Thanh Hoá: Lần đầu tiên trong 10 năm không để xảy ra ổ dịch nguy hiểm trên đàn vật nuôi
Lần đầu tiên trong 10 năm: Thanh Hóa không để xảy ra ổ dịch nguy hiểm trên đàn vật nuôi trong năm 2022
Hữu Dụng
Thứ sáu, ngày 23/12/2022 09:48 AM (GMT+7)
Lần đầu tiên trong 10 năm gần đây, trong 10 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá dịch bệnh động vật được kiểm soát tốt, không để xảy ra ổ dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm và động vật thủy sản.
Thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp
Hiện, toàn tỉnh Thanh Hoá có 69 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi quy mô lớn, trong đó có các doanh nghiệp chăn nuôi lớn có vốn đầu tư nước ngoài như: Công ty chăn nuôi C.P, CJ, Japfa comfeed, Golden, Mavin, Newhope, hình thành chuỗi chăn nuôi theo hình thức gia công, đem lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi khi tham gia vào chuỗi liên kết.
Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước đầu tư xây dựng các dự án lớn trong lĩnh vực chăn nuôi gắn với nhà máy chế biến hoặc giết mổ như: Tập đoàn Vinamilk, Tập đoàn TH True milk, Hòa Phát, DABACO, Công ty RTD, Công ty Phú Gia, 3F ...; Nhà máy giết mổ gia cầm Viet Avis hoạt động với công suất 2.500 con/giờ.
Ngoài ra, toàn tỉnh Thanh Hoá hiện có 47 khu/cụm trang trại chăn nuôi tập trung, các khu chăn nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã hình thành và phát triển đáp ứng đúng theo quy hoạch vùng và chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn gắn với sự phù hợp yếu tố vị trí, địa hình, kinh tế và xã hội của địa phương.
Năm 2022, UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư cho 5 dự án chăn nuôi lợn và gà công nghệ cao (trong đó: 3 dự án chăn nuôi lợn và 2 dự án chăn nuôi gà) với tổng mức đầu tư đạt 650 tỷ đồng, với quy mô chăn nuôi: 10.800 lợn nái, 48.000 lợn thịt/năm, 96.000 lợn con/năm; 1,45 triệu con gà thịt.
Đặc biệt, UBND tỉnh Thanh Hoá giao các Sở, ban, ngành UBND các huyện tham mưu xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư 5 dự án chăn nuôi của Tập đoàn Xuân Thiện, tổng số vốn dự kiến 12.500 tỷ đồng, khi hoàn thành 100% quy mô chăn nuôi của 5 dự án là 25.000 lợn nái sinh sản và 350.000 lợn thịt/năm gắn với nhà máy giết mổ và chế biến thịt lợn tại huyện Ngọc Lặc, Lang Chánh và Cẩm Thủy.
Hình thành các chuỗi sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị
Hiện, tỉnh Thanh Hoá đã hình thành một hệ thống chuỗi chăn nuôi gia cầm theo chuỗi liên kết chăn nuôi gà gắn với chế biến và tiêu thụ ở các huyện, như: Yên Định, Thọ Xuân, Hậu Lộc, Nga Sơn, Triệu Sơn,... với Tập đoàn Japfa Việt Nam, CP Việt Nam, Golden, Công ty CP Nông sản Phú Gia; Công ty chăn nuôi Thọ Xuân; Công ty TNHH sản xuất và Thương mại Hiền Nhuần; Công ty TNHH thực phẩm sạch Phúc Vinh, 3F...
Hệ thống chế biến hiện đại gồm: Công ty CP nông sản Phú Gia và Tập đoàn Mastergood - Hunggary đầu tư dự án xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến gia cầm xuất khẩu VietAvis tại xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa, với tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng (quy mô giai đoạn 1 đạt 2.500 con gia cầm/giờ đã đi vào hoạt động từ tháng 11/2019), tổng công suất thiết kế dự án đạt 8.000 con/giờ gắn với chuỗi liên kết chăn nuôi gà công nghệ cao, khoảng 20 cụm gà liên kết 4A trên địa bàn tỉnh, sản lượng từ 12-15 triệu con/năm. Năm 2022, giết mổ được tổng số 1.484.227 con gia cầm.
Hiện, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn như Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty CJ, Mavin, RTD, Newhope, 3F, DABACO đang liên kết chăn nuôi lợn ngoại hướng nạc hầu hết ở các huyện, nơi có điều kiện về đất đai, đồng bộ về hạ tầng, kiểm soát dịch bệnh gắn với bảo vệ môi trường và có thị trường tiêu thụ ổn định, như: Nga Sơn, Hà Trung, thị xã Nghi Sơn, Như Thanh, Hậu Lộc, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Vĩnh Lộc, Yên Định,... và tập trung phát triển tại các huyện miền núi thấp như Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Bá Thước, Lang Chánh, Như Xuân. Đặc biệt Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam đã đưa vào hoạt động trung tâm trung chuyển lợn công suất 2.000 con/ngày.
Chuỗi chăn nuôi trâu, bò hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá vẫn còn nhiều hạn chế, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao (95%); trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 2 doanh nghiệp lớn đầu tư vào chăn nuôi bò sữa gắn với nhà máy chế biến sữa của Công ty Bò sữa Việt Nam Vinamilk (03 trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô hiện tại là 12.500 con, 01 nhà máy chế biến sữa tại khu công nghiệp Lễ Môn); Tập đoàn TH True milk đang đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô 20.000 con và nhà máy chế biến sữa (dự kiến quý IV/2022 nhập 1.500 con bò).
Lần đầu tiên trong 10 năm không để xảy ra ổ dịch nguy hiểm
Lần đầu tiên trong 10 năm gần đây, trong 10 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh dịch bệnh động vật được kiểm soát tốt, không để xảy ra ổ dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm và động vật thủy sản, chỉ xảy ra hiện tượng ngao nuôi chết do thay đổi môi trường và nuôi mật độ cao tại huyện Hậu Lộc, Quảng Xương và thị xã Nghi Sơn.
Ngay khi nhận được thông tin, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiến hành lấy mẫu ngao chết, nước gửi xét nghiệm tìm nguyên nhân và đã hướng dẫn người nuôi khắc phục kịp thời, giảm thiệt hại và khôi phục sản xuất.
Ông Đặng Văn Hiệp – Chi Cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hoá cho biết: Để có được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực của toàn ngành trong năm 2022. Ngoài ra, ngay từ đầu Chi cục đã xác định công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng. Vì vậy, tập thể lãnh đạo, cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hoá đã tích cực tham mưu chỉ đạo quyết liệt, hướng dẫn kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh năm 2022, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đầu năm 2022 đã được kiểm soát hiệu quả, không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm, giảm thiệt hại rõ rệt so với 10 tháng năm 2021.
"Như vậy, đây là năm đầu tiên trong 10 năm qua, dịch bệnh gia súc, gia cầm, động vật thủy sản được kiểm soát hiệu quả không có ổ dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh trong năm 2022, góp phần tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững, là môi trường tốt cho thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào địa bàn tỉnh Thanh Hoá" - ông Đặng Văn Hiệp cho biết thêm.
Công tác xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, hiện năm 2022, Chi cục đã thực hiện xây dựng được 20 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, cơ sở chăn nuôi an toàn thực phẩm và cơ sở giết mổ kinh doanh an toàn thực phẩm.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 97 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh trong đó 43 cơ sở chăn nuôi lợn, 04 cơ sở chăn nuôi bò, 50 cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh và xây dựng được 7 cơ sở ATTP, trong đó: 03 cơ sở chăn nuôi bò sữa đạt an toàn thực phẩm, 04 cơ sở giết mổ an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, năm 2022 Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức được 10 lớp tập huấn, trong đó: 06 lớp tập huấn về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, động vật thủy sản; 1 lớp tập huấn về công tác quản lý vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm; 2 lớp tập huấn về quản lý giống vật nuôi và chương trình chăn nuôi; 1 lớp tập huấn phổ biến các quy định của pháp luật về hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi cho cán bộ thú y cấp xã, phường; cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, chủ cơ sở giết mổ, trưởng ban quản lý chợ, đại diện tổ dân phố, đại diện các cơ sở chăn nuôi thuộc diện di rời, các cơ sở buôn bán thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, năm 2022.
Toàn tỉnh Thanh Hoá có 180.000 con trâu, đàn bò ước đạt 270.000 con. Đàn lợn ước đạt 1,25 triệu con (trong đó lợn hướng nạc đạt 680.000 con, đàn lợn nái ngoại 59.000 con). Đàn gia cầm ước đạt 24,5 triệu con. Đàn dê ước đạt 128.000 con.
Ngoài ra, năm 2022, sản lượng thịt hơi các loại toàn tỉnh Thanh Hoá ước đạt 280.000 tấn (trong đó: Sản lượng thịt trâu đạt 14.600 tấn, thịt bò đạt 22.600 tấn, thịt lợn 162.000 tấn, thịt gia cầm 68.000 tấn, thịt hơi khác đạt 12.800 tấn); sản lượng trứng ước đạt 300 triệu quả; sản lượng sữa ước đạt 58.000 tấn, đạt 82,9% KH, đạt 111,5% so với cùng kỳ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.