Thanh Duy: "Bàn tay mẹ là phép màu kỳ diệu"

Thiên Di Thứ hai, ngày 29/02/2016 08:17 AM (GMT+7)
Sôi nổi, lạc quan và đầy nhiệt thành, Thanh Duy chia sẻ những kỷ niệm về ba mẹ cũng như cuốn sách đầu tay.
Bình luận 0

Thông tin cuốn sách đầu tay của Thanh Duy và mẹ, cô Thanh Thủy mang tựa đề “Về nhà với mẹ - Lỗi ở yêu thương” sắp ra mắt vào tháng 3 khiến người hâm mộ của “chàng trai Nhân Mã” háo hức và sốt ruột. Gọi cho Thanh Duy vào một tối muộn, câu chuyện tuy riêng mà chung của cậu thật ý nghĩa và thấm thía.

img

Quyển sách là món quà tinh thần tặng mẹ

- Sợi dây liên kết của “Về nhà với mẹ - Lỗi ở yêu thương” là gì khi hai mẹ con mỗi người một chủ đề?

Tôi và mẹ viết cùng một cuốn sách đã là điểm chung rồi đấy chứ ạ? (cười lớn) Thật ra, nội dung cuốn sách không có gì là cao siêu hết, nó như một “cuộc gom góp” những gì trong suốt, đẹp đẽ nhất.

Ngày tôi còn nhỏ, mẹ thường khuyến khích tôi viết truyện ngắn, viết thơ gửi cho các tờ báo học trò. Đó vừa là niềm vui, vừa là cách “kiếm tiền” ăn vặt thú vị. Lớn lên, tôi vẫn giữ cho mình thói quen ấy, chỉ là không còn gửi đăng báo nữa thôi. (cười)

Bất cứ điều gì xảy ra xung quanh, tôi cũng muốn ghi lại nhưng đặc biệt nhất có lẽ là chuyện tình yêu. Hẳn là do tôi thuộc tuýp người nhạy cảm nên tất cả mọi cung bậc cảm xúc, vui buồn, những khoảng trống, lặng im… tôi đều muốn lưu lại và chia sẻ trên trang cá nhân.

Thứ hai, tôi biết mẹ thích viết và mẹ là cây bút thường xuyên của nhiều tờ báo trào phúng. Nhưng lúc ấy, tôi không biết mẹ làm thơ cho đến khi mẹ chơi Facebook.

img

Tôi chợt có suy nghĩ rằng, ngày xưa mẹ khuyến khích mình và đã hình thành một thói quen hay thì bây giờ, tôi muốn làm một điều gì đó tặng mẹ. Nó như là một khởi đầu cho một công việc mới, một sở thích mới.

Người lớn tuổi thường quẩn quanh với suy nghĩ, cuộc sống chỉ có như vậy thôi thành thử ra, tôi muốn mở rộng đời sống tinh thần cho mẹ chứ không chỉ là để mẹ có thêm một nguồn thu. Tôi rất thích nếu như mẹ theo đuổi công việc này và sẽ có thêm cuốn sách thứ hai, thứ ba nữa.

-  Anh  thường muốn “Về nhà với mẹ” vào lúc nào nhất?

Là những lần tôi bệnh. Gần đây nhất, tôi bị viêm phế quản cấp, trong khi lịch làm việc kín đặc. Tết dương lịch, tôi chạy từ trưa đến tối là 7 show, trước đó là 4, 5 show một ngày. Tôi làm việc đúng nghĩa quá tải luôn, giọng yếu dần  từ những ngày đó.

Qua sau đêm giao thừa tết Tây là tôi tắt tiếng nhưng vẫn phải cố. Ngày hôm sau, tôi bay Hà Nội để quay talkshow. Quay xong là tôi vào bệnh viện Pháp – Việt nằm luôn một ngày. Bác sĩ bảo phải nghỉ ít nhất một tuần không được nói chuyện. Tôi nhờ quản lý xin và sắp xếp được 3 ngày. 3 ngày đó tôi về nhà. Đúng nghĩa là về nhà với mẹ.

Về nhà với mẹ, mình không phải lo gì hết. Mẹ nấu nồi lá xông, chăm ăn uống,… Bàn tay của mẹ giống như có phép vậy đó. Tôi nghĩ những lúc mình bệnh, những lúc mình yếu đuối nhất thì cảm giác muốn về nhà với mẹ luôn thường trực.

img

- Nhưng, chỉ về nhà với mẹ mỗi khi bệnh, anh có nghĩ mình “ích kỷ” quá?

Nếu là trước đây, tôi nghĩ mình ích kỷ. Nhưng bây giờ, tôi nghiệm ra rằng, mẹ nào cũng muốn chăm con. Con lớn thì phải đi thôi, có sự nghiệp riêng, những mối quan tâm riêng nhưng chắc chắn niềm vui, niềm hạnh phúc của những bà mẹ là được săn sóc cho những đứa con đi xa về nhà. Vì, con dù lớn vẫn là con của mẹ…

Ngoài những lúc bệnh, những lúc yếu lòng, tôi cho rằng, lúc nào những đứa con cũng nghĩ về mẹ, bằng cách này hay cách khác mà thôi.

Thử một lần đưa ba mẹ đến nơi làm việc

- Anh thường thể hiện sự quan tâm, bày tỏ sự yêu thương với ba mẹ như thế nào?

Do đặc thu công việc, tôi không thường xuyên ở bên cạnh ba mẹ được cho nên tôi luôn tranh thủ những lúc rảnh đưa ba mẹ đi du lịch. Bây giờ, công nghệ thông tin phát triển, đi đâu xa, tôi cũng có thể gọi facetime về cho ba mẹ.

Tôi cũng có những cách làm cho ba mẹ vui. Chẳng hạn như, dịp tết, các bạn trợ lý của tôi đều về sum họp với gia đình, nên nếu có đi diễn, tôi sẽ nhờ ba đi cùng mình. Chị biết không, câu chuyện ba theo tôi đi diễn trong những cuộc vui với bè bạn, gia đình, mỗi lúc cao hứng, ba đều kể lại

“Tôi đi với thằng Duy vầy, kia. Fan nó đứng đông lắm, xin chữ ký nó quá chừng!” Tôi nghĩ, không chỉ nghề của mình, bất cứ nghề nào, đôi khi nên thử để ba mẹ đến nơi mình làm việc. Để ba mẹ đi vào cuộc sống của mình, hiểu về công việc của mình. Đó là câu chuyện khiến ba mẹ vui và tự hào về mình.

img

- Nói như vậy, hẳn là ba mẹ rất hiểu công việc của anh?

Ba mẹ rất là ủng hộ công việc của tôi. Chỉ có những lúc làm quá nhiều, ba mẹ hơi cằn nhằn xíu thôi. Kiểu, phải làm lâu dài, làm vậy thì sức nào chịu nổi.

- Vậy bây giờ, anh đã chịu nhận bớt show lại và chăm lo cho sức khỏe?

Nói cường độ nhiều vậy nhưng tôi vẫn cố tìm được thời gian rảnh. Thí dụ đi diễn xa bằng bay máy bay, tôi thường bay sớm, vô khách sạn ngủ luôn, tới giờ ra diễn, sáng hôm sau bay về. Còn những nơi phải đi xe thì tranh thủ ngủ trên xe. Show tùy thời điểm chị ạ. Vì có những lúc đang mùa cao điểm. Mình đang được khán giả yêu thương thì mình cố thu xếp để gặp, không có lý do gì mình bỏ hết.

Qua Tết, mọi người đi làm, chương trình ít lại, cũng là lúc mình nghỉ ngơi. Tôi sẽ có những hoạt động khác, có kế hoạch cho bản thân. Nói chung là ngủ nghỉ hợp lý để giữ sức khỏe.

img

- Âm nhạc, phim ảnh và bây giờ là viết sách. anh có thấy mình “tham lam” quá không?

Tôi nghĩ, trời cho sao thì mình nhận vậy. Vả lại, tôi cũng không mất quá nhiều thời gian cho việc này. Viết giống như sở thích vậy. Và được làm việc mình thích thì mình sẽ không thấy mệt. Tôi có thể viết trên máy bay, ngồi trên xe với “công cụ” là chiếc điện thoại. Bật mí với chị là tốc độ bấm điện thoại của tôi rất là khủng khiếp. (cười)

Chị hỏi tôi có “tham” hay không? Tôi nghĩ là tôi không. (cười) Tôi không có ý định trở thành một nhà văn hay tự buộc mình phải ra một cuốn sách mang thông điệp cao siêu. Tôi chỉ đơn giản là đang làm việc mình yêu thích. Quan trọng hơn, là thực hiện ước mơ của mẹ tôi. Đó mới là điều ý nghĩa nhất với tôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem