Thanh Nhã: Từ tuổi thơ trốn đi đá bóng đến "cơn lốc đường biên" của ĐT nữ Việt Nam

Gia Khiêm Thứ ba, ngày 16/05/2023 16:10 PM (GMT+7)
Ít ai biết rằng, trước khi được ví là "cơn lốc đường biên" của ĐT bóng đá nữ Việt Nam, Nguyễn Thị Thanh Nhã từng có niềm đam mê với trái bóng, cứ đi học về lại trốn cha mẹ đi đá bóng.
Bình luận 0

Trong ngôi nhà vang tiếng máy thêu của hotgirl ĐT nữ Việt Nam

Trưa 16/5, tiếng máy thêu vẫn kêu liên thanh vang vọng khắp ngôi nhà 2 tầng cũ của gia đình nữ cầu thủ Nguyễn Thị Thanh Nhã tại quê nhà xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội. Trong cái nắng gắt đầu hè, bà Vũ Thị Chi (47 tuổi, mẹ Thanh Nhã) vẫn cố gắng hoàn thiện sản phẩm để gửi cho khách.

Thanh Nhã: Từ tuổi thơ trốn đi đá bóng đến "cơn lốc đường biên" của đội tuyển nữ Việt Nam - Ảnh 1.

Bà Vũ Thị Chi (mẹ Thanh Nhã) vui sướng kể lại phút giây con gái ghi siêu phẩm phút 75 để ấn định thắng lợi 2-0 cho tuyển nữ Việt Nam trước Myanmar. Ảnh: Gia Khiêm

Dường như Thanh Nhã - cô gái được CĐV yêu mến gọi là hotgirl của đội tuyển nữ VN - được thừa hưởng những nét đẹp từ mẹ mình, bà Vũ Thị Chi. Bà Chi có gương mặt thanh tú và đặc biệt là nụ cười tươi rạng rỡ, chân thành khi tiếp chuyện chúng tôi.

Trong câu chuyện với PV Dân Việt, bà Chi cho biết, tối qua (15/5), khi xem con gái tỏa sáng bằng siêu phẩm phút 76 để ấn định thắng lợi 2-0 cho ĐT nữ Việt Nam trước Myanmar, gia đình bà đã vô cùng vui sướng. Bàn trước đó của đội được ghi bởi Huỳnh Như ở phút 11.

Mẹ Thanh Nhã chia sẻ cảm xúc khi con ghi siêu phẩm. Clip: Gia Khiêm

"Hôm qua, cả nhà cùng mấy anh em xem, khi con gái ghi được bàn thắng ở những phút gần cuối trận, mọi người rất vui và phấn khởi. Lúc đó, tôi rất mừng rỡ vì con ghi được bàn thắng, hơn nữa lại là trận chung kết. Hôm qua, xem có mấy anh em gần nhà và hàng xóm sang xem ai nấy đều vui vẻ", bà Chi nói.

Thanh Nhã: Từ tuổi thơ trốn đi đá bóng đến "cơn lốc đường biên" của đội tuyển nữ Việt Nam - Ảnh 2.

Thanh Nhã chụp ảnh cùng người chị họ khi thi đấu cách đây nhiều năm trước. Ảnh: GĐCC

Mẹ nữ cầu thủ cho hay, Thanh Nhã là con gái thứ 2 trong gia đình có 4 chị em. Khi được hơn 6 tháng tuổi, cô đã chập chững biết đi. Cả gia đình không ai theo nghiệp thể thao, nhưng từ khi 5-6 tuổi, Thanh Nhã đã có tình yêu với trái bóng. Mỗi buổi đi học về, cô bỏ quả bóng lên giỏ xe rồi đạp đi đá bóng cùng chị họ và các bạn.

Thanh Nhã: Từ tuổi thơ trốn đi đá bóng đến "cơn lốc đường biên" của đội tuyển nữ Việt Nam - Ảnh 4.

Hình ảnh nữ cầu thủ Thanh Nhã. Ảnh: GĐCC

"Hồi đó, Thanh Nhã nhỏ bé. Ban đầu, tôi không đồng ý cho con đi đá bóng bởi con là con gái. Thế nhưng, tình yêu bóng đá của con lại rất lớn. Có người thầy ở xã bên đã dạy miễn phí cho con cùng các bạn nên chiều đến là lại trốn đi sang đó tập luyện", bà Chi chia sẻ và cho hay, năm 13 tuổi, Nhã được giới thiệu lên trung tâm huấn luyện ở Hà Đông (Hà Nội) với ước mơ trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp.

Thanh Nhã: Từ tuổi thơ trốn đi đá bóng đến "cơn lốc đường biên" của đội tuyển nữ Việt Nam - Ảnh 3.

Khoảnh khắc tiền vệ Thanh Nhã ghi bàn thắng thứ 2 cho tuyển nữ Việt Nam ở phút thứ 75 của trận đấu. Ảnh: Cao Oanh

Thời gian đầu đưa con gái lên trung tâm, vợ chồng bà Chi nhiều đêm mất ngủ vì nhớ, sau lại lo con gái phải tự lập sớm. Từ khi Thanh Nhã được ra sân thi đấu, vợ chồng bà không bỏ lỡ bất kỳ trận nào. Những trận ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, gia đình đều trực tiếp đi cổ vũ. Các giải đấu ở nước ngoài, vợ chồng bà Chi sẽ xem trên truyền hình.

"Trước trận chung kết, Nhã gọi điện thoại về nói mong muốn và quyết tâm hết sức để cùng cả đội giành huy chương vàng. Đến 12h đêm qua, sau khi giành chiến thắng, con gọi điện về bảo bố mẹ ngủ chưa? Cả nhà vui vẻ ngồi nói chuyện một lúc lâu mới có thể chợp mắt", bà Chi kể.

Kỳ SEA Games 32 đáng nhớ

Tại SEA Games 32, cường độ tập luyện cao cùng lịch thi đấu liên tục, nhưng ngày nào Thanh Nhã cũng gọi điện thoại thăm hỏi gia đình, sau đó chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ với ban huấn luyện và các đồng đội. Đây cũng là thói quen cô duy trì suốt gần 10 năm đi học xa nhà.

"Đợt thi đấu SEA Games 32 lần này ở Campuchia, trời nắng gắt trên 40 độ C. Hôm con gọi về, tôi nhìn thấy mặt mũi bị bong tróc hết cả da mặt. Tôi hỏi vì sao thì con bảo nắng quá. Nó đá suốt ngày ngoài trời như vậy cũng không có nhiều thời gian nghỉ ngơi nên bố mẹ nhìn cũng xót con", bà Chi bộc bạch.

Thanh Nhã: Từ tuổi thơ trốn đi đá bóng đến "cơn lốc đường biên" của đội tuyển nữ Việt Nam - Ảnh 4.

Những tấm huy chương của cầu thủ Nguyễn Thị Thanh Nhã. Ảnh: Gia Khiêm

Tự hào khi con luôn nỗ lực cùng đồng đội giành chiến thắng, nhưng chứng kiến Thanh Nhã bị thương ở cổ chân, dây chằng bà vô cùng thương. Nhờ ban huấn luyện, y bác sĩ quan tâm chăm sóc nên "cơn lốc đường biên" của ĐT nữ Việt Nam nên chấn thương cũng nhanh chóng hồi phục.

Thanh Nhã: Từ tuổi thơ trốn đi đá bóng đến "cơn lốc đường biên" của đội tuyển nữ Việt Nam - Ảnh 5.

Bà Chi vui vẻ bên công việc hàng ngày. Ảnh: Gia Khiêm

Hàng ngày, chồng bà Chi làm nghề mộc cách nhà khoảng 1km, còn bà trước làm thêu tay, nhưng giờ có máy móc công việc cũng không quá vất vả.

"Trước tôi toàn ở nhà thêu tay, thêu công ở bên xã khác. Nhã hồi đó cũng phụ mẹ nhặt chỉ, giờ gia đình cũng vay mượn mua máy về nhà làm cho thuận tiện. Từ sau khi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lời lãi cũng không được bao nhiêu, được cái hơn đi làm công một chút.

Từ lúc con thi đấu đoạt giải cũng hay phụ đỡ cha mẹ. Thanh Nhã thường gọi điện về quan tâm bố mẹ, hỏi han công việc trong gia đình. Nhã cũng ít nói, hành động nhiều. Sau thành công ở SEA Games 32, tới đây tham dự World Cup nữ 2023, tôi chỉ mong sao cho các con vào được chung kết thành công và giành được thành tích tốt nhất", bà Chi chia sẻ thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem