Thanh Hóa: U40 khởi nghiệp với nghề nuôi...giun trên đất bỏ hoang

Thứ năm, ngày 05/07/2018 13:05 PM (GMT+7)
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại xã Đông Thanh (Đông Sơn), ngay từ bé, anh Nguyễn Đình Tuấn, sinh năm 1976, đã là người đam mê chăn nuôi và ước mơ sau này sẽ có một khu trang trại của riêng mình. Tuy nhiên, mãi tới năm 2016, khi đã bước sang tuổi 40, giấc mơ bao năm ấp ủ mới có cơ hội được anh Tuấn thực hiện với nghề nuôi...giun.
Bình luận 0

Vượt qua những khó khăn, vất vả từ thưở ban đầu, giờ đây, anh Tuấn và vợ là chị Lê Thị Diệp đã sở hữu một trang trại có diện tích 4 ha với 15 con bò, 10 con lợn sinh sản, gần 1.000 con gà, vịt, 4 ao cá và 150m2 khu chuồng nuôi giun quế.

img

Khu chuồng nuôi giun tại trang trại gia đình anh Nguyễn Đình Tuấn.

Để hiện thực hóa ước mơ của mình, năm 2015, anh Tuấn đã đi nhiều tỉnh, thành phố trong nước để tham quan các trang trại nuôi giun quế quy mô lớn nhằm học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Đồng thời, anh thường xuyên tham khảo các tài liệu, tham gia các diễn đàn liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế trang trại để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm. Sau một năm miệt mài chuẩn bị hành trang, anh Tuấn đã tự tin lên kế hoạch chi tiết cho cuộc hành trình dài phía trước.

Đầu năm 2016, vợ chồng anh Tuấn đã dùng toàn bộ số tiền sau nhiều năm tích cóp và vay ngân hàng 200 triệu đồng để đầu tư xây dựng trang trại. Đầu tiên, anh Tuấn gom đất ruộng bị “bỏ hoang” của một số hộ dân tại một khu đồng trũng trên địa bàn xã và chuyển đổi mục đích sử dụng trên phần đất được người dân chuyển nhượng để xây dựng trang trại. Sau đó, gia đình anh đã thuê nhân công, máy móc về tiến hành xây dựng các công trình cơ bản, như: Làm đường vào khu trang trại, xây dựng các khu nhà để nuôi gia súc, gia cầm, giun quế, đào ao, trồng chuối, trồng cỏ voi.

Khi được hỏi về cơ duyên nuôi giun quế, anh Tuấn chia sẻ: Nuôi giun quế kết hợp với những vật nuôi khác trong trang trại, nguồn chất thải mỗi ngày được tận dụng làm thức ăn cho giun nên sẽ hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, nhu cầu thực phẩm sạch ngày càng được nhiều người tiêu dùng hướng tới, nếu dùng giun làm thức ăn cho vật nuôi thì sản phẩm cuối cùng sẽ hoàn toàn là thực phẩm sạch”.

Do đó, hai vợ chồng anh đã quyết định đầu tư xây dựng khu nuôi giun với diện tích 150m2. Nguồn giun giống được nhập từ các huyện Thạch Thành, Vĩnh Lộc và tỉnh Phú Thọ với mức giá 35.000 đồng/kg giun sinh khối. Ba tấn giun sinh khối được nhập về với tổng số vốn là 105 triệu đồng. Cùng với việc ươm giun, anh Tuấn đã mua 10 con lợn giống, 8 con bò giống sinh sản và gần 300 con gà, vịt, gần 50 kg cá giống để nuôi.

Thời gian đầu, lượng chất thải từ bò, lợn tại trang trại không đủ cung cấp thức ăn cho 3 tấn giun nên anh Tuấn đã thu mua phân bò từ nhiều nơi.
Anh Tuấn cho biết: “Quy trình chăm sóc giun quế không khó, nhưng để đảm bảo cho giun phát triển đều, việc quan trọng đầu tiên là thiết kế chuồng trại theo tiêu chuẩn: Cách âm, đủ ánh sáng, nhiệt độ mát mẻ, đủ kín để các loại côn trùng không thể xâm nhập...".

Theo anh Tuấn, vì trong phân bò có nhiều axit và vi khuẩn nên trước khi đưa vào làm thức ăn cho giun, tôi đã xử lý để loại bỏ vi khuẩn có hại, tăng vi khuẩn có lợi bằng cách ủ phân và tự tạo ra chế phẩm sinh học từ sự kết hợp nhiều loại trái cây với rỉ mật và sữa chua. Sau thời gian ủ 48 giờ, hỗn hợp lên men và có thể trộn vào phân vật nuôi đã được ủ trước đó cho giun ăn.

Được biết, nguồn giun của trang trại hiện tại không những đủ cung cấp thức ăn cho hơn 1.000 con gà, vịt, 10 con lợn sinh sản mà còn có thể cung cấp giun giống ra thị trường với mức giá 35.000 đồng/kg. Giun quế vốn là nguồn thức ăn giàu đạm (80%), kháng khuẩn tự nhiên và bất kỳ loại vật nuôi nào cũng có thể ăn được. Khi được ăn giun, vật nuôi sẽ nhanh lớn, thịt thơm, ngọt, chắc và khả năng phòng bệnh cao.

Mỗi năm anh Tuấn xuất bán được 2 lứa gà và 5 đến 6 lứa vịt. Không những vậy, nguồn phân hữu cơ được tạo ra từ nuôi giun đang rất được ưa chuộng trên thị trường. Trung bình, 2 tháng anh Tuấn cho thu hoạch phân giun 1 lần, mỗi lần khoảng 25 đến 30 tấn và xuất bán ra thị trường để phục vụ cho việc cải tạo đất, trồng rau xanh, cây cảnh,... với giá 2 triệu đồng/tấn. Năm 2017, lợi nhuận anh Tuấn thu về từ việc xuất bán giun giống và phân hữu cơ đạt khoảng 100 triệu đồng, 6 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 150 triệu đồng.

Việc áp dụng nuôi giun quế trong trang trại đã tạo ra một mô hình chăn nuôi khép kín và khu vực nuôi giun quế được ví như “Nhà máy xử lý chất thải” và sản xuất thức ăn hữu cơ của trang trại. Tất cả chất thải của gia súc, gia cầm được ủ làm thức ăn nuôi giun. Giun lớn lại làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Phân giun thì bón cây trồng. Điều này đã giúp trang trại gia đình anh Tuấn giảm được 2/3 chi phí thức ăn và rút ngắn 1/3 thời gian chăn nuôi. Từ nguồn thu có được, anh Tuấn tiếp tục đầu tư nâng cấp chuồng trại và quy mô đàn vật nuôi. Tính đến thời điểm hiện tại, nguồn vốn đầu tư cho trang trại đạt khoảng 1,6 tỷ đồng. Hiện nay, trang trại tạo việc làm cho 3 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng/người/tháng.

Chia sẻ với chúng tôi về dự định trong thời gian tới, anh Tuấn cho biết sẽ tập trung sản xuất giống, tăng đàn vật nuôi, ổn định chất lượng sản phẩm, đồng thời nghiên cứu mở rộng thị trường mà chủ yếu là hướng tới cung cấp thực phẩm cho chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch. Nhưng để làm được những điều này sẽ còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng, với lòng tin, ý chí và sự miệt mài, cần mẫn, ham học hỏi, trong một ngày không xa, những nỗ lực của anh sẽ được đền đáp xứng đáng.

Lê Tình (Báo Thanh Hóa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem