Thanh Hóa: Vô một khu rừng ở đất Nga Sơn thấy dân đặt la liệt thùng gỗ, bay ra bay vào là con này

Vũ Thượng Thứ bảy, ngày 25/05/2024 05:29 AM (GMT+7)
Rừng ngập mặn huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa), chủ yếu trồng các cây như: Bần chua, cây sú vẹt,…khi mùa hoa nở rộ tỏa hương khắp cả một vùng, người dân tận dụng di chuyển hàng trăm đàn ong về đây để khai thác mật tự nhiên.
Bình luận 0

Mùa mật ngọt bên cạnh rừng xanh

Kể từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch hàng năm, thời điểm mùa hoa cây bần, sú vẹt...nở rộ. Quan sát, dọc bờ đê thuộc các xã Nga Tân, Nga Thủy…(huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) có hàng trăm đàn ong "tề tựu" về khai thác phấn hoa làm mật. 

Mật ong làm từ phấn hoa sú vẹt đầu mùa thơm, ngon, sánh, lên màu đẹp nên rất được nhiều người dân mua về sử dụng.

Thanh Hóa: Vô một khu rừng ở đất Nga Sơn thấy dân đặt la liệt thùng gỗ, bay ra bay vào là con này- Ảnh 1.

Rừng ngập mặn huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa) tạo sinh kế cho người dân, trong đó nghề nuôi ong lấy mật đang phát triển. Ảnh: TL

Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Văn Sinh-Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Nga Sơn cho biết: "Huyện Nga Sơn có diện tích rừng ngập mặn gần 350 ha, rừng có nguồn gốc hình thành chủ yếu từ rừng trồng những năm 1980 đến nay".

"Rừng ngập mặn có vai trò hết sức quan trọng, góp phần duy trì cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học, cũng như sinh kế của nhiều hộ dân. Đặc biệt, vai trò phòng hộ của rừng ngập mặn như "bức tường xanh" vững chắc bảo vệ bờ biển, hạn chế xói lở và tác hại của bão lụt", ông Sinh cho biết thêm.

Thanh Hóa: Vô một khu rừng ở đất Nga Sơn thấy dân đặt la liệt thùng gỗ, bay ra bay vào là con này- Ảnh 2.

Ngoài phấn hoa sú vẹt, nơi đây còn nhiều loại hoa khác cho con ong lấy mật. Ảnh; TL

Theo ông Sinh, tận dụng lợi thế về hệ sinh thái thực vật đa dạng trên những cánh rừng ngập mặn, người dân nơi đây còn khai thác con cá, cua, tôm, ốc…trong rừng ngập mặn. Đồng thời, nhiều hộ gia đình "chơi lớn" đầu tư nuôi con ong lấy mật, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Hiện nay, tại khu vực rừng ngập mặn các xã Nga Tân, Nga Thủy có 5 hộ đang nuôi ong lấy mật, với khoảng 1.100 đàn ong. Nghề nuôi ong lấy mật đầu tư vốn ít, nhưng lợi nhuận khá.

Khấm khá nhờ con ong mật

Hoa sú vẹt nở tự nhiên, không bị ảnh hưởng bởi các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật nên ngoài đặc điểm sạch sẽ, mật ong hoa sú vẹt không chỉ có tác dụng tốt cho sức khỏe mà còn được dùng làm thuốc chữa nhiều loại bệnh.

Thanh Hóa: Vô một khu rừng ở đất Nga Sơn thấy dân đặt la liệt thùng gỗ, bay ra bay vào là con này- Ảnh 3.

Từng thùng đàn ong được đặt cạnh rừng ngập mặn Nga Sơn. Ảnh: TL

Theo người nuôi ong ở khu vực rừng ngập mặn Nga Sơn, những tháng hoa nở nhiều, có khi chỉ một tuần, chủ các đàn ong đã tiến hành quay mật một lần bởi lúc này, mật sản sinh rất nhanh.

Ông Phạm Văn Thảo (xã Nga Tân), là một trong những hộ dân có thâm niên nuôi ong tại rừng cây sú vẹt. Nhờ vào nguồn giống và chăm sóc kỹ càng, việc nuôi con ong của gia đình ông rất thuận lợi.

Đến nay, hộ ông Thảo đã phát triển tới gần 400 đàn ong, trung bình mỗi năm bán ra khoảng trên 13 tấn mật, doanh thu hơn 200 triệu đồng/năm, sản phẩm chủ yếu bán cho các công ty trong và ngoài tỉnh.

Thanh Hóa: Vô một khu rừng ở đất Nga Sơn thấy dân đặt la liệt thùng gỗ, bay ra bay vào là con này- Ảnh 4.

Huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa) có diện tích rừng ngập mặn gần 350 ha. Ảnh: TL

Tương tự, cứ đến mùa hoa sú vẹt, ông Nguyễn Văn Nam (xã Nga Thủy) lại di chuyển đàn ong của gia đình về khu rừng ngập mặn huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa).

Ông Nam tâm sự: "Nghề nuôi ong cho thu nhập cao song không phải ai cũng theo được, bởi nghề đòi hỏi sự cần cù, chịu khó, phải di chuyển liên tục. Do trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7, nhiều loại cây quanh đây đều nở hoa, nên việc để ong lấy mật thời điểm này là tốt nhất".

Ngoài lợi ích kinh tế, nghề nuôi ong lấy mật ở rừng ngập mặn ven biển Nga Sơn còn góp phần bảo vệ tính đa dạng sinh học của các loài thực vật, bảo vệ môi trường sinh thái ven biển.

Thanh Hóa: Vô một khu rừng ở đất Nga Sơn thấy dân đặt la liệt thùng gỗ, bay ra bay vào là con này- Ảnh 5.

Cống thuỷ lợi ngăn mặn, giữ ngọt nằm ở thuộc 2 xã Nga Thủy huyện Nga Sơn và xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: VT

Những năm qua, để bảo vệ hệ thống rừng ngập mặn, ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, chính quyền huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa) đã xây dựng các phương án quản lý. Qua đó, chủ yếu dựa vào cộng đồng dân cư nhằm thực hiện bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, góp phần phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, hạn chế suy thoái môi trường, cung cấp sinh kế cho người dân...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem