Thanh Hóa: Lúa mất trắng do đất nhiễm mặn

Thứ tư, ngày 04/05/2011 14:42 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hàng trăm ha lúa ở một số xã ven biển của huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã bị mất trắng do bị nhiễm mặn, khiến cho đời sống của người dân ngày càng trở nên khó khăn.
Bình luận 0

Ông Bùi Thế Sinh - Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết: Vụ chiêm xuân năm nay, địa phương chỉ đạo bà con cấy khép kín 295ha. Nhưng từ trung tuần tháng 3 đến nay, đã có hơn 150ha lúa bị chết. Cứ đà này kéo dài thêm 2 tuần nữa mà trời không mưa, thì số diện tích lúa còn lại cũng sẽ không thể cứu vãn.

img

Đất nhiễm mặn nên cỏ tốt hơn lúa, người dân xã Đa Lộc cắt về cho bò ăn.

Theo ông Sinh, đất bị nhiễm mặn nặng nề từ sau cơn bão số 7 (năm 2005) cùng với biến đổi khí hậu, thời tiết rét đậm, rét hại, lượng mưa ít, nên độ mặn và chua phèn ở các đồng đất tương đối cao, dẫn đến nhiều diện tích lúa, lạc bị mất trắng. Để cứu vãn những diện tích còn lại, xã tích cực vận động bà con mua vôi bột, lân để thau chua rửa mặn. Tuy nhiên, việc lấy nguồn nước ngọt vẫn đang là vấn đề nan giải.

Bà Nguyễn Thị Tâm ở xã Đa Lộc, bộc bạch: “Mỗi sào lúa khi gieo giống xuống phải tốn đến vài ba trăm nghìn, thế mà năm nay nhà tôi đã phải gieo lại lần 2 rồi, nhưng đất bị nhiễm mặn quá, nên cây lúa không thể ngóc đầu lên được. Cứ đà này, chắc cả làng, cả xã lại đói”.

Còn tại xã Minh Lộc, hiện nay đã có 12,5% diện tích lúa và gần 30ha lạc bị mất trắng vì đất nhiễm mặn. Ông Vũ Huy Bổ - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết:

Nguồn nước tưới cho lúa và cây màu không thiếu, tuy nhiên do nước bị nhiễm mặn, nên vụ chiêm xuân năm nay diện tích lúa, lạc bị chết tương đối nhiều. Hiện nay, xã đang mua vôi bột cấp cho các xã viên và lấy nước ngọt từ trạm bơm dã chiến Phú Lộc của huyện để thau chua rửa mặn. Với diện tích lạc bị mất trắng, xã tích cực chuyển đổi chuyển sang cây ngô nếp và đậu xanh và hỗ trợ một phần kinh phí cây giống đối với những gia đình bị mất trắng diện tích lạc.

Bà Nguyễn Thị Liên - Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Hầu hết vùng đông Kênh De đang bị ảnh hưởng của tình trạng nhiễm mặn, thiếu nước ngọt nên không được thau chua rửa mặn, nhiều diện tích lúa phát triển chậm, nhiều nơi bị mất trắng.

Để khắc phục tình trạng trên, huyện chỉ đạo việc tăng cường nguồn nước từ Châu Lộc, Đại Lộc thông qua trạm bơm dã chiến của huyện để khắc phục một phần diện tích đất nhiễm mặn ở Minh Lộc, Hưng Lộc và Hải Lộc. Tuy nhiên, nguồn nước này chưa tới được xã Đa Lộc và 7ha ở ven đê của xã Quang Lộc vẫn đang bị khô hạn

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem