Thanh Hóa: Nâng bước thương hiệu miến gạo Thăng Long ở Nông Cống

Thu Hà Thứ sáu, ngày 11/06/2021 17:19 PM (GMT+7)
Với hơn 1 tỷ đồng mà Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đầu tư cho làng nghề sản xuất miến gạo xã Thăng Long (huyện Nông Cống, Thanh Hóa), các hộ nông dân nơi đây đã mở rộng quy mô sản xuất và liên kết giúp nhau tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu miến gạo Thăng Long.
Bình luận 0

Sản phẩm OCOP miến gạo Thăng Long

Nghề sản xuất miến gạo Tân Giao, xã Thăng Long, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đã có từ xa xưa. 

Năm 2016, làng nghề sản xuất miến gạo Tân Giao được công nhận là làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống (trong đó có 102 hộ làm miến). 

Điều này giúp cho địa phương có điều kiện bảo tồn và phát huy các nghề truyền thống, tạo đà cho sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu riêng cho các sản phẩm tại đây chỉ được khẳng định khi miến gạo Thăng Long được công nhận sản phẩm OCOP.

Câu chuyện bắt đầu bằng việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND, đây cũng là bước chuyển mình tạo nên tên tuổi, chất lượng cho miến gạo Thăng Long.

Nâng bước thương hiệu miến gạo Thăng Long  - Ảnh 1.

Niềm vui của người làm miến gạo Thăng Long (Nông Cống, Thanh Hóa) khi được vay vốn Quỹ HTND để mở rộng quy mô sản xuất. Ảnh: Bình Minh

Nâng bước thương hiệu miến gạo Thăng Long  - Ảnh 2.

Anh Trương Hữu Hoa - Giám đốc HTX dịch vụ miến gạo Thăng Long cho biết: Làng Tân Giao có nghề làm miến gạo lâu đời. Trước năm 2002, các hộ dân ở đây chủ yếu là làm bằng thủ công. Anh cũng là một trong những người ngồi xay bột cả ngày bằng cối đá, sau đó tráng bánh như bánh đa, phơi cho ráo rồi đem vào máy thủ công cá thành sợi miến.

Sau khi trực tiếp khăn gói học nghề ở Hoài Đức (Hà Nội) về, anh Hoa đầu tư máy móc làm miến và từng bước giải phóng sức lao động. Tuy nhiên, lúc bấy giờ nghề làm miến cũng chỉ là nghề phụ, tận dụng thời điểm nông nhàn, khi hết cày cấy.

Đến năm 2014, anh Hoa và làng miến đều nhớ rất rõ thời điểm này, đó là khi Quỹ HTND Trung ương Hội ND đầu tư 300 triệu đồng để phát triển làng nghề miến gạo Tân Giao.

Ông Đào Thanh Khiết - Chủ tịch Hội ND xã Thăng Long cho biết: Để đáp ứng được yêu cầu của dự án vay vốn Quỹ HTND, các hộ sản xuất miến nơi đây phải thành lập tổ hợp tác. Đồng thời, các hộ vay vốn phải có phương án, kế hoạch sản xuất và các điều kiện về đảm bảo đầu ra, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường…

"Một loạt những yêu cầu được đưa ra buộc các hộ vay vốn phải thay đổi tư duy, nâng cao khả năng sản xuất. Từ đây, mọi khâu sản xuất, kinh doanh của các hộ tham gia vay vốn đi vào quy củ, bài bản hơn, và nhất là các yếu tố như sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường… được duy trì và là những yếu tố bắt buộc" - ông Khiết chia sẻ.

Sau chu kỳ vay vốn Quỹ HTND lần thứ nhất kết thúc, các hộ đều hoàn thành nghĩa vụ đều nâng cao thu nhập và hoàn thành trả vốn vay đúng thời hạn. Nhu cầu vay vốn lần 2, rồi lần 3 được đáp ứng với mức đầu tư dự án nâng lên 500 triệu đồng/lần và yêu cầu đặt ra từ tổ hợp tác phải thành lập HTX. Năm 2018, HTX dịch vụ miến gạo Thăng Long được thành lập.

Ông Lê Bá Vĩ, một trong những hộ sản xuất miến gạo có nhiều năm gắn bó với nghề ở xã Thăng Long cho biết: "Khi được các cấp Hội làm thủ tục cho vay vốn, tôi về đầu tư thêm máy để sản xuất. Nguồn nguyên liệu duy nhất để làm miến gạo là bột gạo (thường là gạo khang dân, tạp giao, yên khương), ngoài ra không dùng thêm một chất phụ gia nào khác, nên rất đảm bảo an toàn thực phẩm".

Liên kết sản xuất

Hiện, tổng nguồn vốn Quỹ HTND do Hội ND tỉnh Thanh Hóa quản lý đạt 58,356 tỷ đồng. Nguồn vốn Quỹ HTND này được cho vay thông qua 817 dự án cho 3.117 hộ vay để đầu tư các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh.

Ông Trần Bình Quân - Chủ tịch Hội ND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Điều kiện tiên quyết để được vay nguồn vốn Quỹ HTND là phải hình thành tổ hợp tác liên kết sản xuất. Để được vay lần 2 thì phải thành lập HTX nên việc quản lý nguồn vốn ngày càng mang tính tập trung, dễ thực hiện và có tính chuyên nghiệp hơn. Đồng thời với điều kiện đó, ngày càng xuất hiện nhiều vùng canh tác sản xuất theo chuỗi liên kết tạo tiền đề cho việc hình thành các mô hình kinh tế tập thể.

Từ nguồn vốn Quỹ HTND đã xuất hiện những mô hình sản xuất tiêu biểu như: Dự án "Đầu tư chế biến, xây dựng thương hiệu nước mắm Khúc Phụ" tại xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) đã xây dựng thành công thương hiệu cho nước mắm Khúc Phụ.

Các dự án "Ứng dụng công nghệ cao "trồng rau trong nhà màng" tại xã Nga An (Nga Sơn), "Trồng cam Vinh năng suất cao" tại xã Xuân Trường (Thọ Xuân), "Cơ giới hóa trong gieo trồng cấy lúa" tại xã Quảng Lộc (Quảng Xương), "Chăn nuôi gà siêu trứng" ở thị trấn Thường Xuân… góp phần đưa giống mới, tiến bộ khoa học kĩ thuật vào ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem