉ cần trúng vài "mánh", ngư dân săn cổ vật đã trở thành đại gia...
Lặn xuống… hốt tiền
Tay bưng ly rượu khề khà, N.T.Tr. - anh bạn tôi bảo: “Hàng chục năm nay bọn tui đi lặn cổ vật chớ phải mới vụ vừa rồi đâu! Tui nói thiệt, làm ba cái vụ này kiếm ăn được lắm. Ông thấy đó, cái tàu vừa rồi mới phát hiện, thanh niên cả làng có ai thèm đi biển nữa đâu!”.
Anh hứa buổi chiều đưa đi “chiêm ngưỡng” đồ cổ mà theo anh “vào nhà thấy đồ cổ chưng trong tủ thì biết ngay là dân lặn biển”…
|
Cổ vật chưng trong tủ Hai L. |
Ngôi nhà đầu tiên anh dẫn tôi đến là nhà ông Hai L. Ông là thương binh nhưng vẫn không quên đi Hoàng Sa lặn biển, và hiển nhiên đã là dân lặn thì… làm gì không có đồ cổ chưng làm cảnh trong tủ. Nhà Hai L. có hai tủ chưng trên 20 đồ cổ bằng sành sứ như ly, tô, đĩa… men xanh để xen kẽ với những vỏ ốc biển.
Trà nước vài tuần, Hai L. bảo do ông lặn chủ yếu là hải sản, ít lặn đồ cổ, nên số “hàng” trong tủ chả thấm tháp gì so với các đại gia chuyên nghiệp săn cổ vật. “Cái đĩa này (khoảng 36cm) không giá trị lắm, hiện nay chỉ 3-5 triệu đồng là cùng. Nhưng ai lại mang hàng xịn lên chưng phải không chú em. Cái tủ đâu có đắt bằng cái đĩa. Gia đình lơ là, mấy thằng ôn con nó đập tủ liền” - Hai L. nói, vui như… được mùa. Và chiều hôm ấy, đi với anh bạn về, tôi cứ ngủ mơ mình vừa bắt gặp một kho vàng.
Tấm tắc chuyện đồ cổ mình đã chứng kiến với ông Tiêu Viết Thạnh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Châu, ông Thạnh bảo ông mới là người “ăn nằm” với đồ cổ cách đây hàng chục năm. Chiếc tàu chở cổ vật bị chìm và ngư dân đổ xô khai thác vừa qua không còn lạ gì ở đây nữa.
|
Bình đồ cổ của ngư dân Võ Tr. |
Bởi ngư dân đã phát hiện có nhiều tàu chở cổ vật bị chìm ở vùng biển này, như: Gành Tre, hòn Nhàn, hòn Đá Một và một điểm thuộc xóm Châu Tân, thôn Châu Me. Khoảng năm 2010, ngư dân ở đây còn lặn vớt được vô số cổ vật làm bằng sứ cùng gần 1.000 viên đạn và súng thần công đúc bằng gang. Trong đó, cổ vật ở Gành Tre có niên đại 400-500 năm, nằm sâu dưới cát trong lòng biển khoảng 10m, khi ngư dân phát hiện thì tàu này có đá vôi nằm bên trên dày cả mét.
Theo tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi - Phó giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi, cổ vật được phát hiện trong tàu bị chìm ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn không có gì lạ. Sở dĩ vùng biển này có nhiều thuyền chở cổ vật bị đắm là do tàu buôn bán gốm, sứ thường qua lại giao thương trên vùng biển này cách đây hàng trăm năm. Đó là thời kỳ con đường tơ lụa giao thương của thuyền buôn Trung Quốc từ vùng Đông Nam Á qua Ấn Độ Dương, thịnh nhất thuộc đời Đường đến đời Minh, Thanh. Khi đó tàu thuyền gặp thời tiết xấu và bị đắm. Đã phát hiện nhiều gốm sứ của tàu gỗ bị đắm khi đi qua vùng biển xã Bình Châu.
"Hồi đó có lấy thì chỉ lấy chén, đĩa, tô, chum thôi, còn gạch, gỗ thì mấy ai lấy làm gì. Hơn nữa, hồi đó có mấy ai biết giá trị của nó nên bán rẻ. Còn bây giờ, dân săn cổ vật rành lắm. Ai săn hàng này về là phất lên giàu liền..." - ông Thạnh nói.
Theo chỉ dẫn của ông Thạnh, chúng tôi tìm đến nhà ông Võ L. ở thôn An Hải, xã Bình Châu. Vào nhà ông L., đập vào mắt chúng tôi là tủ gương đựng đồ cổ, theo ông L. đó là "đồ kỷ niệm một thời đi săn dưới biển". Ông L. đã săn đồ cổ dưới đáy biển vào thập niên 80, đã bỏ nghề 5-6 năm nay.
Đồ cổ trên các tàu bị đắm ven biển miền Trung rất nhiều, nhất là ở vùng biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và xã Bình Châu (Quảng Ngãi). Có tàu gỗ chìm dài đến 120m, chở đầy đồ cổ. Ai lặn gặp được xem như… hốt tiền.
Ông Võ L. cho hay: "Hồi đó dùng dây cáp kéo cổ vật lên, có khi bị đứt, đồ cổ bể tan tành mà có tiếc mấy đâu. Do nhiều quá mà. Hơn nữa, phải tranh thủ vét, nếu không mấy tàu khác mà biết đến khai thác sẽ chẳng còn nhiều”. Theo ông L., đồ cổ lấy ở vùng biển xã Bình Châu mấy năm trước giá trị trung bình chỉ 200.000 - 500.000 đồng/cổ vật.
Còn ở Cù Lao Chàm, cổ vật vớt lên đẹp hơn, giá trị thấp cũng trên dưới triệu đồng/cổ vật. Thế nhưng, đó chỉ là loại cổ vật "bán tháo bán đổ, vì sợ nhà nước thu", còn loại 30-50 triệu đồng/cổ vật là chuyện thường. Trúng mánh nhất là cổ vật bán 250-300 triệu đồng/cổ vật mà dân săn cổ vật xã Bình Châu từng gặp như hình Quan Công ngồi trên ngựa Xích Thố hoặc tượng Phật trên tòa sen. "Hầu như ai săn đồ cổ trúng mánh cũng xài tiền như nước. Dọc xóm tui ai làm nghề này cũng trở nên khấm khá..." - ngư dân Võ.V.T. tiếp lời ông Võ L.
Có “hàng” là có người mua ngay
|
Đồ cổ 400 năm của ngư dân Võ Tr. |
Ông Võ.V.T. có thâm niên mấy mươi năm lặn đồ cổ, bảo: “Dân săn cổ vật dưới biển cũng là ngư dân lặn hải sản. Nhưng nếu so sánh giữa lặn hải sản và lặn đồ cổ thì lúc nào lặn đồ cổ cũng giàu có hơn”. Ngày trước, thợ lặn chỉ mang vợt xuống hoặc dùng bừa cào đáy biển để vớt cổ vật.
Bây giờ, theo ngư dân Võ Tr. ở thôn Phú Quí, thì: ngư dân săn đồ cổ chuyên nghiệp không chơi bừa nữa mà dùng máy thổi nước (mấy mươi mét nước) và hút cát (khoảng 10m trở xuống). Ống thổi này rộng khoảng 20 phân, được đưa xuống biển sục vào thuyền bị đắm và thổi cho cát bay ra ló đồ cổ và thợ lặn chỉ việc vớt lên.
"Săn đồ cổ về bán cho ai?" - tôi hỏi. Ông Tr. trợn mắt: "Bán cho thương lái. Có hàng là có người đến mua ngay". Ông Tr. cười hề hề, tiếp: “Trước không biết đồ cổ thế nào nên cứ bán đại. Sau biết rồi thì chỉ bán một ít lấy phí tổn thôi, không bán vội, để được giá mới bán". Ghé tai tôi, ông Tr. nói nhỏ: Như vừa vớt mới đây, ai có mối mới bán, còn không có mối bán nhầm cho công an mặc thường phục là xem như… mất trắng.
Theo thống kê của xã Bình Châu, hiện nay xã có khoảng 300-400 người lặn biển. Trong đó, ngoài một số vừa lặn cổ vật vừa lặn hải sản thì có khoảng 100 ngư dân chuyên săn cổ vật. Tuy nhiên, cũng giống bao nghề xứ biển này, đã có không ít ngư dân bỏ mạng giữa sóng nước bao la. "Xã có 20 người chết, 30 người lặn biển tìm cổ vật và hải sản bị thương, tê liệt. Âu cũng là sự trả giá vì mưu sinh của người dân biển." - ông Tiêu Viết Thạnh ngậm ngùi.
Theo Dòng Đời
Vui lòng nhập nội dung bình luận.