Thanh niên bị đánh ho ra máu được bồi thường 175 triệu đồng

Hữu Danh Thứ bảy, ngày 04/11/2017 09:31 AM (GMT+7)
Sau thời gian bị tù oan, một học sinh và 2 người bạn được trả tự do. Cả 3 khởi kiện và các cơ quan tố tụng phải dùng ngân sách để bồi thường.
Bình luận 0

Sau nhiều lần hoãn phiên tòa, hôm qua (3.11) TAND huyện Cái Nước, Cà Mau do thẩm phán Huỳnh Minh Tính làm chủ tọa đã xét xử vụ kiện "Yêu cầu bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra". Người khởi kiện là Nguyễn Vũ Ca và đơn vị bị kiện là Viện kiểm sát nhân dân huyện Cái Nước. Tòa đã buộc VKS cùng cấp phải bồi thường cho anh Ca 175 triệu đồng vì bắt tạm giam oan anh 13 tháng với cáo buộc cướp tài sản.

Trước đó, trong quá trình thương lượng bồi thường, trước yêu cầu đòi bồi thường oan 297 triệu đồng của anh Ca, VKS huyện chỉ đồng ý 147 triệu đồng.

Hai người bị oan khác là Lê Minh Nhựt, Nguyễn Hoàng Khang cũng đã khởi kiện yêu cầu VKS huyện Cái Nước bồi thường vì tạm giam oan 13 tháng. Hiện tòa này chưa đưa ra xét xử.

img

Các bị cáo bị buộc phải để tóc dài khi ra tòa.

Như Dân Việt đã thông tin, lúc 23h50 ngày 2.6.2015, anh Lâm Chí Nhẫn đến Công an xã Lương Thế Trân (huyện Cái Nước. Cà Mau) trình báo việc mình đang đậu xe gần cầu Lương Thế Trân để nghe điện thoại thì có 3 thanh niên tấn công, trong đó thanh niên mặc áo đỏ dùng kéo đâm vào vai và cướp chiếc điện thoại di động trị giá khoảng 3,7 triệu đồng. Công an bắt giam học sinh Lê Minh Nhựt (16 tuổi), Nguyễn Hoàng Khang (22 tuổi) và Nguyễn Vũ Ca (19 tuổi, cùng ngụ Cà Mau) để điều tra. Tất cả đều thành khẩn nhận tội. Tuy nhiên sau đó các thanh niên này liên tục kêu oan.

Dù vậy, các cơ quan tố tụng đều có đầy đủ chứng cứ để chứng minh các bị cáo có tội. Thậm chí, trong một phiên tòa, khi Lê Minh Nhựt kêu oan, kiểm sát viên liền bật laptop để mọi người cùng nghe đoạn ghi âm với nội dung “Cha ơi con có làm, con có làm. Cha đừng làm lớn chuyện”. Thì ra, đây là cuộc gọi ngày 31.8.2015, do cán bộ Trần Thanh Lộng - Phó Trưởng Công an huyện Cái Nước cho Nhựt mượn điện thoại gọi về nhà và ông Lộng ghi âm lại. Lý do, gia đình của Nhựt liên tục kêu oan vì cho rằng con mình vô tội. Trước tòa, Nhựt khai, ông Lộng lấy điện thoại và nói Nhựt phải gọi về nhà. Đoạn ghi âm nhằm củng cố chứng cứ, hóa ra lại cho thấy cán bộ có mục đích khác.

Ngoài ra, điều tra viên Phạm Hải Âu đã đưa giấy bút để Nguyễn Vũ Ca viết thư nhận tội gửi về nhà. Không ai ngờ rằng, bản chính của bức thư tay, với lời lẽ nhận tội vô cùng thống thiết, ăn năn hối cải, lại được cán bộ Hải Âu âm thầm đưa vào hồ sơ vụ án (bút lục 131, 132). Từ bản phô tô mà ông Âu gửi về nhà, cha mẹ Vũ Ca không hiểu vì sao con mình lại nhận tội nên hoang mang và muốn buông xuôi tất cả. Trích thư của Ca: “Mẹ ơi con rất thèm bữa cơm gia đình có cha mẹ và chế Hai. Cha mẹ ơi bữa đó vào con bị đánh ho ra máu luôn. Nhưng con nghĩ đó là bài học của con vì không nghe lời cha mẹ dạy... Ở đây con bị đánh để mấy người đó đánh con suy nghĩ như cha mẹ đánh con dạy con nên người, bây giờ đầu con nhức lắm mẹ ơi. Nhưng con đã làm sai rồi phải chịu thôi. Thương cha mẹ nhiều nhiều với chế Hai nữa”.

Khi ra tòa, nhân dạng của các bị cáo thay đổi nhiều với tóc tai bù xù. Trong bút lục 253, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân lại giải thích rõ, chúng tôi trích nguyên văn: “Đối với mái tóc của bị cáo vào trại mà không cắt cũng là ý đồ của cán bộ điều tra là để cho bị hại có thể nhận dạng được bị cáo”(?). Ngoài ra, nạn nhân Khang khi ở trong tù đã bị các bạn tù cưỡng bức xăm đầy mình, hiện nạn nhân này vừa yêu cầu bồi thường oan sai và chi phí xóa hình xăm.

Tại phiên toà, HĐXX đồng ý tăng tiền bồi thường cho nạn nhân dựa vào các chi phí hợp lý trong quá trình nạn nhân đi kêu oan (chi phí đi lại, lưu trú).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem