Có thể nói rằng, đây là năm rất đáng nhớ khi lần đầu tiên Việt Nam có ứng cử viên chạy đua vào Ủy ban Luật pháp quốc tế, xin Đại sứ cho biết ý nghĩa của sự kiện này?
- Đây là thắng lợi của đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập, nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác đối ngoại đa phương của Việt Nam, của Ngoại giao Việt Nam, của cộng đồng chuyên gia và luật gia nghiên cứu về luật pháp quốc tế của Việt Nam.
Sau các thành công trong hội nhập kinh tế, xã hội, văn hóa, đảm nhận tốt vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009, Ủy viên Hội đồng Kinh tế-văn hóa-xã hội, Hội đồng nhân quyền của Liên Hợp Quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2014-2016 thì đây là lần đầu tiên chúng ta có mặt trong tổ chức pháp lý quốc tế có ảnh hưởng lớn trong quá trình pháp điển hóa và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế.
Năm 2017 là năm kỷ niệm 70 năm thành lập Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) và cũng là 40 năm Việt Nam gia nhập LHQ và tình hình thế giới đang có những biến chuyển rất mạnh đòi hỏi vai trò cao hơn của luật quốc tế như phương tiện hữu hiệu bảo vệ công bằng, hòa bình, an ninh và phát triển bền vững của thế giới.
PGS.TS, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao (phải) tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (New York, Mỹ). (Ảnh: internet).
Khi được thông báo đã trúng cử Ủy ban này, Đại sứ nghĩ đến điều gì trước tiên?
- Đây là lần đầu tiên Việt Nam có ứng cử viên vào hệ thống bầu cử của LHQ. Thời gian chuẩn bị rất ngắn, chưa đầy một năm kể từ thời điểm Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva gửi hồ sơ ứng cử đăng ký với LHQ. Việt Nam có nhiều kinh nghiệm ứng cử vào các cơ quan của LHQ nhưng hầu như chưa có kinh nghiệm về chuẩn bị cho cá nhân vào các vị trí tương tự.
Thông thường các nước chuẩn bị ứng viên của họ 5-10 năm, cho tham dự rất nhiều diễn đàn đa phương, hội thảo quốc tế để giới thiệu. Vì vậy cá nhân tôi cũng như các đồng nghiệp nhận nhiệm vụ cũng rất lo, làm sao hoàn thành nhiệm vụ. Nếu lần này không trúng cử, cũng không ai trách gì nhưng đất nước sẽ chờ thêm 5 năm hoặc lâu hơn mới có thêm cơ hội. Khi hoàn thành nhiệm vụ, cảm giác của chúng tôi, các cơ quan đại diện, các đơn vị trong nước và cá nhân đều thấy nhẹ nhàng, để báo cáo với đất nước là chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ mở đường. Cá nhân tôi chỉ là phần nhỏ nhoi và hoàn thành nhiệm vụ đã là mãn nguyện rồi.
Trước mắt còn nhiều khó khăn và sẽ phải nỗ lực hơn nữa để Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với đời sống chính trị, kinh tế, pháp lý, văn hóa quốc tế.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao là một chuyên gia về luật pháp quốc tế , từng là Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Trưởng đoàn đàm phán các hiệp định biên giới với các nước láng giềng của Việt Nam, cố vấn pháp lý cho dự thảo Luật Biển Việt Nam năm 2012...
|
Trở thành đại diện của Việt Nam tại Ủy ban Luật pháp quốc tế, với 40 năm kinh nghiệm hoạt động ngoại giao, Đại sứ sẽ làm gì để góp phần nâng vị thế, vai trò của Việt Nam?
- Trước hết, lĩnh vực hoạt động của ILC khá rộng, bao trùm tất cả các vấn đề, các khía cạnh của Luật quốc tế. ILC sẽ phải chuẩn bị các báo cáo, dự thảo Công ước quốc tế về các vấn đề do Đại Hội đồng LHQ và các nước thành viên đề xuất. Tại cuộc họp lần thứ 69 tại Geneva 5-6.2017 tới, ILC sẽ đề xuất chương trình hành động mới cho Đại hội đồng thông qua gồm các vấn đề: Các nguyên tắc chung của luật; Các thỏa thuận quốc tế được ký kết bởi hoặc giữa các chủ thể của luật quốc tế khác với các quốc gia hoặc các tổ chức quốc tế; Công nhận quốc gia; Phân giới cắm mốc biên giới đất liền; Bồi thường theo luật quốc tế; Các nguyên tắc bằng chứng trong luật quốc tế.
Tôi sẽ cố gắng tham gia vào tiến trình này, đóng góp ý kiến, thảo luận, giới thiệu kinh nghiệm Việt Nam, các nước ĐNA, các nước đang phát triển để góp phần giải quyết các vấn đề chung của thế giới. Những năm sau sẽ cố gắng đi sâu, phấn đấu làm tròn những nhiệm vụ được phân công.
Chúc báo Dân Việt một năm mới thành công, đóng góp nhiều cho công cuộc phát triển của đất nước!
Xin cảm ơn Đại sứ!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.