"Thanh gươm kỷ luật" phải liên tục mài sắc để Đảng vững mạnh hơn

Lương Kết (thực hiện) Chủ nhật, ngày 29/01/2017 17:00 PM (GMT+7)
"Điểm rất đáng chú ý là qua các vụ việc xử lý kỷ luật Đảng vừa qua đều gắn liền với đẩy mạnh cải cách hành chính, sửa đổi cách thức quản lý, điều hành nêu cao tinh thần gương mẫu của bộ máy Đảng và Nhà nước".
Bình luận 0

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đã nói như vậy khi bàn về tính kỷ luật trong Đảng nhân dịp kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đảng (3.2.1930 - 3.2.2017).

img

 PGS -TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). 

Thưa ông, sau Đại hội XII của Đảng việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật đã được Đảng ta triển khai như thế nào?

"Điểm nổi bật qua các vụ xử lý kỷ luật là Đảng ta đã nhìn nhận rõ những địa chỉ, con người, tránh việc phê phán chung chung. Trước đây chúng ta hay phê phán những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, chạy nọ, chạy kia nhưng chủ yếu nói chung chung, hiện giờ có địa chỉ rõ ràng. Ví dụ từ vụ Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Vũ Huy Hoàng... Việc xử lý theo tôi cũng đúng với sai phạm mà họ đã gây ra, xử lý không chỉ với người vi phạm trực tiếp mà xử lý và cả những người có liên quan..."

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc

- Sau Đại hội XII của Đảng, việc chống tham nhũng, lãng phí, chống tiêu cực được đẩy mạnh. Ban Chấp hành T.Ư Đảng lại tiếp tục ban hành Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Có thể nói Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII của Đảng thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, đi sâu vào những biện pháp cụ thể, chỉ rõ những biểu hiện của suy thoái làm cho công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng có cơ sở thực hiện một cách hiệu quả hơn.

Việc chống tham nhũng, lãng phí và những tiêu cực khác trong bộ máy đã được Đảng ta tiến hành đấu tranh một cách mạnh mẽ, chỉ rõ những địa chỉ và xử lý được những vụ việc lớn gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Trong năm 2016, Đảng ta cũng đã tiến hành xử lý nhiều vụ việc tiêu cực, làm đến nơi đến chốn, như trường hợp Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng, qua những vụ việc đó ông có đánh giá gì?

- Theo tôi đó là dấu hiệu rất đáng mừng, qua những vụ việc cụ thể, cách xử lý đến nơi đến chốn như vậy là để giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong Đảng và pháp luật của Nhà nước. Điểm nổi bật qua các vụ xử lý kỷ luật là Đảng ta đã nhìn nhận rõ những địa chỉ, con người, tránh việc phê phán chung chung. Trước đây chúng ta hay phê phán những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, chạy nọ, chạy kia nhưng chủ yếu nói chung chung, hiện giờ có địa chỉ rõ ràng. Ví dụ từ vụ Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Vũ Huy Hoàng... Việc xử lý theo tôi cũng đúng với sai phạm mà họ đã gây ra, xử lý không chỉ với người vi phạm trực tiếp mà xử lý và cả những người có liên quan.

Việc xử lý như vậy có tác dụng răn đe, giáo dục và phòng ngừa. Việc xử lý đó đã khẳng định quyết tâm trong công tác cán bộ của Đảng là làm sao loại bỏ những thành phần tiêu cực ra khỏi bộ máy, khích lệ những việc làm tích cực để củng cố khối đoàn kết. Theo tôi, điều quan trọng nhất việc xử lý kỷ luật là để sửa chữa kịp thời, đúng đắn, củng cố được sức mạnh đoàn kết làm cho Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh hơn.

Điểm rất đáng chú ý là qua các vụ việc xử lý kỷ luật Đảng vừa qua đều gắn liền với đẩy mạnh cải cách hành chính, sửa đổi cách thức quản lý, điều hành nêu cao tinh thần gương mẫu của bộ máy Đảng và Nhà nước.

img

Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII là quyết tâm chính trị rất cao của Đảng.

Có người nói để Đảng vững mạnh hơn thì "thanh gươm kỷ luật" phải liên tục được mài sắc, ông thấy sao?

- Đúng như vậy. Việc này Hồ Chủ tịch cũng đã căn dặn nhiều lần. Bác nói, một Đảng cách mạng chân chính phải giữ nghiêm kỷ luật từ trên xuống dưới. Kỷ luật càng nghiêm thì hiệu quả công việc lãnh đạo càng tốt. Bên cạnh đó, việc giáo dục rèn luyện cho cán bộ đảng viên, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền có ý nghĩa tích cực hơn.

Nếu kỷ luật lỏng lẻo, pháp luật buông trôi thì nó sẽ tác động xấu và sẽ gây ra nhiều tiêu cực. Tuy nhiên, tăng cường kỷ luật Đảng phải gắn liền với tăng cường kỷ cương phép nước, nghĩa là pháp luật của Nhà nước trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền. Theo tôi, cả hai cái đó cùng phải tiến hành chứ không chỉ tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Đối với trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật ngoài việc xử lý về mặt Đảng cũng phải xử lý theo pháp luật.

Cái nhiều người gọi là "thanh gươm kỷ luật" cần mài sắc theo tôi không chỉ kỷ luật trong Đảng mà phải gắn với pháp luật của Nhà nước. Hai cái đó kết hợp được chặt chẽ với nhau sẽ làm cho trong Đảng nghiêm chỉnh hơn, ngoài xã hội có kỷ cương hơn. Như vậy nó sẽ thúc đẩy cho xã hội phát triển theo hướng tích cực. Bản thân tính tích cực cũng trở thành động lực để thúc đẩy xã hội phát triển, nếu để cho những hiện tượng tiêu cực chi phối, trở thành phổ biến sẽ kìm hãm, cản trở sự phát triển của đất nước.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem