Theo ông Trần Đức Năng - Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh Thanh Hóa, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến phát sinh nợ đọng trong xây dựng NTM trên địa bàn là do xuất phát điểm của hầu hết các xã thấp (4,7 tiêu chí/xã năm 2011), các tiêu chí chưa đạt đòi hỏi đầu tư lớn trong khi nguyên tắc về cơ chế hỗ trợ vốn thay đổi, gây bị động cho các xã. Nguồn huy động chủ yếu để xây dựng NTM từ đấu giá quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn do thị trường đóng băng và thủ tục chậm. Năng lực quản lý đầu tư cấp xã giai đoạn đầu gặp nhiều hạn chế… Một phần nợ đọng phát sinh từ các công trình đã được phê duyệt đầu tư, song chưa bố trí giải ngân kịp vốn hỗ trợ nên đẩy nợ đọng của tỉnh lên cao. Toàn tỉnh không có trường hợp nào đi vay để đầu tư xây dựng NTM.
Đường giao thông ở xã Hoằng Minh (huyện Hoằng Hóa) đã được trải bê tông rộng rãi. Ảnh: I.T
Trên cơ sở đó, Thanh Hóa đang quyết tâm, nỗ lực bám sát thực tế địa phương, phân loại các nguồn nợ cụ thể và chỉ đạo các địa phương trong tỉnh chủ động lên kế hoạch thanh toán nợ trong năm 2016-2017. Ngoài ra, tỉnh cũng yêu cầu các địa phương chủ động huy động các nguồn vốn hợp pháp khác, nâng cao vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM, tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát và nâng cao năng lực điều hành - quản lý trong đầu tư tại các xã/huyện; Đẩy nhanh ban hành các cơ chế, chính sách thực tiễn khuyến khích tái cơ cấu nông nghiệp và hỗ trợ sản xuất cho thu nhập cao…
Tính đến tháng 7.2016, bình quân toàn tỉnh đạt 13,7 tiêu chí/xã; có 114 xã đạt chuẩn, bằng 97% kế hoạch. Tỉnh có huyện Yên Định đã được T.Ư công nhận đạt chuẩn NTM. Sau hơn 5 năm thực hiện (2010 - 2015), toàn tỉnh Thanh Hóa đã huy động được hơn 27.000 tỷ đồng cho Chương trình NTM. Tỉnh phấn đấu hết năm 2016 sẽ có 45 xã đạt chuẩn, bình quân đạt 14,2 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.